TPHCM lấy lại đà để tăng tốc cho năm bản lề 2023

(Chinhphu.vn) - Năm 2023, TPHCM đặt mục tiêu giữ vững ổn định, ngăn chặn suy giảm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo sức khỏe nhân dân.
TPHCM lấy lại đà để tăng tốc cho năm bản lề 2023 - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cùng lãnh đạo TPHCM dự cuộc chạy thử nghiệm tàu Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên đoạn trên cao - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, năm 2022, UBND Thành phố đã tập trung quán triệt, triển khai nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương, Thành ủy, HĐND Thành phố; trong quá trình điều hành có sự linh hoạt, cập nhật tình hình, tiếp thu ý kiến chuyên gia, người dân, doanh nghiệp nên đã đạt những kết quả đáng mừng. Trong đó, Nghị quyết 05 của Thành ủy đã được cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc; Chương trình phục hồi kinh tế đã được triển khai có trọng tâm và hoàn thành mục tiêu trong năm 2022.

Trong 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022 theo Nghị quyết số 117/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2022 của HĐND Thành phố về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến có 14/19 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch; có 02/19 chỉ tiêu dự kiến không đạt và có 03/19 chỉ tiêu chưa có cơ sở tính toán và đánh giá.

Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn Thành phố ước tăng 9,03% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 5,36%) và vượt kế hoạch đề ra (Kế hoạch năm 2022 là 6-6,5%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 13,89%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,95% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 15,01%); khu vực dịch vụ tăng 8,37% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,4%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,41% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 0,36%).

Trong lĩnh vực dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 30,6% so với năm 2021; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 20,4%; ngành lưu trú, ăn uống tăng 128%; dịch vụ lữ hành tăng 195,2%; dịch vụ khác tăng 35%.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ giảm 1,0%). Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 66,2 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,95).

Tổng doanh thu từ du lịch trong năm 2022 ước đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 171,2% so với cùng kỳ năm 2021 (do năm 2021 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19) và tăng 33,33% so với kế hoạch. Khách quốc tế đến Thành phố ước đạt 3,5 triệu lượt, tăng 100% so cùng kỳ năm 2021, đạt 100% kế hoạch. Khách du lịch nội địa ước đạt 25 triệu lượt khách, tăng 167,4% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 100% so với kế hoạch.

Trong năm, Thành phố đã đón tiếp và làm việc với 104 đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh, trao đổi về các hoạt động về xúc tiến thương mại và đầu tư. Tổ chức 127 hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển thị trường, kết nối giao thương (B2B) thông qua các sự kiện hội chợ - triển lãm thương mại và đầu tư; chương trình kết nối doanh nghiệp với các tập đoàn bán lẻ, hệ thống phân phối; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường xuất khẩu, mở rộng thị phần sang các tỉnh/thành lân cận và quốc tế.

Trong lĩnh vực công nghiệp, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 ước tăng 14,2% so cùng kỳ, trong đó, ngành khai khoáng tăng 58,3%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 13,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,2%; ngành cung cấp xử lý nước thải rác thải tăng 6,3%. Nhóm ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 16,44% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 10,6%). Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trở lại cho thấy xu hướng phục hồi ngày trở nên rõ nét hơn của nền kinh tế.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, giá trị sản xuất ước tăng 3,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 13,71%), trong đó, trồng trọt tăng 3,4%; chăn nuôi tăng 2,3% và thủy sản tăng 5,9%. Riêng giá trị sản xuất các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực chiếm tỷ trọng khoảng 68% so với tổng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

Ngoài ra, trong năm, dự ước số doanh nghiệp thành lập mới đạt 43.000 doanh nghiệp với số vốn đăng ký mới ước đạt 500.000 tỷ đồng; vốn đăng ký bổ sung ước đạt 550.000 tỷ đồng.

Thành phố cũng phấn đấu đạt tổng số thu hút đầu tư nước ngoài năm 2022 đạt mức 5,4 tỷ USD (Năm 2021 đạt 7,23 tỷ USD do Thành phố thu hút thành công dự án Intel - 2,6 tỷ USD).

Quản lý và bồi dưỡng nguồn thu

TPHCM lấy lại đà để tăng tốc cho năm bản lề 2023 - Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên: Cần giải quyết điểm nghẽn về sự phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện nhằm đưa Thành phố phát triển - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Theo báo cáo của Sở Tài chính, năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 457.500 tỷ đồng, đạt 118,35% dự toán và tăng 17,05% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước 294.500 tỷ đồng, đạt 113,46% dự toán và tăng 14,71% so cùng kỳ; thu từ dầu thô ước 25.000 tỷ đồng, đạt 238,1% dự toán và tăng 57,21% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước 138.000 tỷ đồng, đạt 118,45% dự toán và tăng 16,82% so cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương năm 2022 ước thực hiện 91.291 tỷ đồng, đạt 91,59% dự toán giao đầu năm và giảm 5,65% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước thực hiện 33.319 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng 36,49% trong tổng chi cân đối ngân sách Thành phố, đạt 76,51% dự toán giao đầu năm và giảm 2,38% so với cùng kỳ; chi thường xuyên ước thực hiện 54.831 tỷ đồng, đạt 112,67% dự toán giao đầu năm và giảm 7,52% so với cùng kỳ.

Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Lê Duy Minh cho biết, Chính phủ đã giao Thành phố chỉ tiêu dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 là 469.375 tỷ đồng, chiếm 26,05% tổng dự toán thu cả nước, tăng 21,42% so với dự toán năm 2022.

Để hoàn thành mục tiêu đầy thách thức này, Sở Tài chính đề xuất nhiều giải pháp quản lý và bồi dưỡng nguồn thu. Đặc biệt, trong công tác quản lý tài sản công, Sở Tài chính - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 167 - sẽ tham mưu UBND TPHCM bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá đối với nhà đất dôi dư không còn nhu cầu sử dụng sau khi sắp xếp lại.

Cùng với đó, kiên quyết thu hồi các cơ sở nhà đất do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng không đúng quy định, không hiệu quả, tự nguyện trả lại cho nhà nước để giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất hoặc Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng. Từ đó, quản lý và đề xuất phương án sử dụng hiệu quả hoặc đề xuất bán đấu giá tạo nguồn thu nộp ngân sách để chi đầu tư phát triển.

Đồng thời, Sở Tài chính cùng các sở ngành phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, sắp xếp lại và xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn, theo quy định tại Nghị quyết 54 của Quốc hội.

Sở Tài chính cũng đề xuất giải pháp phối hợp cùng với Sở TN&MT rà soát các trường hợp chưa ký hợp đồng thuê đất, các trường hợp đã ký hợp đồng thuê đất nhưng hết hạn, rà soát các trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính để tạo nguồn thu ngân sách. Ngoài ra, một số nguồn thu khác trong năm 2023 là nguồn thu thu từ sắp xếp lại, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước. Bên cạnh đó là thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển.

Huy động tối đa nguồn lực đầu tư

TPHCM lấy lại đà để tăng tốc cho năm bản lề 2023 - Ảnh 3.

Giám đốc Sở KH&ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai trình bày tham luận tại hội nghị triển khai phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 trên địa bàn sáng 20/12 - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Trong năm 2022, Thành phố đã giao và phân bổ chi tiết số kế hoạch vốn là 37.463,673 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương là 2.479,640 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 34.984,033 tỷ đồng. Đến hết niên độ Kế hoạch đầu tư công năm 2022 (ngày 31 tháng 01 năm 2023), Thành phố dự kiến giải ngân vốn là 28.753,707 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 76,7% tổng số vốn giao.

Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, căn cứ vào Quyết định của Thủ tướng, HĐND TPHCM đã thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách của TPHCM là gần 143.000 tỷ đồng.

Với mức vốn này, Thành phố chỉ đáp ứng, cân đối được khoảng 21% tổng nhu cầu đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 và không đủ để bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp của giai đoạn trước. Do vậy, việc huy động tối đa các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển kinh tế xã hội của TPHCM là rất cần thiết.

Sở KH&ĐT TPHCM đề xuất, với nguồn vốn đầu tư công, Thành phố cần quyết liệt tập trung tăng nguồn vốn cho chi đầu tư phát triển bằng việc nâng mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, từ đó tiết kiệm chi thường xuyên.

Ngoài ra, Thành phố cũng cần đánh giá khả năng cân đối ngân sách để phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, tạo thêm nguồn vốn. Bên cạnh đó là các giải pháp huy động nguồn vốn từ quỹ đất công, tài sản công, cổ phần hóa. Cụ thể là việc quản lý, sử dụng nhà đất công, sớm đấu giá với các khu đất đã có chủ trương, đẩy nhanh việc tính tiền sử dụng đất đối với các khu đất, dự án đã đủ điều kiện.

Bà Mai cũng nhấn mạnh đến giải pháp quyết liệt thực hiện Đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn, trong đó có đề xuất thu hồi thêm đất ở 2 bên công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá.

Đồng thời, đẩy nhanh công tác quy hoạch không gian ngầm và đề xuất cơ chế khai thác đối với các khu vực không gian ngầm, đặc biệt là khu vực trung tâm TPHCM và các khu vực kết nối với các tuyến đường sắt đô thị.

Xây dựng thành phố thông minh, công dân số

TPHCM lấy lại đà để tăng tốc cho năm bản lề 2023 - Ảnh 4.

Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đình Thắng: TPHCM cần đẩy mạnh phát triển công dân số - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Theo Sở TT&TT, năm 2022, Thành phố đã ban hành Kế hoạch về triển khai Chương trình "Chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh" và Đề án "Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh". Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn; Kế hoạch thí điểm khai thác, sử dụng Dữ liệu số hóa sổ hộ tịch từ ngày 15/6/2022; Cổng dữ liệu của Thành phố tại địa chỉ https://data.hochiminhcity.gov.vn/, thực hiện chia sẻ dữ liệu cho các sở, ban, ngành, quận, huyện khai thác và sử dụng. Triển khai và tích hợp dữ liệu về hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng đô thị, hệ thống công viên cây xanh, xử lý nước thải, lớp dữ liệu cầu, đường, tín hiệu giao thông (đèn) về Kho dữ liệu dùng chung của Thành phố.

Từ tháng 4/2022, Thành phố đã công bố và đưa vào hoạt động Hệ thống theo dõi việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua Tổng đài 1022. Công bố và đưa vào hoạt động Hệ thống tổng hợp thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành (Dashboard kinh tế - xã hội). Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu trường, lớp, học sinh, giáo viên, nhân viên và đang tiếp tục xây dựng các cơ sở dữ liệu tốt nghiệp trung học phổ thông và văn bằng, chứng chỉ. Ban hành Quy chế quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống tổng đài khẩn cấp liên thông 113-114-115 và phòng chống thiên tai phục vụ công tác cứu nạn cứu hộ.

Thiết lập và kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu của Trung tâm IOC cấp huyện với Trung tâm IOC cấp Thành phố trên cơ sở chia sẻ, dùng chung nền tảng cơ sở dữ liệu và công nghệ. Tiếp nhận tài trợ của Cơ quan Thương mại và phát triển Hoa Kỳ (USTDA) đối với Dự án hỗ trợ kỹ thuật Trung tâm Điều hành đô thị thông minh. Vận hành Hệ thống thông tin tổng hợp phục vụ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Thành phố.

Ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình "Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Thành phố giai đoạn 2020 - 2030". Tổ chức Tọa đàm "Đề xuất các khung pháp lý, tạo cơ chế và chính sách ưu tiên cho nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tại Thành phố Hồ Chí Minh". Xây dựng hạ tầng dữ liệu phục vụ nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Ban hành Kế hoạch về tổ chức "Hội thi giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022" và Kế hoạch tổ chức Hội thảo về ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực hành chính công năm 2022 với chủ đề Hội thảo "Đẩy mạnh ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt lĩnh vực hành chính công".

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đình Thắng, Thành phố vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm trong thời gian tới, đó là việc tạo lập, liên thông, chia sẻ, sử dụng hiệu quả dữ liệu giữa các cấp, các ngành, các địa phương vẫn chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tiễn của đời sống người dân và khối lượng công việc của các cơ quan trên địa bàn.

Do đó, trong kế hoạch năm 2023, Sở TT&TT đề xuất chủ đề về chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh năm 2023 là dữ liệu số. Qua thực tiễn cho thấy, TPHCM đang rất cần đổi mới công tác quản trị trong tình hình mới. Từ đổi mới công tác quản trị, Thành phố sẽ tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng trong tương lai. Để phục vụ cho đổi mới quản trị thành phố, chuyển đổi số của TPHCM là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Theo ông Lâm Đình Thắng, năm 2023, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chuyển đổi số và xây dựng Thành phố thông minh là hoàn thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, trong đó, phấn đấu cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình (thủ tục đủ điều kiện); kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia; hệ thống xác thực định danh, cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an cũng như các cơ sở dữ liệu quốc gia các bộ, ngành Trung ương. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển công dân số, chữ ký số được tích hợp…

Đặc biệt, tạo lập và duy trì dữ liệu số của Thành phố phục vụ cho việc chia sẻ, hỗ trợ ra quyết định như triển khai và thực thi chiến lược quản trị dữ liệu TPHCM và chiến lược An toàn Thông tin. Trong đó, Thành phố tập trung phát triển 3 nhóm dữ liệu gồm: Nhóm dữ liệu phục vụ quản lý đất đai - đô thị; nhóm dữ liệu liên quan đến thông tin của người dân; nhóm dữ liệu về phát triển tài chính, doanh nghiệp. Trên cơ sở định hướng dữ liệu, các sở, ngành đẩy mạnh triển khai thống nhất các hệ thống thông tin chuyên ngành, thực hiện số hóa và tạo lập dữ liệu thống nhất…

Nâng cao chất lượng công vụ, tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện

TPHCM lấy lại đà để tăng tốc cho năm bản lề 2023 - Ảnh 5.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị cả hệ thống chính quyền nỗ lực phấn đấu nhiều hơn, đoàn kết và phát huy nguồn lực xã hội để hoàn thành nhiệm vụ - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, về thực hiện chủ đề năm 2022 "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp", có nội dung đã thực hiện tốt, là 'thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19'. Còn thành tố 'nâng cao chất lượng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp' thì có mặt làm tốt, như đồng hành cùng doanh nghiệp. Lãnh đạo Thành phố đã gặp gỡ, lắng nghe, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng việc nâng chất chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư thì còn phải tiếp tục làm.

Người đứng đầu chính quyền Thành phố nhấn mạnh, trong số các hạn chế của năm 2022, có một điểm phải hết sức quan tâm, đó là hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành, giữa các ngành các cấp, là kỷ luật kỷ cương, chất lượng hiệu quả công vụ của từng cơ quan, từng cán bộ để cải thiện, nâng cao chất lượng hiệu quả công việc, thúc đẩy công việc, huy động và hấp thụ được nhiều hơn nguồn lực để phát triển.

"Trước hết, từng đồng chí thành viên UBND Thành phố, người đứng đầu các sở, ngành, Chủ tịch UBND quận huyện, TP. Thủ Đức phải hết sức quan tâm, phân tích để có giải pháp cải thiện. Đây cũng là một trọng tâm trong chủ đề năm 2023 "Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội".

Năm 2023 cũng là năm mà Thành phố sẽ đánh giá cán bộ sát hơn vào hằng quý, hằng năm và có thể có đề xuất về công tác cán bộ để thúc đẩy công việc", ông Mãi cho biết.

Đề cập đến vấn đề này, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhận định, Thành phố đã nhận ra điểm nghẽn lớn nhất là sự phối hợp giữa các sở, ngành và quận, huyện chưa đồng bộ thì phải tháo gỡ được điểm nghẽn này. Từ đó, ông Nên đề nghị người đứng đầu các sở, ngành, quận, huyện, thủ trưởng các đơn vị phải xem xét lại mình.

"Nhiều cán bộ còn ngại ngần, băn khoăn, lo lắng trong chỉ đạo, trước việc đặt bút ký một vấn đề gì đó. Phải nhớ rằng khi một chữ ký của mình mà để người dân, doanh nghiệp chờ đợi thì đồng nghĩa với việc họ sẽ mất đi cơ hội tốt", ông Nên cho biết. 

Theo Bí thư Thành ủy, trong hành động thì tư cách đạo đức, thái độ phục vụ là quan trọng chứ không chỉ trình độ. Phải biết làm gì cho dân, cho nước trên cương vị của mình, đó là sự tự trọng tối thiểu. Phải đặt mình vào trách nhiệm thì mới gỡ được các điểm nghẽn để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Tăng tốc cho năm bản lề 2023

Năm 2023, TPHCM đặt mục tiêu giữ vững ổn định, ngăn chặn suy giảm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo sức khỏe nhân dân.

Bên cạnh đó là nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, cải cách hành chính; đổi mới phương thức, hiện đại hóa công tác chỉ đạo điều hành; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài theo tiêu chí phù hợp với điều kiện mới. Huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư xã hội.

Tiếp tục hoàn thành công tác quy hoạch, tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị; thực hiện có hiệu quả các biện pháp nâng cao chất lượng công tác y tế, văn hóa, giáo dục; đẩy mạnh xã hội hóa và các cơ chế nhà nước đặt hàng.

Thành phố cũng xây dựng 17 chỉ tiêu chủ yếu phù hợp với tình hình thực tế trong năm 2023 và được phân chia thành 05 nhóm: Nhóm 07 Chỉ tiêu về kinh tế; Nhóm 03 Chỉ tiêu về xã hội; Nhóm 02 Chỉ tiêu về đô thị; 01 Chỉ tiêu về cải cách hành chính; Nhóm 04 Chỉ tiêu về trật tự an toàn xã hội.

Giao nhiệm vụ cho từng sở, ngành trong năm 2023, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn mãi yêu cầu nắm chắc tình hình, sát diễn biến mới phát sinh để thích ứng phù hợp. Vấn đề nào thuộc thẩm quyền thì giải quyết ngay, vượt thẩm quyền thì báo cáo để UBND Thành phố để xử lý, giải quyết hoặc xin ý kiến Trung ương.

Từng sở, ngành, quận, huyện rà lại công việc còn tồn đọng của dân, của doanh nghiệp, của mình để phân nhóm và phân công giải quyết có tiến độ. Thường trực UBND TPHCM sẽ kiểm tra và giao nhiệm vụ trong đợt duyệt kế hoạch đầu năm.

Cũng theo Chủ tịch UBND Thành phố, các sở, ban ngành, địa phương cần tập trung triển khai Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, TPHCM được giao chủ trì triển khai 8 đề án và 10 dự án rất quan trọng.

Ông Mãi nhấn mạnh cần tập trung cho các dự án về xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ của Thành phố. Đồng thời, cần rà soát cơ chế để huy động nguồn lực đầu tư toàn xã hội để đạt mục tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm bình quân 35% GRDP.

Cụ thể, một số việc phải làm ngay trong quý I/2023 là hoàn thành đề xuất nâng trần đầu tư công, tiêu chí thu hút FDI, đề án huy động đầu tư xã hội, chính sách phát huy kiều hối. Cùng với đó là kế hoạch sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý tài sản công, kế hoạch bán đấu giá nhà đất công, đề án khai thác quỹ đất dọc Metro, dọc Vành đai 3; đề án xã hội hóa giáo dục - y tế - văn hóa - thể thao…

Theo ông Mãi, tất cả những đề án này là cơ chế, tạo kênh nhằm huy động nguồn lực trong và ngoài ngân sách để đầu tư phát triển. Từ nay đến Tết Nguyên đán, các sở ngành, địa phương tập trung rà soát các chỉ tiêu nhiệm vụ, nỗ lực tối đa để giải ngân vốn đầu tư công đến cuối tháng 1/2023 đạt được 86%.

"Khối lượng công việc năm 2023 rất lớn cộng với khó khăn mới vừa phát sinh, mong rằng cả hệ thống chính quyền sẽ nỗ lực phấn đấu nhiều hơn, đoàn kết và phát huy nguồn lực xã hội để hoàn thành nhiệm vụ", Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.

Anh Thơ

Top