TPHCM lên kịch bản ứng phó với dịch bệnh dịp Tết
(Chinhphu.vn) - Sở Y tế TPHCM vừa có văn bản gửi các cơ sở y tế trên địa bàn về việc sẵn sàng ứng phó các tình huống cấp cứu, điều trị, dịch bệnh trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2024.
Theo đó, Sở yêu cầu các cơ sở thực nghiêm công tác ứng phó với các dịch bệnh và các tình huống cấp cứu dịp Tết Nguyên đán 2024.
Đối với việc ứng phó các dịch bệnh, các bệnh viện công lập và ngoài công lập cần rà soát, tăng cường công tác tiếp nhận, thu dung và điều trị người bệnh COVID-19 tại các khoa/đơn vị điều trị COVID-19; bố trí giường hồi sức tiếp nhận các ca nặng tại cơ sở y tế trên địa bàn; thực hiện điều trị, chăm sóc theo các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Song song với đó, nếu gặp trường hợp khó, đối với bệnh nhân là người lớn thì cần hội chẩn với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, còn bệnh nhân là trẻ em thì sẽ hội chẩn với 3 bệnh viện chuyên khoa nhi của Thành phố (Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Nhi Đồng Thành phố). Đồng thời, chuyển tuyến điều trị theo chuyên khoa nếu có trường hợp mắc COVID-19 có suy hô hấp, mức độ nặng, nguy kịch.
Các bệnh viện: Bệnh Nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố được phân công là bệnh viện tuyến cuối trong việc tiếp nhận và điều trị các trường hợp mắc COVID-19 mức độ nặng. Bên cạnh đó, chủ động thành lập các đội phản ứng nhanh, sẵn sàng hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới khi cần hội chẩn, hỗ trợ chuyên môn, đặc biệt trong công tác cấp cứu người bệnh...
Về ứng phó với các tình huống cấp cứu, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện công lập và ngoài công lập dự trữ đủ thuốc, máu và các chế phẩm máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, bố trí cơ số giường bệnh và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh. Bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ vì bất kỳ lý do gì...
Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn bố trí ê kíp nhân sự, phương tiện cấp cứu và cơ số thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm máu, vật tư, trang thiết bị, hóa chất đầy đủ, đảm bảo thường trực tại đơn vị...
Ngoài ra, Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố chuẩn bị phương án cấp cứu trong các sự kiện tập trung đông người, bố trí nhân sự trực 24/24 giờ, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác cấp cứu, nhất là cấp cứu tai nạn giao thông, cháy nổ, tai nạn hàng loạt, ngộ độc thực phẩm khi có yêu cầu.
Hai kịch bản ứng phó với dịch COVID-19
Sở Y tế Thành phố cũng đã xây dựng 2 kịch bản ứng phó với dịch COVID-19 trong những ngày Tết Nguyên đán.
Kịch bản 1 là Giám sát số ca mắc tại cộng đồng với các tình huống cụ thể như:
Tình huống 1: Trường hợp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh bảo sự xuất hiện của biến thể đáng quan tâm (VOC) mới hoặc biến thể mới được WHO cảnh báo có sự tăng độc lực và ảnh hưởng tới hiệu quả của vaccine, chưa phát hiện tại Việt Nam.
Với tình huống này, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh thế giới; tăng cường giám sát khách nhập cảnh từ các nước đang có biến thể mới, nếu phát hiện trường hợp có triệu chứng nghi ngờ cần tư vấn để xét nghiệm và có biện pháp giám sát phù hợp.
Tăng cường giám sát các ca viêm hô hấp nặng (các bệnh viện phát hiện ca viêm hô hấp nặng phải báo cáo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) và lấy mẫu làm PCR, dựa vào giải trình tự gen (nếu đủ điều kiện). Bên cạnh đó, thông tin đầy đủ cho cộng đồng về sự xuất hiện biến thể mới, các biện pháp bảo vệ cá nhân phù hợp.
Tình huống 2: Xuất hiện biến thể mới thuộc nhóm VOC (theo phân loại của WHO) tại Việt Nam, dịch bệnh có xu hướng gia tăng đột biến về số ca mắc (số ca mắc mới trong 7 ngày ≥ 450 ca/100.000 dân), nặng (số ca thở oxy trong 7 ngày qua ≥ 32 ca/100.000 dân).
Ngành y tế thực hiện điều tra, xử lý ca bệnh và ổ dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế. Điều tra, xử lý ca bệnh và tổ chức xét nghiệm đối tượng nguy cơ, vùng nguy cơ để đánh giá nguy cơ, giám sát, phát hiện sớm ca mắc tại cộng đồng, xác định ổ dịch (tùy tình hình); triển khai các biện pháp khoanh vùng diện hẹp, xử lý ổ dịch, hạn chế lây lan.
Không thực hiện phong tỏa diện rộng, có thể phong tỏa diện hẹp theo quy mô hộ gia đình hoặc cụm hộ gia đình khi cần thiết. Đồng thời, thực hiện các biện pháp bảo vệ người nguy cơ (theo kế hoạch bảo vệ người nguy cơ).
Tình huống 3: Có ca tử vong do hoặc liên quan đến COVID-19 không thuộc nhóm nguy cơ
Ngành y tế TPHCM sẽ thực hiện giải trình tự gene đối với mẫu bệnh phẩm của người bệnh tử vong; điều tra dịch tễ để xác định nguồn lây và các tiếp xúc nguy cơ đối với ca bệnh tử vong; giám sát chặt chẽ người tiếp xúc; thực hiện kế hoạch bảo vệ người nguy cơ tại nơi ở và tại nơi làm việc của người bệnh.
Kịch bản 2 là khi xảy ra số ca COVID-19 nặng.
Đới với Tình huống 1, khi số ca nặng dưới 50 ca, các bệnh viện chịu trách nhiệm điều trị các trường hợp nặng: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (25 giường) và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (10 giường), Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115 (5 giường/bệnh viện). Các trường hợp người lớn tuổi mắc COVID-19 mức độ nặng, ca bệnh khó thì ưu tiên nhập viện điều trị tại Khoa điều trị COVID-19 thuộc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
Đối với Tình huống 2, khi số ca nặng từ 50-100 ca, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới mở rộng quy mô Khoa điều trị COVID-19 để sẵn sàng tiếp nhận tối đa 50 ca, ưu tiên tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng, cần hội chẩn. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc tuyến chủ yếu tiếp nhận, thu dung điều trị 5 ca/ bệnh viện.
Đối với Tình huống 3, số ca nặng trên 100 ca, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chuyển đổi công năng một phần, trong đó tối đa có thể tiếp nhận 80 ca mắc COVID-19 mức độ nặng. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc tuyến chủ yếu tiếp nhận, thu dung điều trị 10 ca/bệnh viện. Căn cứ tình hình thực tế, Sở Y tế tham mưu UBND thành lập Bệnh viện dã chiến, đồng thời huy động nguồn lực từ các bệnh viện tham gia công tác thu dung, điều trị.
Vũ Phong