TPHCM nỗ lực kiểm soát dịch sốt xuất huyết
(Chinhphu.vn) - Trong tháng 7/2017, số ca nghi ngờ sốt xuất huyết nhập viện tại TPHCM là 1.959 ca, tăng 82,4% so với tháng 6/2017 (ghi nhận 1.068 ca).
Trong 7 tháng đầu năm 2017, TPHCM ghi nhận khoảng 10.100 ca mắc sốt xuất huyết - Ảnh minh hoạ |
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TPHCM, năm nay mùa mưa đến sớm nên số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao hơn rất nhiều cùng kỳ năm ngoái. Số ca mắc sốt xuất huyết nhập viện tại TPHCM trong tháng 7/2017 tăng 205% so với cùng kỳ năm ngoái (642 ca). Đáng chú ý có 1 ca tử vong.
Trong 7 tháng đầu năm 2017, thành phố ghi nhận khoảng 10.100 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái (có 8.584 ca), tử vong 3 ca.
Mặc dù dịch sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, thành phố đang có nhiều điều kiện thuận lợi để kiểm soát dịch.
Đầu tiên, đó là nhờ vào kinh nghiệm và công tác triển khai kiểm soát dịch Zika cũng do muỗi truyền bệnh từ cuối năm 2016. Theo ông Bỉnh: “Xuyên suốt từ cuối năm 2016, ngành y tế thành phố đã tổ chức rất nhiều cuộc gia quân tăng cường phòng chống Zika, kêu gọi người dân vệ sinh môi trường sống, diệt muỗi, kiểm soát nguồn bệnh phát tán. Hiện nay, so với các tỉnh thành trên cả nước, tốc độ ca mắc sốt xuất huyết tại TPHCM tăng tương đối thấp”.
Bên cạnh đó, ngành y tế thành phố cũng nỗ lực tăng cường công tác phát hiện bệnh sớm. Tại các bệnh viện tuyến quận, huyện đã có thể tự điều trị sốt xuất huyết không phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
“Thêm một thuận lợi nữa là bệnh viện nhi TPHCM đã sẵn sàng đưa vào hoạt động nội trú, thêm giường bệnh cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, giảm tải cho Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2”, ông Bỉnh cho biết.
Không để các dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng
Trong tháng 7/2017, số ca nghi ngờ tay chân miệng nhập viện tại TPHCM là 536 ca, tăng 32,3% so với tháng trước (405 ca), tăng 5,1% so với cùng kỳ (510 ca). Không có ca tử vong.
Tính cả trong 7 tháng đầu năm 2017, có 2.341 ca tay chân miệng, giảm 15,1% so với cùng kỳ (2.758 ca), không có tử vong.
TPHCM cũng đang kiểm soát tốt dịch bệnh Zika trong cộng đồng. “Nếu trong năm 2016, thành phố ghi nhận hơn 200 ca mắc Zika thì trong 7 tháng đầu năm 2017 chỉ ghi nhận 21 ca bệnh tại 12 quận, huyện. Các trường hợp thai phụ mắc Zika đều được theo dõi kỹ lưỡng, chưa ghi nhận trường hợp trẻ sơ sinh nào mắc chứng đầu nhỏ do Zika”, người đứng đầu ngành y tế TPHCM cho biết.
Các bệnh gây dịch khác như quai bị, thủy đậu,… tại TPHCM đều được khống chế, không để dịch lan rộng trong cộng đồng.
Được biết, UBND TPHCM đã chỉ đạo sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, các quận, huyện tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa, ban hành kế hoạch phối hợp giữa công tác phòng chống HIV/AIDS và phòng chống bệnh lao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020.
Vũ Đình Lâm