TPHCM: Phát triển TOD theo hướng nào?
(Chinhphu.vn) - Định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), các chuyên gia cho biết đây là quy hoạch phát triển đô thị lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông lân cận.
Tại Hội thảo về TOD và quan hệ đối tác công - tư (PPP) trong vận tải hành khách khối lượng lớn do UBND TPHCM phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức chiều 19/12, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm cho biết TPHCM là một siêu đô thị, dân số lên đến 13 triệu người với mật độ khoảng 4.000 người/km2. Mặc dù quy hoạch giao thông có từ nhiều năm trước nhưng thời gian qua việc triển khai còn gặp không ít vướng mắc và thách thức vì hạn chế về nguồn lực, vốn đầu tư.
"Phát huy giá trị của quỹ đất xung quanh các dự án là một trong những giải pháp được Sở đánh giá tiềm năng. Trong quá trình làm việc, tổ chức hội thảo cùng WB, Sở rất mong muốn các chuyên gia nêu lên những giải pháp giúp thành phố tham khảo, học hỏi cách giải quyết phát triển tốt hơn cho giao thông đô thị", ông Lâm cho biết.
Theo ông Shige Sakaki (điều phối viên Chương trình Giao thông WB tại Việt Nam, đồng chủ nhiệm Cộng đồng chuyên gia về TOD), xe cộ đi lại ở TPHCM là rất nhiều, qua đường rất nguy hiểm, vỉa hè cũng thành bãi đỗ xe, lượng khí thải từ giao thông vận tải lớn.
Do đó, cần một chiến lược "đẩy và kéo", trước tiên là nghiên cứu các chính sách về lập bãi đỗ xe, hạn chế xe vào khu vực trung tâm, thậm chí phải trả phí mới được đi vào. Tạo thêm hạ tầng vỉa hè đi bộ, làn đường đi xe đạp.
Ông Shige Sakaki cho biết thêm TOD sẽ mang lại nhiều lợi ích, giúp cách tiếp cận chính sách cho phép cộng đồng thu hồi và tái đầu tư giá trị đất tăng lên nhờ đầu tư công và các giải pháp của chính phủ.
Đồng thời, TOD sẽ tạo ra cộng đồng đô thị sôi động xung quanh các nhà ga để thúc đẩy sử dụng giao thông công cộng. Thu hút người dân đi qua và sinh sống tại khu vực gần các ga giao thông công cộng.
Chuyên gia của WB cũng chỉ ra thực tế là tỉ lệ vận tải hành khách công cộng tại TPHCM mới đạt khoảng 9% là mức rất thấp so với nhu cầu. Hiện nay, WB chưa có tính toán về chi phí thất thoát của kinh tế TPHCM do vấn đề tắc nghẽn giao thông, song chi phí này của Hà Nội vào khoảng 1,2 tỉ USD/năm. TPHCM nhiều khả năng còn cao hơn.
Ông Benedict - Trưởng đại diện Ban vận tải, đông Á, Thái Bình Dương (WB) khẳng định WB luôn sẵn sàng hỗ trợ TPHCM trong các dự án quan trọng.
Theo ông, quá trình phát triển TOD và phương thức đầu tư PPP được triển khai ở nhiều mạng lưới đường sắt tại một số quốc gia trên thế giới rất thành công.
"Hình thức đầu tư này sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng nguồn tài chính cho Nhà nước, đồng thời nâng cao năng lực sáng tạo của khu vực tư nhân", ông Benedict nói.
Để làm được, vị chuyên gia cho rằng TPHCM cần một chính sách TOD lớn cho toàn thành phố; đồng thời có kế hoạch TOD cho hành lang giao thông công cộng và cuối cùng là đánh giá mức độ sẵn sàng về phát triển TOD.
TOD đang được kết hợp với PPP và triển khai rộng rãi tại các dự metro ở nhiều quốc gia khác nhau như Brazil, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ… Định hướng này đã trở thành chiến lược tạo nguồn vốn quan trọng, giảm gánh nặng cho nhà nước, bảo đảm năng lực phát triển cho khu vực tư nhân, mang lại các khả năng sáng tạo cho tất cả các bên tham gia.
Theo TS Vũ Anh Tuấn, Trường ĐH Việt Đức, để khai thác quỹ đất xung quanh các nhà ga có hiệu quả thì ngay từ khi thực hiện khâu quy hoạch, thành phố nên mời gọi các nhà đầu tư đồng hành trong các dự án khu đô thị, khu công nghiệp... dọc tuyến đường kết nối các nhà ga.
An Bình