TPHCM tăng cường giải pháp duy trì tăng trưởng thương mại, thu hút đầu tư
(Chinhphu.vn) - TPHCM kiên định mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt trên 8,5% với nhiều giải pháp nhằm nhằm duy trì đà tăng trưởng cao của lĩnh vực thương mại – dịch vụ, cũng như tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hạ tầng, kinh tế số, kinh tế xanh.

Khách quốc tế tháng 4 tới TPHCM tăng 51,2% so với cùng kỳ. Ảnh: VGP/Lê Anh
Kinh tế TPHCM trong những tháng đầu năm có nhiều điểm sáng tích cực. Theo báo cáo của UBND TPHCM, trong tháng 4/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tiêu dùng của Thành phố ước đạt gần 129.000 tỷ đồng, tăng 37,6% so với cùng kỳ; lũy kế 4 tháng đầu năm ước đạt hơn 444.800 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2024.
Tổng thu ngành du lịch tháng 4 ước đạt gần 20.000 tỷ đồng (tăng gần 30% so cùng kỳ); lũy kế 4 tháng ước đạt hơn 76.500 tỷ đồng (tăng 27,5% so với cùng kỳ). Khách quốc tế tháng 4 tới TPHCM ước đạt hơn 679.500 lượt (tăng 51,2% so cùng kỳ); lũy kế 4 tháng ước đạt hơn 2,3 triệu lượt (tăng 26,2% so với cùng kỳ).
Tạo động lực duy trì đà tăng trưởng thương mại – dịch vụ
TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cho rằng, trong tháng 4, lĩnh vực dịch vụ tăng đột biến, đặc biệt là du lịch với bệ đỡ quan trọng từ 2 đại lễ vừa diễn ra (Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025). Các đại lễ được thực hiện thành công, an toàn, có tổ chức, có tính toán gắn với hoạt động du lịch, thương mại, kích cầu văn hóa.
Dựa trên kinh nghiệm các nước trên thế giới, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM Trương Minh Huy Vũ phân tích, thành công này có thể kéo dài thành vệt tăng trưởng dịch vụ từ 6 tháng đến một năm. Cơ sở để thành công này có thể kéo dài là TPHCM làm tốt hình ảnh, quảng cáo, xúc tiến, các hoạt động tiếp nối nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước quay lại.
Ông Vũ cũng thẳng thắn nhìn nhận, các đại lễ vừa qua đã cho thấy hạ tầng dịch vụ, du lịch, văn hóa của TPHCM cần tiếp tục nâng cấp nhanh để đáp ứng số lượng người tập trung rất đông cùng thời điểm.

TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, để triển khai mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025, ngay từ đầu năm, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành triển khai các nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu, kết nối giao thương, thúc đẩy tiêu dùng trên địa bàn Thành phố. Sở Công Thương cũng có sự phối hợp chặt chẽ với Sở Du lịch nhằm "thúc đẩy tăng trưởng kép" kết nối giữa các hoạt động du lịch và thương mại tiêu dùng của Thành phố.
Nhằm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong thời gian qua, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu UBND Thành phố tổ chức các chương trình tiêu biểu như chương trình khuyến mãi tập trung, tổ chức các chương trình, lễ hội không dùng tiền mặt, bán hàng lưu động, chuỗi kết nối cung cầu TPHCM và các tỉnh, thành, hợp tác kinh tế xã hội giữa TPHCM và các tỉnh, thành, chương trình " Tick xanh trách nhiệm"…
Về phía Sở Du lịch, cùng với việc duy trì các chương trình, kế hoạch đã triển khai từ đầu năm 2025, để tạo thêm điểm nhấn, thu hút thêm nhiều du khách tới Thành phố, mới đây Sở vừa công bố kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy năm 2025, đặt mục tiêu bổ sung từ 5 đến 10 sản phẩm du lịch mới, tăng lượng khách du lịch đường thủy từ 10% đến 15% so với cùng kỳ, đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh và vệ sinh môi trường tại các tuyến điểm du lịch.
Ngoài ra, Sở Du lịch TPHCM cũng cho biết sẽ phát triển du lịch đường thủy gắn với phà biển Cần Giờ - Vàm Láng (Gò Công Đông, Tiền Giang) và các tuyến tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng hoặc cảng Sài Gòn đến Mỹ Tho (Tiền Giang), Vĩnh Xương (An Giang) liên tuyến Phnom Penh (Campuchia), Bến Tre, và Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây là kế hoạch nhằm khai thác tiềm năng du lịch đường thủy, quảng bá văn hóa, sinh thái và thể thao, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia kinh doanh, góp phần nâng cao vị thế du lịch TPHCM trong khu vực.
Thu hút vốn FDI vào TPHCM tăng 77%
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM cho biết, từ đầu năm đến nay, vốn đăng ký bổ sung của doanh nghiệp tăng cao (đạt hơn 167.000 tỷ đồng, tăng gần 74%), tuy nhiên,doanh nghiệp thành lập mới giảm 34,6% về số lượng và giảm 52,3% về vốn đăng ký.
Trong 4 tháng đầu năm 2025, TPHCM thu hút được 1,48 tỷ USD vốn đầu tư từ các DN FDI, tăng 77,7% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, trong các dự án FDI mà Thành phố cấp phép có 12 dự án đầu tư vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D) với tổng mức đầu tư là 52 triệu USD.
Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trong thời gian tới, Giám đốc Sở Tài chính Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, Thành phố sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ứng dụng công nghệ cao. Thành phố cũng sẽ đa dạng hóa hình thức huy động vốn, cũng như hợp tác công tư, hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm có kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho DN gia nhập thị trường, thúc đẩy đầu tư công kéo đầu tư tư nhân.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM. Ảnh: VGP/Lê Anh
"Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2024 của thành phố vươn lên vị trí 21, tăng 12 bậc so với năm trước. Kết quả này là minh chứng rõ nét cho quyết tâm cải cách, xây dựng nền hành chính hiện đại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của thành phố" bà Mai nhấn mạnh
Cũng theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, thời gian tới, UBND TPHCM triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp thực hiện để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; thực hiện kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
TS Trương Minh Huy Vũ, cho biết, vừa qua, HĐND TPHCM đã thông qua nghị quyết tán thành sáp nhập TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, đây là "cơ hội của tương lai", tạo động lực mới cho sự phát triển của Thành phố. Ông Vũ cho rằng, khi nhìn ra cơ hội, đây là thời gian cần bắt đầu tích lũy, chuẩn bị. Vấn đề cụ thể nhất là chiến lược, lập quy hoạch trong tháng 5, tháng 6 để chuẩn bị đón làn sóng đầu tư, kinh doanh.
Ông Vũ nhấn mạnh: Thủ tướng đã nêu "bộ tứ chiến lược" về thể chế thời gian tới là Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Đây là những định hướng quan trọng để TPHCM đi đầu xây dựng những chương trình, sáng kiến mạnh mẽ để phát triển kinh tế tư nhân, tạo đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế TPHCM phát triển trong giai đoạn tới.
Lê Anh