TPHCM xây dựng 4 kịch bản thích ứng an toàn với COVID-19

25/10/2021 7:38 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù TPHCM ở cấp độ 2, số ca mắc mới có xu hướng giảm nhưng công tác kiểm soát dịch và kế hoạch ứng phó của ngành y tế Thành phố vẫn đặt ở mức độ 3, nguy cơ cao, đồng thời xây dựng 4 kịch bản ứng phó tùy theo số ca nhiễm trên thực tế.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM họp báo chiều 25/10. Ảnh: VGP/Băng Tâm

Đây là một trong những thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM được tổ chức vào chiều 25/10.

Tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, ngày 24/10, TPHCM có 689 bệnh nhân nhập viện, 539 người xuất viện. Số bệnh nhân nặng đang thở máy và số ca tử vong từ ngày 20-24/10 có xu hướng giảm mạnh. Trong đó, số bệnh nhân nặng giảm từ 333 xuống 286 trường hợp.

Trong khi đó, công tác tiêm vaccine của TPHCM đã đạt 7.146.125 mũi 1 và 5.603.627 đủ 2 mũi.

4 kịch bản ứng phó theo cấp độ dịch

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM thông tin tại buổi họp báo, với 73,5 ca nhiễm mới trên 100.000 dân/tuần, tương ứng cấp độ 3. Tuy nhiên, TPHCM có tỉ lệ tiêm vaccine ở người trên 18 tuổi rất cao, khoảng 99% và tỉ lệ tiêm đủ liều ở người trên 65 tuổi đạt 91% do vậy Thành phố được xếp vào nguy cơ cấp độ 2.

“Mặc dù nguy cơ cấp độ 2, số ca mắc mới có xu hướng giảm nhưng ca nhiễm mới vẫn ở mức độ 3. Công tác kiểm soát dịch và kế hoạch ứng phó của ngành y tế Thành phố vẫn đặt ở mức độ 3, nguy cơ cao”, ông Châu nhấn mạnh. Do đó, ông Châu cho rằng người dân cần thận trọng. Ngoài ra, đến cuối tháng 10, Thành phố hoàn toàn tự lực trong công tác kiểm soát dịch khi lực lượng chi viện cho Thành phố rời đi. “Khi người dân nghe đánh giá cấp độ 2, cùng với việc đã tiêm vaccine, nếu chủ quan, không tuân thủ 5K thì nguy cơ lây lan, số ca mắc có thể tăng và không loại trừ số ca nặng tăng. Như vậy sẽ khó khăn”, ông Châu lưu ý.

Ông Châu cho biết Sở Y tế TPHCM đã xây dựng 4 kịch bản ứng phó của hệ thống điều trị cho từng tình huống theo từng cấp độ nguy cơ trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Kịch bản tốt nhất, nếu tình hình dịch kiểm soát tốt, số ca mới tương ứng mức độ 1, chủ yếu là F0 nhẹ hoặc không triệu chứng sẽ điều trị tại nhà. Trường hợp F0 cần nhập viện thì Thành phố sẽ sử dụng Bệnh viện dã chiến thu dung 3 tầng số 16. Ngoài ra, các khoa tại BV Bệnh Nhiệt đới, các BV Nhi đồng, BV Từ Dũ tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân COVID-19.

Kịch bản số 2, khi số ca mắc mới tương ứng cấp độ 2. Điểm khác so với kịch bản số 1 là huy động thêm BV dã chiến thu dung số 13, cùng với các BV dã chiến cấp quận, huyện, các khoa điều trị COVID-19 quận, huyện, cùng với BV Bệnh Nhiệt đới, các BV Nhi, 2 BV chuyên khoa sản là Từ Dũ và Hùng Vương.

Kịch bản số số 3, Thành phố huy động cả 3 bệnh viện 3 tầng số 13, 14, 16 tiếp nhận điều trị. Ngoài ra, các BV thu dung các quận, huyện, TP. Thủ Đức, BV Chợ Rẫy, BV Bệnh Nhiệt đới, 3 BV chuyên khoa Nhi, 2 BV chuyên khoa sản là Từ Dũ và Hùng Vương tiếp nhận điều trị.

Kịch bản xấu nhất, khi dịch bùng phát trở lại, ngoài trạm y tế lưu động chăm sóc quản lý F0 cách ly tại nhà, thì các phường, xã, thị trấn thành lập các tổ y tế cộng đồng. Với F0 có triệu chứng cần điều trị, Thành phố huy động toàn bộ các BV, trung tâm hồi sức, mỗi quận, huyện có 1 BV dã chiến từ 300-500 giường. Với F0 nặng được điều trị tại 3 BV dã chiến cấp thành phố, các khoa/đơn vị COVID-19 của tất cả các BV trong Thành phố. Trong tình huống này, ước tính có 16.000-19.000 giường điều trị COVID-19, có 6.500 giường oxy và 2.000 giường ICU như tình trạng cao điểm Thành phố đã vận hành tối đa điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết thêm, thứ 6 hằng tuần, các quận, huyện, TP. Thủ Đức sẽ đánh giá cấp độ dịch cấp phường, xã, quận, huyện và gửi về Thành phố để công bố trên cổng thông tin điện tử Thành phố. Đồng thời các quận, huyện cũng báo cáo kế hoạch can thiệp đối với địa bàn có diễn biến xấu.

Công tác chi hỗ trợ

Trong 3 đợt vừa qua, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, UBND Thành phố có kế hoạch tổ chức 3 đoàn kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 tại 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức. Đến ngày 23/11, Sở LĐTB&XH sẽ có tờ trình tham mưu cho UBND Thành phố trình HĐND.

Liên quan đến thông tin chi nhầm đối tượng hỗ trợ tại huyện Hóc Môn, ông Lâm cho biết, huyện Hóc Môn đang đối chiếu, rà soát các số liệu để có phương án xử lý cụ thể. Đồng thời kêu gọi người dân tự giác khai báo nếu "nhận nhầm" tiền hỗ trợ.

Bàn giao di vật, tài sản của người tử vong vì COVID-19

Đại tá Nguyễn Thanh Phong, Chủ nhiệm Chính trị Bộ tư lệnh Thành phố cho biết UBND Thành phố đã giao cho Bộ tư lệnh Thành phố chủ trì tiếp nhận, thống kê, lưu giữ, tổ chức bàn giao cho gia đình những di vật, tài sản.

Các trường hợp không rõ địa chỉ hoặc không có thông tin, Bộ tư lệnh Thành phố sẽ cố gắng tìm kiếm để trao lại di vật cho thân nhân trên tinh thần việc gì làm tốt nhất cho nhân dân thì sẽ cố gắng.

Về việc mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ

Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Lê Huỳnh Minh Tú cho biết, UBND Thành phố đang cùng các sở, ngành đánh giá tình hình, cách tổ chức. Việc này còn nhiều vấn đề phải trao đổi.

Ông Lê Huỳnh Minh Tú thông tin thêm, lượng cung ứng hàng hóa dần đi vào ổn định, trung bình 6.000 tấn/ngày, 3 trạm trung chuyển tại 3 chợ đầu mối tiếp nhận bình quân 1.700 tấn/ngày.

Đã có 120/234 chợ truyền thống đã mở, còn 2 quận, huyện chưa mở lại chợ truyền thống do đang xem xét mức độ an toàn. Từ nay đến 31/10, Thành phố sẽ mở thêm 19 chợ.

Băng Tâm

Top