Vụ “bỏ cọc” đấu giá đất ở Thủ Thiêm: Do sức ép từ nhiều phía?
(Chinhphu.vn) - Liên quan đến việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đấu thầu với giá 2,4 tỷ đồng/m² lô đất trong Khu đô thị Thủ Thiêm, có nhiều ý kiến cho rằng sự việc gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Trong khi động thái bỏ cọc được cho là do doanh nghiệp này không chịu được sức ép từ nhiều phía.
TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TPHCM: Nên tham khảo tiêu chuẩn đấu thầu quốc tế
Sự việc bất ổn sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm cần phải xem xét rõ, không phải trách nhiệm phía UBND TPHCM. Ở đây Công ty Tân Hoàng Minh bỏ cọc sau khi ký kết hợp đồng với Thành phố, không phải bỏ cọc sau đấu giá. Hai phạm trù này khác nhau. Do vậy, phải xem xét những điều khoản ràng buộc trong hợp đồng đã ký kết để xử lý.
Thứ hai, đây là bài học mà TPHCM phải rút kinh nghiệm khi tổ chức đấu giá, đó là khi lựa chọn phải xem xét những thông số kỹ thuật của nhà thầu. Phải có chế tài quy định trong thời gian bao lâu những nhà thầu như Tân Hoàng Minh mới được tham gia đấu thầu trở lại.
TPHCM nên tham khảo những tiêu chí trong đấu thầu quốc tế. Những tiêu chí để xây dựng một bộ hồ sơ mời thầu phù hợp với thực tế của mình phải được đánh giá, góp ý công khai để có những điều khoản chính xác, rõ ràng.
Theo tôi, có nhiều tiêu chí để lựa chọn, không phải chỉ tiêu chí đấu giá cao nhất. Phải ưu tiên nhà thầu có chính sách đầu tư dài hạn. Nếu bán đất đó cho nhà đầu tư bất động sản thì Nhà nước chỉ thu thuế 1 lần. Nhưng nếu dự án đó có cấu trúc thương mại, tăng dịch vụ thì Nhà nước thu thuế hằng năm từ hoạt động kinh doanh dịch vụ tại dự án. Đây cũng là tiêu chí cần quan tâm để lựa chọn nhà thầu.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Trường Đại học Kinh tế TPHCM: 3 sức ép lên Tân Hoàng Minh
Thông thường quy luật trả thầu phổ biến từ 2 - 2,5 lần giá khởi điểm. Vượt qua mức này là bất thường, do vậy phải có giải pháp đặc biệt để chấp nhận mức giá bất thường như vậy.
Vừa qua có dư luận cho rằng việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc sau khi trúng thầu lô đất tại Thủ Thiêm là do sức ép từ nhiều phía.
Tôi cho rằng Tân Hoàng Minh chịu 3 sức ép cơ bản trong việc này. Thứ nhất về phương diện phản ứng của thị trường. Sức ép này đôi khi không phải là tiêu cực với doanh nghiệp vì phản hồi của thị trường là quy luật cung cầu.
Nhưng sức ép quan trọng nhất là từ nội tại của doanh nghiệp. Đó là có đủ nguồn lực, có phương án khả thi không…
Và thứ ba là sức ép liên quan đến quản lý nhà nước. Cơ quan quản lý Nhà nước có thể đưa ra những quan điểm dựa trên căn cứ pháp luật. Ví dụ như có những quy định liên quan đến các tổ chức tín dụng không được bảo lãnh vốn, bơm vốn cho thị trường bất động sản theo quy định của pháp luật. Nhà nước hoàn toàn có quyền rà soát những vấn đề này để đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong tiếp cận vốn giữa các doanh nghiệp.
Suy cho cùng có nhiều sức ép, nhưng sức ép lớn nhất là nhìn từ nội tại doanh nghiệp. Sức ép đó bên ngoài không hiểu được, nhưng nó quyết định 60-70% việc ra những quyết định đi tiếp hay là bỏ cọc giữa chừng.
Luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TPHCM: Thêm chế tài ràng buộc trong hợp đồng
Đây là trường hợp rất đặc biệt. Thứ nhất, người tham gia đấu giá đưa ra mức giá cuối cùng gấp 8 lần so với giá ban đầu là giá thị trường được xác định bởi cơ quan có thẩm quyền. Thứ hai, họ bỏ cọc, chấp nhận mất số tiền cọc lên đến 600 tỷ đồng. Doanh nghiệp hiếm khi không cân nhắc với quyết định bỏ cọc. Khi thắng, họ ngay lập tức ký hợp đồng với cơ quan thẩm quyền để tiến hành các thủ tục. Chúng ta không biết được trong hợp đồng đã ký, nghĩa vụ của Tân Hoàng Minh là gì ngoài chế tài mất số tiền đặt cọc.
Trong điều kiện luật pháp chưa dự liệu được những việc phát sinh như thế này thì cơ quan thẩm quyền - những người được giao trách nhiệm quản lý tài sản nhà nước chuyển giao cho doanh nghiệp để thu số tiền lớn như vậy - phải có dự liệu, phải thấy điều gì không bình thường khi giá mình đưa ra 1 mà người thắng đưa ra giá gấp 8, để khi ký hợp đồng, ngoài chuyện mất cọc, nếu không thực hiện hợp đồng thì thêm chế tài khác. Tất nhiên doanh nghiệp sẽ bị mất uy tín, mất danh dự chứ không chỉ là thiệt hại tiền cọc.
Cũng có ý kiến cho rằng doanh nghiệp đang có sự tính toán, có thể là kích giá đất Thủ Thiêm lên để hưởng lợi ở những miếng đất xung quanh. Tôi cho rằng điều đó cũng có cơ sở vì bản chất của doanh nghiệp là thu lợi nhuận, họ tính toán như thế nào để đạt được lợi nhuận tốt nhất.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam: Hệ lụy xấu đến môi trường đầu tư
Tôi cho rằng mức giá trúng thầu của Tân Hoàng Minh là không hợp lý. Giá đất tăng cao như vậy sẽ dẫn đến việc "sốt" ảo, thiếu người mua, tác động này khả năng sẽ khiến nền kinh tế chững lại.
Thực tế giao dịch thị trường BĐS khu vực TP. Thủ Đức đang ách bị tắc. Người bán đất nay bắt tay nhau đẩy giá lên cao, sự hợp tác phát triển bị chậm lại, các mục tiêu kích cầu cũng chậm lại, kéo theo môi trường kinh doanh ít đi những cơ hội đầu tư.
Thực tế sau phiên đấu giá thì cổ phiếu bất động sản tăng kịch trần. Ngoài ra, thị trường BĐS phát triển nóng còn có thể tác động đến quyết định của nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam do phải thuê đất với giá quá cao.
Doanh nhân Lê Tuấn: Tiếp tục đấu giá bán các lô đất khác
Đẩy giá đất lên quá cao chỉ làm lợi cho một bộ phận rất nhỏ các nhà đầu tư, trong khi gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế đất nước.
Sự việc Tân Hoàng Minh trúng thầu với giá gấp 8 lần giá khởi điểm đã gây rối thị trường, làm cho thu nhập của người dân Việt Nam vốn đã thấp lại càng thấp, làm mất cơ hội an cư của người dân bình thường.
Thứ hai, việc này ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Với giá đất cao như thế, nhà đầu tư giả sử xây cao ốc theo quy hoạch và cho thuê văn phòng thì mức giá thuê sẽ cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung. Chưa kể, sự việc này lan tỏa kéo giá thuê đất công nghiệp tăng. Hệ lụy này ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế.
Nhưng ngăn chặn những hành vi tương tự bằng cách nào? Về nguyên tắc, hàng khan hiếm thì giá lên. Tăng cung ứng hàng ra thị trường thì giá xuống.
Thủ Thiêm có thiếu đất không? Ngay cả khu vực trung tâm Quận 1 có thiếu đất không? Câu trả lời ở đây là không thiếu! Và cũng không thiếu biện pháp để giải quết tình trạng đẩy giá đất lên cao như vậy. Theo tôi, Nhà nước nên tiếp tục đấu giá các lô đất khác.
Băng Tâm