Xây dựng báo chí đa nền tảng trong quảng bá, tuyên truyền
(Chinhphu.vn) - Sáng 5/7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức buổi tọa đàm về vai trò của báo chí, xuất bản đối với việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TPHCM, báo chí có vai trò quan trọng trong thúc đẩy bản sắc văn hóa. Đặt trong bối cảnh không gian văn hóa Hồ Chí Minh thì nhiệm vụ của báo chí là lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Hiển cho biết thêm, mạng xã hội, bên cạnh báo chí, cũng là một hình thái của truyền thông và đảm đương vai trò quan trọng không thua kém, thậm chí là cao hơn nếu những nên tảng mạng xã hội được dùng đúng lúc, đúng nơi, đúng cách.
Hiện các nền tảng video như YouTube, Tiktok hoặc nền tảng phức hợp như Facebook, Twitter đang chứa đựng hàm lượng thông tin đa chiều, không loại trừ những thông tin kích động, bạo lực, thuyết âm mưu. Việc xuyên tạc những thông tin về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh dù chính quyền không mong muốn va tìm cách can thiệp thì vẫn sẽ diễn ra bất chấp các đạo luật về an ninh mạng hay các quy định pháp luật khác nhau.
Tính "ẩn danh" trên môi trường internet, sự khác nhau trong quản lý tự do ngôn luận giữa các quốc gia đặt ra bài toán khó cho các ngành chức năng trong việc triệt tiêu các thông tin giả, thông tin sai lệch. Vì vậy, theo ông Hiển, cách tiếp cận hiệu quả nhất đó là chủ động bơm đầy thông tin chính thống, đúng đắn thay vì chỉ tập trung vào việc xóa bỏ thông tin giả hoặc cấm đoán sử dụng mạng xã hội.
"Thử hình dung, một hồ nước bị ô nhiễm bởi nước bẩn thì cách tốt nhất không phải là gạn lọc chất bẩn mà là bơm thật nhiều nước sạch vào. Việc sử dụng mạng xã hội để "bơm thông tin sạch" vào là cách tiếp cận như vậy", ông Hiển nhấn mạnh.
Từ đó, theo ông Hiển, các cơ quan báo chí cần xây dựng báo chí đa nền tảng trong chiến lược và kế hoạch chuyển đổi số của một tờ báo. Lâu nay, việc tuyên truyền hay thông tin về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh của báo chí nhà nước thường khô khan và ít hấp dẫn, một phần do việc ứng dụng công nghệ vào làm báo đà nền tảng còn hạn chế.
Lấy ví dụ, ông Hiển cho hay, năm 2022, Báo Nhân dân đã sản xuất chuyên trang đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh, thu hút nhiều người xem, không phải nằm ở sự mới mẻ về nội dung mà là ở cách kể chuyện với nền tảng công nghệ và các ý tưởng về trực quan, thẩm mỹ hiệu quả. Đó là một điển hình cho việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật số, công nghệ vào báo chí đa nền tảng – báo chí đa phương tiện để thông tin về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cần có thư viện mở về vùng đất, con người TPHCM
Tham luận tại Tọa đàm, TS. Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản trẻ cho rằng cần có những ấn phẩm, đầu sách giá trị về lịch sử, văn hóa vùng đất Nam Bộ, về con người TPHCM, bên cạnh đó cần tái bản những công trình, đầu sách giá trị đã được công bố để thế hệ trẻ, công dân trẻ hiểu đúng về lịch sử, văn hóa của Việt Nam, của miền Nam, của Sài Gòn-TPHCM. Từ biết, hiểu đến yêu, những người trẻ sẽ thấy tự hào và trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc, của TPHCM để cùng chung sức xây dựng đất nước, xây dựng TPHCM phát triển.
Bà Nguyệt cho rằng Thành phố cần một không gian văn hóa Nam Bộ gắn kết với không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Đó là một không gian mở, một thư viện mở chuyên đề về Nam Bộ, thực hiện chức năng lưu giữ các nguồn tài liệu dưới dạng sách giấy, sách nói, sách và tài liệu được số hóa… để phục vụ bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ, các nhà nghiên cứu tham khảo, học hỏi, tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển, những giá trị di sản của lịch sử văn hóa, của những nhân vật, những con người đã đóng góp cho Thành phố trên nhiều lĩnh vực; những nhà văn hóa, những tác giả mà các công trình tác phẩm của họ cần được bảo quản, gìn giữ, lưu truyền cho thế hệ sau.
Bà Nguyệt chia sẻ đã dược Nhà văn hóa thanh niên giới thiệu địa điểm để định vị thư viện này. Sắp tới sẽ có một buổi trình bày tổng thể về bản vẽ, dự toán(vận động các mạnh thường quân), kế hoạch và lộ trình triển khai.
Khẳng định vai trò của các tác phẩm văn học, nghệ thuật đối với hoạt động tuyên truyền, chị Nguyễn Thị Như Mây, đại diện Trung tâm ITPC TPHCM cho rằng các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị nhân văn sâu sắc thường dễ đi vào lòng người, dễ lan tỏa sâu rộng.
Bởi vậy, cần đẩy mạnh hoạt động phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật bằng nhiều hình thức trên báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, các sản phẩm ghi âm, ghi hình… Xây dựng các chuyên mục, chương trình phát song định kỳ hàng tuần, hằng tháng để giới thiệu tác giả, tác phẩm có giá trị.
Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cao chất lượng các giải sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật, nhất là giải thưởng cho các tác phẩm với chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua các giải pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Anh Thơ