‘Lúc này doanh nghiệp phải chia lửa với Thành phố’

22/06/2021 9:39 AM

(Chinhphu.vn) - Đó là chia sẻ của đại diện một doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM với phóng viên Báo điện tử Chính phủ khi trao đổi về công tác phòng, chống dịch và việc chấp hành quy định an toàn phòng dịch. Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong kiểm tra công tác tiêm chủng Dịch lây lan nhanh do lơ là, chủ quan
Kiểm tra thân nhiệt người lao động trước khi vào nhà máy của Saigon Food (Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc, TPHCM). Ảnh: VGP/Băng Tâm

Đến nay, TPHCM ghi nhận nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn có ca mắc COVID-19. Với một địa phương được coi là trung tâm lớn về sản xuất không chỉ của khu vực phía nam mà là của cả nước, nếu các doanh nghiệp không chủ động phòng dịch thì nguy cơ đứt gãy sản xuất là rất lớn.

Hiện TPHCM có 7 doanh nghiệp ghi nhận các ca nhiễm, tuy nhiên, đa phần mỗi nơi chỉ có từ 1-2 ca mắc, chưa có dấu hiệu lây lan ra các nơi khác. Đáng chú ý, có 2 doanh nghiệp có tính chất giống nhau (chế biến hải sản, công nhân làm việc chung trong môi trường không gian lạnh và kín) nên có số lượng ca mắc lớn hơn (tương ứng 6 và 11 ca).

Không chỉ môi trường làm việc khép kín dễ lây nhiễm mà theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM, các khu nhà trọ của công nhân cũng được đánh giá là có nguy cơ cao. Vì các khu nhà trọ có tính chất tiếp xúc cộng đồng phức tạp, công nhân của nhiều nhà máy, nhiều công ty cùng lưu trú trong một không gian tương đối hẹp nên chỉ cần một trường hợp dương tính cũng có thể trở thành nguồn lây nhiễm cho nhiều nhà máy, xí nghiệp khác nhau.

Đánh giá nguy cơ lây nhiễm cộng đồng trong sản xuất tại các khu công nghiệp là rất lớn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trong cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TPHCM sáng ngày 18/6, đã đề nghị TPHCM cho thành lập 100 đoàn kiểm tra, đánh giá và giám sát công tác phòng dịch ở các nhà máy, xí nghiệp. Ông Sơn cho rằng, chỉ nên nhắc nhở một lần, nếu đơn vị nào tái phạm thì phải đóng cửa, ngưng hoạt động ngay.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã đồng ý việc này và yêu cầu Sở Y tế, Ban Quản lý các KCX-KCN hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng phương án vừa sản xuất, vừa cách ly. Đồng thời, xem xét triển khai phần mềm quản lý dịch tễ đối với công nhân như tại tỉnh Bắc Giang đang thực hiện.

Thành phố bắt đầu triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 từ sáng 19/6, mặc dù vậy, lượng vaccine phân phối cho Thành phố chưa thể đáp ứng mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Do vậy, việc tiêm chủng vẫn phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên cho nhóm có nguy cơ cao.

Trong lúc chờ vaccine, một yêu cầu luôn được lãnh đạo TPHCM nêu ra tại các cuộc họp gần đây của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, đó là các doanh nghiệp phải chủ động phương án phòng dịch và có kịch bản trong tình huống xấu nhất.

Doanh nghiệp chung tay chống dịch

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (có nhà máy với hơn 1.000 công nhân tại TP. Thủ Đức) cho biết tự doanh nghiệp cũng nhận thức được rằng không thể để đứt gãy chuỗi sản xuất bởi vì trong hoàn cảnh nào, doanh nghiệp cũng phải thực hiện hợp đồng, bàn giao hàng xuất khẩu đã ký với đối tác.

Do vậy, công tác phòng dịch của doanh nghiệp lúc này không thể theo kiểu đối phó mà phải bảo đảm an toàn để duy trì sản xuất.

Cùng với việc phân bố sản xuất theo nhiều ca để bảo đảm tuân thủ quy định 5K, công ty cũng thực hiện phun khử khuẩn toàn bộ nhà xưởng hằng ngày, đồng thời, thiết lập các khu vực dã chiến dự phòng cho tình huống xấu nhất là xuất hiện ca nhiễm trong nhà máy. Hiện nhà kho, hội trường của đơn vị đã được bố trí trở thành khu vực cách ly tại chỗ, tách biệt hoàn toàn với các khu vực còn lại.

Cũng chủ động xây dựng phương án cho tình huống xấu nhất, Công ty May Phương Đông, đóng tại quận Gò Vấp, đã chuẩn bị nhà bạt dã chiến, giường, chăn, gối cho hơn 500 công nhân để sẵn sàng vừa cách ly, vừa sản xuất.

Thiết lập một vùng đệm nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm vào nhà máy cũng là cách làm của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM hiện nay.

Tại Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (Quận 12), đơn vị này quy định nhóm nhân viên thị trường, nhân viên giao hàng không được vào nhà máy. Công ty đã thiết lập một nhà kho độc lập làm nơi trung chuyển nhập và xuất hàng. Phương án này nhằm hạn chế tiếp xúc giữa nhóm nguy cơ cao với công nhân sản xuất.

Còn với Saigon Food tại KCN Vĩnh Lộc, doanh nghiệp có 5 nhà máy sản xuất thực phẩm với số nhân viên trên 2.500 người, Phó Tổng giám đốc phụ trách sản xuất của Saigon Food, ônh Lê Quang Vũ cho biết, ngay khi có thông tin dịch lan rộng, các vách ngăn ở trong 5 nhà máy của Saigon Food đã được dựng lên, rào chắn giăng khắp các lối đi nhằm bảo đảm an toàn, tránh trường hợp lây nhiễm giữa các bộ phận khi xuất hiện ca nhiễm.

Trong khi đó, một doanh nghiệp điện tử lớn của Hàn Quốc đóng tại Khu công nghệ cao TPHCM cho biết đã nâng mức phòng dịch trong nhà máy cao hơn cả các biện pháp mà Thành phố đang áp dụng. Ví dụ, doanh nghiệp chủ động thiết lập các khu vực cách ly cho công nhân là F3 và vẫn chi trả 100% thu nhập.

“Nếu dịch diễn biến phức tạp hơn thì Thành phố sẽ gặp quá tải, ngay cả vấn đề chuẩn bị các khu cách ly tập trung. Vì thế chúng tôi chủ động bố trí khu cách ly tập trung nếu công nhân của mình rơi vào nhóm này. Lúc này doanh nghiệp phải chia lửa với Thành phố. Nếu không có trách nhiệm phòng dịch thì doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng trước tiên”, đại diện của doanh nghiệp Hàn Quốc nói.

Băng Tâm

Top