300 nhà cung cấp vùng ĐBSCL kết nối giao thương với các DN xuất khẩu

05/08/2022 3:39 PM

(Chinhphu.vn) - Từ ngày 5-9/8, tại khuôn viên Công viên Lê Văn Tám, Quận 1, TPHCM diễn ra Hội nghị kết nối giao thương nhà cung cấp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại.

300 nhà cung cấp vùng ĐBSCL kết nối giao thương với các DN xuất khẩu - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc Hội nghị kết nối giao thương nhà cung cấp vùng ĐBSCL với các doanh nghiệp xuất khẩu - Ảnh: VGP/Lê Anh

Chương trình được Bộ Công Thương giao Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Sở Công Thương, các Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư của các địa phương khu vực phía nam tổ chức.

Đây là hoạt động thuộc chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp địa phương với các nhà phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài.

Hội nghị có khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của hơn 300 nhà cung cấp từ 20 tỉnh, thành phố khu vực phía nam với các nghành hàng chủ lực như: Đồ gỗ, nông thủy sản, thực phẩm chế biến…

Bên cạnh đó, tại hội nghị còn diễn ra hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp với các nhà phân phối lớn như Central Retail, Aeon… và các phiên tư vấn xuất khẩu, giao thương trực tuyến với các thị trường: Hàn quốc, Chi Lê, Hà Lan…

300 nhà cung cấp vùng ĐBSCL kết nối giao thương với các DN xuất khẩu - Ảnh 2.

Khu trưng bày gian hàng của các DN TPHCM - Ảnh: VGP/Lê Anh

Ngoài ra, hội nghị cũng sẽ cung cấp thông tin, giải pháp giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Phát biểu khai mạc chương trình sáng ngày 5/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải  cho biết, hiện nay Việt nam đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện linh hoạt "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các nhà sản xuất trong bối cảnh thị trường tiêu thụ vẫn còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và căng thẳng về chính trị trên thế giới hiện nay, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương trên cả nước nói chung, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam nói riêng, để giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tới các cơ quan xúc tiến thương mại quốc tế, các nhà nhập khẩu, các nhà thu mua chế biến xuất khẩu Việt Nam cũng như các nhà phân phối Việt Nam, quốc tế.

300 nhà cung cấp vùng ĐBSCL kết nối giao thương với các DN xuất khẩu - Ảnh 3.

Khu trưng bày gian hàng của các DN tỉnh An Giang - Ảnh: VGP/Lê Anh

Theo Bộ Công Thương, 7 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt quy mô cao, đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh và tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện nay, lưu thông hàng hóa trên thị trường không còn chịu tác động quá lớn của dịch bệnh COVID-19. Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng. Tuy nhiên, thị trường hàng hóa trong nước cũng chịu tác động của thị trường thế giới nhưng nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, luôn được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân và doanh nghiệp.

300 nhà cung cấp vùng ĐBSCL kết nối giao thương với các DN xuất khẩu - Ảnh 4.

Khu trưng gian hàng của các DN tỉnh Đồng Tháp với nhiều sản phẩm đặc sản xứ sen hồng - Ảnh: VGP/Lê Anh

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp, một trong những địa phương có vùng nguyên liệu dồi dào cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến, cho biết, tỉnh đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tái cơ cấu ngành công nghiệp lấy công nghiệp chế biến làm ngành chủ lực nên việc xúc tiến kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, thuỷ sản đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế tỉnh.

300 nhà cung cấp vùng ĐBSCL kết nối giao thương với các DN xuất khẩu - Ảnh 5.

Gian hàng các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL được sắp xếp liền kề tạo thuận lợi cho khách hàng và các DN tham quan và kết nối giao thương - Ảnh: VGP/Lê Anh

Theo ông Dũng, chương trình kết nối giao thương nhà cung cấp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) với các doanh nghiệp xuất khẩu cũng là dịp để các doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ hơn về nhu cầu của các nhà nhập khẩu, từ đó có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Lê Anh

Top