69 DN tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2022

05/04/2022 2:43 PM

(Chinhphu.vn) - Chương trình bình ổn thị trường năm 2022 - Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn TPHCM có tổng số 69 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia với nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao. Riêng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu có 39 doanh nghiệp tham gia,

69 DN tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2022 - Ảnh 1.

Siêu thị Co.op Mart là một trong những đợn vị chủ lực tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2022

Theo Sở Công Thương, chương trình bình ổn thị trường năm 2021 - Tết Nhâm Dần 2022 (được triển khai đến hết tháng 3/2022) được cộng đồng doanh nghiệp chuẩn bị lượng hàng hóa tăng cao hơn kế hoạch Thành phố giao, đảm bảo cung ứng thị trường trong điều kiện bình thường kể cả khi có biến động; tổ chức các đợt bán hàng lưu động, tổ chức các điểm tập kết hàng hóa tạm thời từ các tỉnh về TPHCM; vận động các tổ chức tài trợ nguồn hàng hóa đưa vào các kênh như siêu thị 0 đồng...

Qua đó, góp phần kiềm chế đà tăng giá tiêu dùng trên địa bàn Thành phố, chỉ số CPI tháng 3/2022 trên địa bàn chỉ tăng 1,71% so với tháng 12/2021 và tăng 2,03% so với cùng kỳ tháng 3/2021, thấp hơn bình quân cả nước.

Về triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2022 - Tết Quý Mão 2023 thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, trong bối cảnh giá cả nguyên vật liệu toàn cầu biến động phức tạp, để đảm bảo khả năng bình ổn thị trường, đặc biệt các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, Sở Công Thương TPHCM đã vận động thêm nhiều nguồn lực xã hội tham gia chương trình, tăng sản lượng.

Cụ thể, nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu có 39 doanh nghiệp tham gia, tăng 4 doanh nghiệp so năm 2021.

Lượng hàng đăng ký tham gia nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tăng mạnh so năm 2021. Trong đó, có thể kể đến một số mặt hàng như gạo tăng 27%, đường tăng 56%, dầu ăn tăng 101%, thịt gia cầm tăng 2%, trứng gia cầm tăng 6%, thực phẩm chế biến tăng 31%, gia vị tăng gấp 5 lần, lương thực khô (mì, bún, phở… khô) tăng gấp 8 lần.

Trong những tháng thường, lượng hàng bình ổn thị trường nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu chiếm từ 25-33% nhu cầu thị trường.

Ở nhóm mặt hàng phục vụ mùa khai giảng có 11 doanh nghiệp tham gia, tăng 1 doanh nghiệp so năm 2021; lượng hàng cung ứng chiếm 35-50% nhu cầu thị trường. Nhóm  mặt hàng sữa có 7 doanh nghiệp tham gia, tăng 4 doanh nghiệp; trong đó, có 3 doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng sữa chiếm thị phần cao tại Việt Nam (Vinamilk, TH Truemilk, Nutifood).

Đặc biệt, nhóm mặt hàng dược phẩm có 8 doanh nghiệp tham gia, với 19 nhóm thuốc, chủ yếu các loại dược phẩm dùng để điều trị bệnh thường gặp ở nhiều người, bệnh mãn tính,...

Chia nhóm bình ổn để có chính sách hỗ trợ phù hợp

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, điểm mới của chương trình năm nay là chia rõ 3 nhóm đối tượng tham gia thông qua 3 hình thức: cung ứng hàng hóa, phân phối hàng hóa và hỗ trợ tín dụng. Việc phân chia để phân biệt rõ từng đối tượng; từ đó, có chính sách hỗ trợ, yêu cầu nghĩa vụ cụ thể, sát thực tế. Trong đó, doanh nghiệp cung ứng tập trung đảm bảo về hoạt động sản xuất, ứng dụng công nghệ, đầu tư nhà xưởng, phát triển vùng nguyên liệu…; doanh nghiệp phân phối tập trung đảm bảo về mạng lưới điểm bán và tổ chức điểm bán hàng bình ổn thị trường; đầu tư phát triển hệ thống kho bãi, logistics…

Về giải pháp thực hiện, chương trình tiếp tục triển khai sâu rộng những nội dung trọng tâm như kết nối cung-cầu, xây dựng chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, sơ chế tại nguồn đối với hàng nông sản thực phẩm, hỗ trợ, tạo điều kiện nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất theo tín hiệu, nhu cầu thị trường…

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, chương trình sẽ triển khai những kịch bản đảm bảo nguồn cung, lưu thông hàng hóa, tiết giảm chi phí trung gian, vận hành hiệu quả hoạt động hệ thống phân phối…

Lê Anh

Top