ASEAN Access: Kênh kết nối doanh nghiệp với thị trường ASEAN
(Chinhphu.vn) - Ngày 8/12, tại TPHCM, Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo với chủ đề "Thị trường ASEAN: Từ các sáng kiến đến hành động".

Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp Nguyễn Đức Trung phát biểu tại hội thảo
Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu là các hiệp hội, ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam và một số nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN).
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã cùng nhau trao đổi về những cơ hội mới nổi bật trong thương mại xuyên biên giới, đặc biệt với khu vực ASEAN và nhấn mạnh về những cơ hội mới từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cũng như các hiệp định thương mại tự do liên quan như Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA), Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và Hiệp định Thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA).
Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Đặc biệt, trong giai đoạn 2010 - 2021, thương mại giữa Việt Nam và ASEAN đã có sự tăng trưởng vượt bậc, trong đó xuất khẩu tăng từ 9,3 tỷ USD năm 2010 lên mức 29,1 tỷ USD vào năm 2021. Tuy nhiên, do lượng hàng xuất khẩu này chủ yếu đến từ các công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, chúng ta cần thực hiện nhiều hơn các biện pháp nhằm khuyến khích và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp của cả nước, hướng tới đạt được những đột phá trong giai đoạn tới.
Trong đó, Hiệp định ATISA ký kết vào năm 2019 đã lần lượt được các quốc gia thành viên thông qua, được đánh giá là một động lực quan trọng giúp thúc đẩy mạnh mẽ hơn thương mại nội khối ASEAN.
Theo ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, hội nhập kinh tế nói chung và hợp tác ASEAN nói riêng mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế. Tính đến tháng 2/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào ASEAN đạt khoảng 2,85 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang Thái Lan đạt 654,2 triệu USD; sang Malaysia đạt 441,7 triệu USD; sang Campuchia và Indonesia đạt hơn 430 triệu USD; sang Philippines đạt 408 triệu USD; sang Singapore đạt 387,1 triệu USD; sang Lào đạt 45,3 triệu USD và sang Brunei với 4,32 triệu USD.
Tuy nhiên, các kết quả đạt được ở trên chưa phản ánh hết tiềm năng phát triển giao thương giữa các nước ASEAN. Đồng thời, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam gặp nhiều thách thức trong việc tận dụng các cơ hội này.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực, Việt Nam đã cùng các quốc gia thành viên khác của ASEAN thống nhất xây dựng và triển khai kế hoạch hành động chiến lược phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của ASEAN đến năm 2025.
Để đóng góp cho kế hoạch hành động này, với sự hỗ trợ từ Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển CHLB Đức thông qua Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đã phối hợp với Asean triển khai Dự án "Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ASEAN thực hiện tại Việt Nam giai đoạn II" - ASEAN SME II để xây dựng và phát triển Cổng Thông tin ASEAN Access.
Tại Việt Nam, dự án đã phối hợp để Cục Phát triển doanh nghiệp xây dựng và phát triển Cổng Thông tin doanh nghiệp. Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 và bắt đầu triển khai giai đoạn 2 từ năm 2023 đến 2025.
Cổng thông tin doanh nghiệp của Việt Nam đã đạt 406.000 lượt truy cập, hơn 100 bài viết cung cấp thông tin, hơn 205 ấn phẩm được đăng tải và hơn 129 tư vấn viên đã được phê duyệt trên Cổng. Đây là nguồn tài liệu chính thống và quan trọng cho các doanh nghiệp.
Hiện Việt Nam có 20 nhà cung cấp dịch vụ trên Cổng ASEAN Access, đăng tải nhiều tin tức và tuyển chọn Đại sứ ASEAN Access của Việt Nam.
Đây là nơi thông tin chính thức và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, tiếp cận các khóa đào tạo và đặc biệt tham gia các hoạt động kết nối trong khu vực cũng như kết nối doanh nghiệp khu vực với các doanh nghiệp toàn cầu.
Đại sứ ASEAN Access tại Việt Nam, bà Phạm Thị Tuyết cho biết, sau 2 năm hoạt động, ASEAN Access đã có tới 62.500 lượt truy cập, hơn 3.100 doanh nghiệp đăng ký. Đã có một số doanh nghiệp đã thành công ký kết hợp đồng mua bán sản phẩm qua ASEAN Access như công ty TNHH Dừa Mekong của Việt Nam mới đây.
Bà Sita Zimpel, Giám đốc Dự án của GIZ chịu trách nhiệm phát triển ASEAN Access và Cổng Thông tin doanh nghiệp AED tin rằng thị trường ASEAN còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là theo Hiệp định ATISA. Công việc của GIZ tại Việt Nam và ASEAN hướng tới tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể tiếp cận những thông tin thị trường đáng tin cậy, hình thành mạng lưới cần thiết cũng như chia sẻ kinh nghiệm cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại ASEAN. Cổng thông tin khu vực ASEAN Access cũng như Cổng Thông tin doanh nghiệp AED là những nền tảng chính giúp thực hiện điều đó.
Tại Hội thảo, Cổng Thông tin doanh nghiệp (https://business.gov.vn) được đại diện của Cục Phát triển doanh nghiệp giới thiệu là trang kết nối thông tin điện tử, cung cấp các thông tin, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc tích hợp thông tin về doanh nghiệp, mạng lưới tư vấn, chương trình, hỗ trợ chính sách doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉ dẫn kinh doanh, báo cáo nghiên cứu chuyên ngành, thị trường, chương trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, tiếp nhận ý kiến thiết kế doanh nghiệp và công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước.
Cá nhân, tổ chức truy cập Cổng Thông tin doanh nghiệp có thể khai thác thông tin, dịch vụ phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như kết nối, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mở rộng thị trường trên nền tảng công nghệ hiện đại, thuận tiện và an toàn.
Trong khi đó, Cổng thông tin ASEAN Access (https://aseanaccess.com) là cổng thông tin doanh nghiệp chính vào khu vực ASEAN với hơn 3.100 doanh nghiệp nhỏ và vừa là thành viên đăng ký, cùng với gần 50 đối tác mạng lưới và nhà cung cấp dịch vụ.
Ngọc Tấn