Bác Hồ với chuyện “làm việc to” hay “làm quan lớn”

14/02/2022 1:28 PM

(Chinhphu.vn) - “Tuổi trẻ phải ham học, ham làm, ham tiến bộ, dành thời gian để hoàn thiện bản thân và cống hiến cho Tổ quốc, lấy đạo đức làm gốc, chớ có ham làm quan to, chớ sớm tham vọng quyền lực” - đó là căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các học viên lớp đào tạo sĩ quan đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 26/5/1946.

Bác Hồ với chuyện “làm việc to” hay “làm quan lớn” - Ảnh 1.

Hiệu trưởng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn Hoàng Đạo Thuý đón nhận lá cờ thêu 6 chữ vàng của Bác Hồ. Ảnh tư liệu

Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn được thành lập tại Sơn Tây (Hà Nội) tháng 5/1946. Tại Lễ khai giảng đầu tiên của Trường, nói chuyện với các học viên khóa đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn thanh niên cần "làm việc to" chứ không phải mong "làm quan lớn".

"Việc to" là việc gì? Trong tác phẩm Đường Kách Mệnh (năm 1927), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết "việc to tát như việc giải phóng gông cùm nô lệ cho đồng bào, cho nhân loại, nếu không hết sức thì làm sao được"; và "Phàm làm việc gì cũng vậy, bất kỳ lớn bé, bất kỳ khó dễ, nếu không ra sức thì chắc không thành công".

"Việc to" chắn chắn có việc nước. Phát biểu trong lễ ra mắt ứng cử viên trước thềm cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ở Việt Nam (ngày 5/1/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố "Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung", cụ thể khi làm việc phải "làm cho dân mến, khi sắp tới dân mong, khi đi dân tiếc", không được "vác mặt làm quan cách mạng cho dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ".

"Việc to" thường là việc công. Trong kháng chiến kiến quốc, khi viết quyển "Đời sống mới", Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút hiệu Tân Sinh đã chỉ rõ: "người làm việc công, phải có công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công… Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình… Chớ lên mặt làm quan cách mệnh".

Như vậy, "việc to" hay "việc nhỏ" tùy thuộc năng lực, tài năng của mỗi người và không có việc "làm quan", dù là "quan lớn" hay "quan lại".

Từ khi có tên trên bản đồ thế giới và chuyển sang chế độ dân chủ cộng hòa (nay là cộng hòa xã hội chủ nghĩa), đất nước không còn vua và cũng hết quan; "làm quan" không còn là từ chỉ chức phận hay người có chức phận làm hầu cho vua nữa. Chế độ dân chủ có những người đảm trách nhiệm vụ quản lý hành chính công các cấp, làm việc trong các cơ quan nhà nước, được gọi là "công chức", "viên chức", "cán bộ"; thậm chí có những người giữ chức vụ cao gọi là "quan chức". Đó là những người "từ làng xã đến toàn quốc… đều do dân cử ra" với bổn phận "làm đày tớ công cộng cho dân chứ không phải làm quan phát tài".

Nhưng dù làm việc gì và chức vụ cao đến đâu cũng không phải "quan lớn" hay "quan phụ mẫu" xưa, càng không đồng nghĩa với "quan cách mạng" và "quan tham" mà xã hội bấy lâu nay vẫn lên án. Có thể ở nhiều nơi xuất hiện bộ phận công chức bị nhân dân gọi là "quan lại" (những người trong bộ máy nhà nước phong kiến và bộ máy chính quyền thuộc địa) thích quyền uy và chuyên hành dân, nhũng nhiễu dân; nhưng nhất thiết đó không phải là bản chất của bộ máy nhà nước các cấp của dân, do dân, vì dân. Tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước ngày 30/12/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nếu ai ở trong Chính phủ mà muốn làm quan thì không ở được trong Chính phủ ta (…) chẳng những trong Chính phủ trung ương mà cả chính phủ địa phương cho đến các uỷ ban hành chính xã, nếu ai muốn làm quan thì mời đi làm quan chứ không được ở trong chính quyền của ta".

Đôi khi nghe tán tụng câu thành ngữ Hán Việt xưa "Một người làm quan, trăm họ được nhờ" để phê phán hiện tượng này "Một người làm quan, cả họ được nhờ"; thậm chí chiết tự chữ "quan" để ca ngợi quan niệm cũ về việc làm quan là cơ hội để hành thiện… Thực ra thời các triều đại quân chủ cũng có nhiều quan thanh liêm. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đề cao tấm gương Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng: "không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập".

Đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến "Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội" và khuyên tuổi trẻ phải ham học, ham làm, ham tiến bộ, dành thời gian để hoàn thiện bản thân và cống hiến cho Tổ quốc, lấy đạo đức làm gốc; thanh niên chớ có ham làm quan to, chớ sớm tham vọng quyền lực, bởi "người làm việc to, người làm việc nhỏ; nhưng ai giữ được đạo đức đều là người cao thượng".

Nói với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hoá ngày 30/12/1968 về đào tạo bồi dưỡng thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu "cần tích cực giáo dục họ và kết nạp những người có đủ tiêu chuẩn vào Đảng để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Còn đối với những người có tư tưởng vào Đảng, vào Đoàn để làm quan, làm giàu, thì phải đóng cửa lại, không cho họ vào".

"Việc to" ngày nay là Việt Nam đang trở thành "thung lũng khởi nghiệp hấp dẫn bậc nhất trong khu vực" (năm 2021 vốn đầu tư vào start-up đạt mốc kỷ lục gọi vốn 1,35 tỷ đô la), là "quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ ba khu vực vào năm 2022" với khoảng 3.800 start-up đang khởi nghiệp trên các lĩnh vực nóng bỏng (công nghệ tài chính, giáo dục, y tế, thương mại điện tử…).

Hãy "làm việc to" (không màng "làm quan lớn") và nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Thanh niên cứu quốc toàn xứ (ngày 25/11/1945): "Trước khi làm một việc gì phải cẩn thận suy xét xem việc đó thành công thì ảnh hưởng thế nào, thất bại thì ảnh hưởng thế nào; có khi việc thì thất bại mà ảnh hưởng lại tốt, và trái lại".

Minh Minh Đức

Top