Bài 2: Đẩy mạnh phát triển các KCN sinh thái

21/05/2025 1:49 PM

(Chinhphu.vn) - Vành đai công nghiệp thế hệ mới đang dần hình thành dọc theo đường Vành đai 4 và tuyến Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, giúp tăng cường khả năng kết nối giao thông và logistics vùng Đông Nam Bộ, tạo động lực và không gian phát triển mới cho các địa phương trong vùng.

Bài 2: Đẩy mạnh phát triển các KCN sinh thái- Ảnh 1.

Bình Dương quy hoạch, hướng tới mô hình các KCN sinh thái, sử dụng năng lượng tái tạo, phát thải ròng bằng 0.

Điểm đến của dòng vốn FDI chất lượng cao

Với hàng loạt các giải pháp đột phá chiến lược về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chú trọng đầu tư giao thông kết nối hạ tầng các khu công nghiệp, thời gian qua, Bình Dương đã gặt hái được nhiều thành công trong việc thu hút các dự án đầu tư có chất lượng cao, tiếp tục tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) thế hệ mới.

Từ năm 2021, tỉnh đã chuyển hướng mạnh mẽ sang việc ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và logistics. Những lĩnh vực này không chỉ phù hợp với xu hướng toàn cầu mà còn giảm sự phụ thuộc vào các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, đồng thời gia tăng giá trị sản xuất và tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Sự chuyển dịch này được minh chứng qua việc triển khai các dự án lớn như: Nhà máy Lego trung hòa carbon đầu tiên tại Việt Nam của Đan Mạch tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (VSIP III) có vốn đầu tư 1,3 tỷ USD; Bình Dương cũng trở thành điểm đến của nhiều dự án nhà máy công nghệ cao và các dự án logistics phục vụ chuỗi cung ứng toàn cầu…

Theo Sở Tài chính tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2019-2024 đánh dấu một chặng đường phát triển ấn tượng của Bình Dương trong thu hút FDI, với tổng vốn FDI đạt hơn 14,3 tỷ USD, trong đó, vốn đăng ký mới chiếm 6,8 tỷ USD (tương đương 47,7% tổng vốn). Nguồn vốn FDI đã trở thành động lực chính thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của Bình Dương.

Năm 2025, Bình Dương tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các DN FDI. Đầu tháng 2/2025, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã trao chấp thuận chủ trương đầu tư và trao giấy chứng nhận đầu tư 7 dự án FDI với số vốn gần 1 tỷ USD.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết, trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã triển khai các giải pháp đột phá để đẩy mạnh thu hút vốn FDI. Riêng năm 2024, Bình Dương đã thu hút hơn 2 tỷ USD, vươn lên đứng thứ 2 cả nước chỉ sau TPHCM. Đạt được thành quả tích cực nêu trên, theo ông Minh, đó là kết quả từ chiến lược phát triển các KCN xanh, KCN thế hệ mới, tạo nền tảng thu hút các nhà đầu tư chất lượng trong lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế số và trí tuệ nhân tạo của tỉnh. Điển hình là dự án Nhà máy Lego của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới trong thu hút vốn FDI của Bình Dương, cũng như mở đầu cho làn sóng đầu tư xanh hơn, chất lượng hơn của các doanh nghiệp châu Âu vào tỉnh.

Để tạo thêm quỹ đất sạch, thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, mới đây tỉnh Bình Dương đã động thổ xây dựng thêm 2 KCN xanh, sinh thái với hơn 1.000 ha là KCN Cây Trường (700ha), KCN Bàu Bàng mở rộng giai đoạn 2 (380ha).

Bài 2: Đẩy mạnh phát triển các KCN sinh thái- Ảnh 2.

Hạ tầng các KCN của Bình Dương được quy hoạch có tính kết nối liên vùng, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các DN trong và ngoài nước. Ảnh: VGP/Lê Anh

Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Becamex IDC chủ đầu tư cho biết, 2 KCN này sẵn sàng đón nhận các dự án FDI chất lượng cao, phù hợp với định hướng phát triển bền vững của tỉnh. Về hạ tầng kỹ thuật, cả hai KCN được xây dựng với tiêu chuẩn quốc tế, tích hợp các giải pháp công nghệ số như hệ thống giám sát thông minh, IoT, và quản lý vận hành tự động. 2 KCN trên cũng được kết nối gần với đường Vành đai 3 và Vành đai 4 kết nối các tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ.

Hình thành vành đai công nghiệp thế hệ mới liên kết vùng Đông Nam Bộ

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, để tiếp tục là điểm đến của nhà đầu tư trong và ngoài nước, Bình Dương đang nỗ lực triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, thiết kế lại không gian phát triển, thu hút đầu tư chất lượng cao; đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với những mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.

Cụ thể, tỉnh đã quy hoạch hơn 16.000 ha đất công nghiệp mới để hình thành vành đai công nghiệp thế hệ mới dọc theo đường Vành đai 4 và tuyến Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Qua đó, giúp tăng cường khả năng kết nối giao thông và logistics giữa Bình Dương và các tỉnh, thành Đông Nam Bộ từ đó tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho địa phương.

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, việc quy hoạch các hành lang kinh tế, công nghiệp, đô thị, dịch vụ, gắn kết với các hành lang giao thông kết nối liên vùng như Vành đai 3, Vành đai 4 của TPHCM và các tuyến đường quốc lộ kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế không chỉ cho Bình Dương mà còn cho toàn vùng Đông Nam bộ.

Bài 2: Đẩy mạnh phát triển các KCN sinh thái- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính chứng kiến lãnh đạo tỉnh Bình Dương trao chứng nhận đầu tư cho các DN tại sự kiện khởi công 2 KCN sinh thái hơn 1.000 ha tại Bình Dương ngày 17/5. Ảnh: VGP/Lê Anh

Mới đây, tại hội nghị công bố quy hoạch các khu công nghiệp TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (có lưu ý đến không gian phát triển công nghiệp được mở rộng thông qua kết nối vùng), ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza) cho biết trong giai đoạn phát triển mới, TPHCM định hướng giữ lại toàn bộ quỹ đất công nghiệp, đồng thời chuyển đổi theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, tái cơ cấu theo hướng công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, chuyển dịch nhanh những ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều tài nguyên, ít giá trị gia tăng sang sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Bên cạnh đó, TPHCM dự kiến đầu tư thêm 14 khu công nghiệp mới với tổng diện tích hơn 3.800 ha, theo định hướng phát triển các khu công nghiệp sinh thái, thông minh, hiện đại.

Lãnh đạo HEPZA cho biết, mục tiêu là hình thành các cụm liên kết ngành bên trong khu công nghiệp và giữa các khu công nghiệp lân cận. Trong đó, phương án chi tiết tổ chức thực hiện quy hoạch, có lưu ý đến không gian phát triển công nghiệp được mở rộng thông qua kết nối vùng có tác động tương hỗ sau khi các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sáp nhập vào TPHCM để tăng cường tính liên kết, hợp tác phát triển gắn với thế mạnh của từng địa phương. Qua đó, hình thành vành đai công nghiệp thế hệ mới.

Lê Anh

Top