Bài 2: Triển khai Nghị quyết 98 - Cách làm hay từ dự án Vành đai 3

12/11/2024 9:13 AM

(Chinhphu.vn) - Dự án đường Vành đai 3 TPHCM là một trong các dự án đầu tiên được vận dụng cơ chế từ Nghị quyết 98; quá trình triển khai dự án cho thấy nhiều cách làm hay, tạo sức lan tỏa.

Bài 2: Triển khai Nghị quyết 98 - Cách làm hay từ dự án Vành đai 3- Ảnh 1.

Dự án đường Vành đai 3 TPHCM đoạn qua địa bàn huyện Hóc Môn - Ảnh: VGP/Nam Đàn

Giải phóng mặt bằng được triển khai "thần tốc"

Dự án Vành đai 3 TPHCM dài 76,34 km, đi qua địa phận TPHCM và 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Thiết kế hoàn chỉnh tuyến Vành đai 3 gồm 8 làn xe cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h; được chia thành 8 dự án thành phần bao gồm 4 dự án thành phần xây dựng và 4 dự án thành phần giải phóng mặt bằng. Tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác từ năm 2026.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 75.378 tỷ đồng. Trong đó, dự án thành phần 1 dài khoảng 47,3 km, tổng mức đầu tư hơn 22.411 tỷ đồng; dự án thành phần 2 là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với tổng mức đầu tư hơn 18.976 tỷ đồng. Cả 2 dự án thành phần này đều do UBND TPHCM làm cơ quan chủ quản, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM được giao làm chủ đầu tư.

Là "điểm nghẽn" tồn tại lâu nay đối với hầu hết các dự án hạ tầng đô thị, nhưng ở dự án Vành đai 3, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được triển khai "thần tốc", nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân. Điều này nhờ vào việc vận dụng Nghị quyết 98, khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án được tách thành dự án riêng.

Bên cạnh đó, vốn triển khai dự án cũng được bố trí và phân bổ kịp thời theo tỉ lệ ngân sách Trung ương chiếm 50% và ngân sách Thành phố 50%.

Do đó, chỉ trong thời gian ngắn kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 57 (ngày 16/6/2022) về đầu tư dự án Vành đai 3, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105 (ngày 15/8/2022 về triển khai Nghị quyết số 57), đến ngày 18/6/2023 dự án đã được khởi công đoạn qua địa bàn TPHCM.

Tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự án Vành đai 3 TPHCM được áp dụng cơ chế đặc thù như đẩy mạnh phân cấp phân quyền, giao địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án; áp dụng cơ chế huy động nguồn lực cho dự án bằng cách kết hợp giữa ngân sách Trung ương và địa phương; áp dụng chỉ định thầu để lựa chọn nhà thầu thi công dự án, qua đó rút ngắn thời gian chuẩn bị để triển khai dự án.

Bài 2: Triển khai Nghị quyết 98 - Cách làm hay từ dự án Vành đai 3- Ảnh 2.

Công nhân thi công trên công trường dự án Vành đai 3 - Ảnh: VGP/Nam Đàn

Cơ bản đảm bảo tiến độ

Dự án Vành đai 3, đoạn qua địa bàn TPHCM đang dần rõ hình hài ở từng phân đoạn. Việc vận dụng Nghị quyết 98 đã giúp Thành phố ưu tiên bố trí nguồn vốn, tách công tác bồi thường giải phóng mặt thành dự án riêng. Điều này góp phần quan trọng để có được mặt bằng sạch, phục vụ công tác thi công, xây dựng, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Báo cáo với Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường tại buổi kiểm tra thực địa 6 điểm thi công trên địa bàn huyện Hóc Môn và Củ Chi thuộc dự án Vành đai 3 chiều ngày 23/10 vừa qua, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho biết, dự án đến nay đã bàn giao mặt bằng 1.689/1.692 trường hợp, đạt 99,8% (trong đó, huyện Củ Chi và Hóc Môn đã bàn giao 100% mặt bằng), còn lại 3 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng với diện tích 0,83 ha.

Đối với công tác bố trí tái định cư, đã có 409 trường hợp (phương án được duyệt là 630 trường hợp) được bố trí tái định cư, trong đó có 297 hộ bố trí tái định cư bằng nền đất; 112 trường hợp bố trí tái định cư bằng căn hộ chung cư.

Cũng theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, với tổng chiều dài hơn 47 km, dự án có 14 gói thầu xây lắp, gồm 10 gói thầu xây lắp chính và 4 gói thầu phục vụ vận hành, khai thác. Trong đó, 10 gói thầu xây lắp chính, hiện các nhà thầu đang tăng tốc thi công hạng mục cầu, hầm trên tuyến; thi công đồng loạt công xử lý nền đất yếu để đảm bảo tiến độ đề ra. Sản lượng thực hiện đạt 3.213/16.578 tỷ đồng, bằng khoảng 19,4%.

Với 4 gói thầu phục vụ vận hành, khai thác, Sở Giao thông vận tải đang tổ chức thẩm định, dự kiến phê duyệt thiết kế, dự toán trong năm 2024 và triển khai thi công theo tiến độ thực hiện gói thầu xây lắp chính.

Bài 2: Triển khai Nghị quyết 98 - Cách làm hay từ dự án Vành đai 3- Ảnh 3.

Bình đồ hướng tuyến Vành đai 3 đoạn đi qua địa bàn TPHCM

Đánh giá tiến độ chung, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho rằng đáp ứng theo kế hoạch, cụ thể, phần cầu và công trình đảm bảo vượt tiến độ. Phần đường do thiếu nguồn cát san lấp các tháng đầu năm nhưng hiện nay nguồn cát đã được giải quyết, các nhà thầu được yêu cầu phải tăng tốc thi công xử lý nền đất yếu để bù lại tiến độ trong các tháng cuối năm 2024.

Theo số liệu rà soát của các chủ đầu tư, nhu cầu sử dụng cát san lấp cho toàn dự án khoảng 9,2 triệu m3. Hiện các dự án thành phần đã huy động được khoảng 1,8 triệu m3, khối lượng tiếp tục phải huy động là 7,4 triệu m3. Các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre đã cam kết cung cấp cho dự án tổng khối lượng 10 triệu m3 với 13 mỏ.

Đến hết tháng 10 đã hoàn thành thủ tục cấp phép 6/13 mỏ, tháng 11 dự kiến hoàn thành thủ tục 10/13 mỏ, và hết tháng 12 hoàn thành cấp phép 13/13 mỏ. Như vậy, khó khăn về vật liệu xây dựng cơ bản được giải quyết.

Liên quan đến hệ thống giao thông thông minh (ITS), hiện Sở Giao thông vận tải đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan phục vụ công tác thẩm định. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM kiến nghị các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Giao thông vận tải sớm có ý kiến về hồ sơ thiết kế hệ thống ITS (hiện Cục đường cao tốc Việt Nam đã có ý kiến góp ý). Đồng thời Bộ Giao thông vận tải sớm chủ trì họp với chủ đầu tư các dự án thành phần 3, 5, 7 của dự án Vành đai 3, Ban Mỹ Thuận và VEC thống nhất hệ thống ITS.

Về thời gian hoàn thành, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường ngày 26/10 yêu cầu dự án phải được triển khai theo các mốc thời gian, hoàn thành theo đúng kế hoạch đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 57 và Nghị quyết số 105; phấn đấu đạt mục tiêu thông xe tuyến chính cao tốc khu vực thành phố Thủ Đức ngày 30/1/2026, khu vực Bình Chánh - Hóc Môn - Củ Chi ngày 30/4/2026.

Dự án thành phần 1 thuộc dự án Vành đai 3 TPHCM

Tổng chiều dài dài 47,35 km, gồm 2 đoạn: Đoạn 1 trên địa phận thành phố Thủ Đức có chiều dài khoảng 14,73 km; đoạn 2 trên địa phận huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh chiều dài khoảng 32,62km.

Quy mô, dự án sẽ giải phóng mặt bằng theo quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh. Tuy nhiên, đầu tư phân kỳ với quy mô phân kỳ 4 làn xe cao tốc hạn chế, bề rộng mặt cắt ngang là 19,75m, vận tốc thiết kế 100km/h.

Cùng với đó, đầu tư xây dựng phần đường song hành hai bên qua đô thị, khu dân cư (bố trí không liên tục) quy mô mỗi bên 2 đến 3 làn xe.

Nam Đàn

Top