Bảo vệ thành quả cách mạng, nỗ lực xây dựng và phát triển TPHCM thân yêu

06/01/2023 2:04 PM

(Chinhphu.vn) - Với ý nghĩa lịch sử quan trọng của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 và những thành quả to lớn trong thời gian qua, TPHCM nguyện tiếp tục ra sức bảo vệ thành quả cách mạng của cha anh, nỗ lực xây dựng, phát triển và giữ vững Thành phố thân yêu là thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Bảo vệ thành quả cách mạng, nỗ lực xây dựng và phát triển TPHCM thân yêu - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên trò chuyện cùng các chiến sĩ lão thành cách mạng về dự buổi họp mặt - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Sáng 6/1, tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM tổ chức chương trình Họp mặt truyền thống kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cùng lãnh đạo các sở, ngành cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ lão thành cách mạng về dự, ôn lại truyền thống hào hùng của hơn 50 năm trước.

Cách đây 55 năm, mùa Xuân năm 1968, nhân dân ta, từ Nam ra Bắc tưng bừng bước vào năm mới, đón Tết Mậu Thân, đón thơ chúc Tết của Bác Hồ kính yêu:

"Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng trận tin vui khắp nước nhà …"

Cũng đúng vào thời điểm ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, các lực lượng cách mạng và các đơn vị chủ lực, lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định đã mở đầu xuất sắc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân, Đài Phát thanh… - những nơi được coi là "bất khả xâm phạm" đều bị tấn công; Nhà Trắng và Lầu Năm Góc "rung chuyển"; làn sóng phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam được thổi bùng lên trên toàn nước Mỹ và cả thế giới. Đây là cuộc tiến công chiến lược có quy mô rộng lớn nhất, với cường độ ác liệt nhất và đều khắp trong toàn miền Nam kể từ khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Bảo vệ thành quả cách mạng, nỗ lực xây dựng và phát triển TPHCM thân yêu - Ảnh 2.

Một chiến sĩ lão thành chia sẻ bức ảnh tư liệu về cuộc chiến với Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tại miền Nam, quân và dân ta đã đánh vào 4 trong 6 thành phố lớn, 37 trong số 44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 trong 11 bộ tư lệnh sư đoàn quân đội Sài Gòn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ cùng nhiều bộ tư lệnh lữ đoàn, trung đoàn, chi khu và hàng trăm căn cứ quân sự địch bị tiến công đồng loạt, làm tan rã 600 ấp chiến lược, giải phóng thêm 100 xã với hơn 1,6 triệu dân…; đã giáng đòn quyết định vào chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, tạo nên bước ngoặc lịch sử vĩ đại cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc ta.

Những chiến công vang dội thể hiện trí tuệ, bản lĩnh của dân tộc, quân đội và nhân dân cả nước, trực tiếp trên chiến trường toàn miền Nam, trong đó vai trò rất quan trọng của nhân dân và các lực lượng vũ trang Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định; cán bộ, chiến sĩ lực lượng biệt động, đặc công Sài Gòn; của các lực lượng trí vận, công vận, phụ vận, hoa vận, binh vận, khu đoàn - thành đoàn Sài Gòn - Gia Định, của các mẹ, các dì, các chị trong chiến khu, chốn bưng biền, trong các khu căn cứ lõm, dân công hỏa tuyến…

Sau thất bại Mậu Thân, Mỹ buộc phải thay đổi chiến lược xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc, công nhận Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, để rồi 4 năm sau phải ký kết Hiệp định Paris và rút quân về nước.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, quân sự và ngoại giao. Đó là thắng lợi của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại mới; là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, ý chí và quyết tâm chống Mỹ, cứu nước, tinh thần một quốc gia thống nhất của nhân dân Việt Nam, trong đó có nhân dân và lực lượng vũ trang Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh. Những trận đánh lẫy lừng trong Mậu Thân và cả những hy sinh to lớn của đồng bào và cán bộ chiến sĩ ta đã tạo nên một tượng đài bất tử, một dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ.

Bảo vệ thành quả cách mạng, nỗ lực xây dựng và phát triển TPHCM thân yêu - Ảnh 3.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Tiếp nối và phát triển TPHCM - đầu tàu của đất nước

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố mãi mãi tri ân, biết ơn các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các cấp, cán bộ chiến sĩ, đồng bào đã tham gia Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Xin kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ, cảm phục sâu sắc trước sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ, những hy sinh đó sẽ sống mãi và trường tồn theo năm tháng cùng đất nước.

Theo Phó Bí thư Thành ủy, TPHCM hôm nay là sự tiếp nối xứng đáng những gì mà thế hệ cha anh đã giành được. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố luôn "vì cả nước, cùng cả nước", tiếp tục chung sức, đồng lòng vượt qua những khó khăn, thử thách, để khi nói về TPHCM là chúng ta nói đến một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, là động lực, có sức thu hút và sức lan toả lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước.

Bảo vệ thành quả cách mạng, nỗ lực xây dựng và phát triển TPHCM thân yêu - Ảnh 4.

Anh Ngô Minh Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM phát biểu cảm nghĩ tại buổi lễ - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Với ý nghĩa lịch sử quan trọng của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 và những thành quả to lớn trong thời gian qua, TPHCM nguyện tiếp tục ra sức bảo vệ thành quả cách mạng của cha anh, nỗ lực xây dựng, phát triển và giữ vững Thành phố thân yêu là thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; thành phố nhiều lần anh hùng, thành phố duy nhất của cả nước được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, biểu tượng của sự năng động, sáng tạo, đổi mới, được bạn bè quốc tế nể trọng.

Theo anh Ngô Minh Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM, là những cán bộ, đoàn viên, thanh niên thuộc thế hệ tiếp nối, tuổi trẻ Thành phố tự hào, biết ơn đối với sự hy sinh của các thế hệ đi trước, tự hào về truyền thống cách mạng, những trang sử vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố.

Bảo vệ thành quả cách mạng, nỗ lực xây dựng và phát triển TPHCM thân yêu - Ảnh 5.

Các cán bộ lãnh thành, anh hùng lực lượng vũ trang dự buổi lễ - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Tuổi trẻ Thành phố hiểu rằng để làm nên sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, đã có biết bao lớp người cống hiến cả tuổi thanh xuân và xương máu của mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, hòa bình và thống nhất đất nước. Cùng với các thế hệ cách mạng của cả nước, hàng vạn chiến sĩ, đồng bào Sài Gòn - Gia Định - TPHCM đã chiến đấu anh dũng và hy sinh vì Tổ quốc. Lý tưởng cao đẹp của những các thế hệ cán bộ đoàn, của những anh hùng chiến sĩ Sài Gòn - Gia Định mãi mãi được tiếp nối, là những bài học lịch sử cho thế hệ trẻ hôm nay khi tìm hiểu Sử Việt và thể hiện lòng yêu nước từ những việc cụ thể, bình thường hằng ngày, có ích cho cộng đồng, xã hội.

Anh Ngô Minh Hải nhấn mạnh, sứ mệnh lịch sử của thế hệ trẻ hôm nay là bảo vệ vững chắc những thành quả cách mạng, tiếp nối xứng đáng truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Tuổi trẻ Thành phố sẽ phát huy các giá trị truyền thống lịch sử, nối kết truyền thống với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước, thành phố hôm nay, biến những vấn đề của đất nước, của nhân dân thành suy nghĩ thường trực trong mỗi công dân trẻ, trong mỗi hành động thiết thực hằng ngày, kế tục xứng đáng sự nghiệp mà Đảng, Bác Hồ và các thế hệ tiền bối cách mạng đã đánh đổi bằng chính xương máu của mình để dựng nên.

Vũ Phong

Top