Bắt và xử lý 56 trường hợp khai thác, kinh doanh cát không nguồn gốc

11/11/2022 12:54 PM

(Chinhphu.vn) - 9 tháng năm 2022, lực lượng chức năng TPHCM đã bắt và xử lý 56 trường hợp khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp, với 107 phương tiện. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính khoảng 2,6 tỷ đồng và tịch thu gần 12.500 m3 cát.

Bắt và xử lý 56 trường hợp khai thác, kinh doanh cát không nguồn gốc - Ảnh 1.

Một phương tiện khai thác cát trái phép bị phát hiện tại vùng biển Cần Giờ

Sở TN&MT TPHCM vừa có báo cáo gửi UBND TPHCM về kết quả thực hiện đề án "Phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa TPHCM với các tỉnh" 9 tháng năm 2022.

Theo đó, 9 tháng qua, lực lượng chức năng đã bắt và xử lý 56 trường hợp khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp, với 107 phương tiện. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính khoảng 2,6 tỷ đồng và tịch thu gần 12.500 m3 cát.

Từ năm 2022, công tác phối hợp, kiểm tra, xử lý khai thác, vận chuyển cát trái phép giữa TPHCM với các tỉnh giáp ranh được tăng cường, tần suất kiểm tra, xử phạt nhiều hơn, nên nhìn chung các điểm nóng về khai thác cát trái phép đã không còn sôi động như trước kia.

Các lực lượng đấu tranh phòng chống khai thác, vận chuyển cát trái phép đã được trang bị phương tiện, thiết bị để phục vụ cho công tác nghiệp vụ nên công tác kiểm tra, xử lý khai thác cát trái phép có những thuận lợi nhất định.

Công tác tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi công việc, không khai thác cát trái phép thực hiện tương đối tốt. Việc đấu tranh, lên án các trường hợp, hành vi khai thác cát trái phép được tăng cường trên các phương tiện truyền thông.

Sự chủ động, phối hợp giữa các cơ quan chức năng đã đạt được một số kết quả nhất định trong đấu tranh phòng, chống khai thác cát, góp phần ngăn chặn đẩy lùi tình trạng khai thác cát trái phép tại một số địa bàn trước đây được xem như điểm nóng về khai thác cát, như TP. Thủ Đức (đoạn giáp ranh với tỉnh Đồng Nai), huyện Củ Chi, Cần Giờ.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng, nhất là các tỉnh lân cận, như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang… đã có nhiều chuyển biến trong việc trao đổi thông tin, phối hợp kiểm tra, tuần tra, bắt giữ, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép.

Cũng theo Sở TN&MT TPHCM, bên cạnh những kết quả nói trên, công tác phòng, chống khai thác cát trái phép vẫn còn một số điểm hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là, mặc dù việc phối hợp, kiểm tra, trao đổi, cung cấp thông tin trong công tác phòng chống khai thác cát trái phép giữa TPHCM và các tỉnh vùng giáp ranh đã đạt được một số kết quả nhất định trong đấu tranh phòng, chống khai thác cát trái phép, nhưng công tác phối hợp của một số phường, xã khu vực giáp ranh với Thành phố vẫn chưa thực sự đồng bộ.

Hiện nay, địa điểm tập kết tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm còn hạn chế, gây khó khăn cho việc trông giữ, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm không bảo đảm an toàn, dễ hư hỏng, thất thoát.

Việc bán đấu giá tang vật vi phạm bao gồm nhiều thủ tục, một số bước không có văn bản hướng dẫn cụ thể đã gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng thực hiện, dẫn đến việc bán đấu giá kéo dài, gây thất thoát cho Nhà nước.

Ngoài ra, chế tài xử lý đối với hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp được quy định tại Khoản d Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa đủ sức răn đe đối với đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

Chi Mai

Top