Các nhà mua hàng quốc tế: Hàng Việt có chất lượng và tiềm năng xuất khẩu

06/06/2024 6:03 PM

(Chinhphu.vn) - Các nhà mua hàng quốc tế như Aeon, Uniqlo (Nhật bản), Walmart, Amazon, Safeway (Hoa Kỳ), Carrefour, Decathlon (Pháp), Falabella (Chile), Coppel (Mexico), Central Retail (Thái lan), Lotte (Hàn Quốc), Miniso (Trung Quốc)… đều có chung nhận định, hàng Việt có chất lượng và tiềm năng xuất khẩu vào chuỗi cung ứng của họ.

Các nhà mua hàng quốc tế: Hàng Việt có chất lượng và tiềm năng xuất khẩu - Ảnh 1.

Các nhà mua hàng quốc tế đang trao đổi trực tiếp với các DN Việt Nam. Ảnh: VGP/Anh Lê

Chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế'' (Viet Nam International Sourcing 2024) diễn ra từ ngày 6 - 8/6 tại TPHCM, thu hút 300 nhà mua hàng quốc tế cùng hàng trăm doanh nghiệp trong nước tham gia.

Tại sự kiện này, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã mang đến những sản phẩm nông sản, thực phẩm, hàng thời trang… giới thiệu tới các nhà mua hàng quốc tế với mong muốn kết nối, xuất khẩu.

Hỗ trợ DN Việt tham gia sâu vào chuỗi giá trị

Tham gia sự kiện, các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới khẳng định sẽ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) Việt đưa hàng chất lượng cao đến với người tiêu dùng toàn cầu. Trong khi đó, các DN Việt Nam cần đáp ứng được tiêu chuẩn cao về chất lượng, tiêu chuẩn xanh theo tiêu chuẩn xu thế toàn cầu.

Ông Herman Xu, Tổng giám đốc Phụ trách Chất lượng của Tập đoàn Miniso cho biết, tập đoàn chọn Việt Nam dựa trên một số yếu tố then chốt như sự khác biệt về thuế quan, lợi thế trong chuỗi cung ứng của Việt Nam và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, Việt Nam có nhiều lợi thế về thương mại với các thị trường Bắc Mỹ, ASEAN và CPTPP, giúp doanh nghiệp đáp ứng nhanh nhu cầu thị trường.

Trong đó về thuế, Việt Nam được hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan theo nhiều hiệp định thương mại quốc tế, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của Miniso khi thâm nhập các thị trường mục tiêu. Hơn nữa, trong bối cảnh rủi ro chính trị toàn cầu như hiện nay, môi trường chính trị tại Việt Nam tương đối ổn định, giúp giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng và đảm bảo nguồn cung sản phẩm ổn định cho người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Cũng như nhiều nhà mua hàng khác xác định Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng trong việc xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Aly Ansari, Tổng giám đốc Walmart Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường cung ứng quan trọng nhất ở châu Á của Walmart. Đội ngũ tìm nguồn cung ứng của nhà bán lẻ này luôn sẵn sàng hỗ trợ hoạt động xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam ra thị trường toàn cầu, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Chile và Trung Quốc.

Các nhà mua hàng quốc tế: Hàng Việt có chất lượng và tiềm năng xuất khẩu - Ảnh 2.

Đại diện một số tập đoàn bán lẻ thế giới cho rằng, DN Việt Nam cần đáp ứng được tiêu chuẩn cao về chất lượng, tiêu chuẩn xanh theo tiêu chuẩn xu thế toàn cầu. Ảnh: VGP/Anh Lê

"Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam như đồ may mặc, đồ điện tử, sản phẩm cứng và nhiều mặt hàng khác là sản phẩm đang được Walmart tìm kiếm. Ngoài ra, nhà bán lẻ này cũng tìm kiếm sản phẩm thuộc các danh mục khác như đồ chơi, thực phẩm... từ Việt Nam", ông Aly Ansari chia sẻ.

Ông Olivier Langlet, Tổng Giám đốc Điều hành Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, cho biết: "Với vai trò Tập đoàn bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam, chúng tôi hiểu rõ vai trò của mình trong việc đồng hành cùng các DN Việt Nam trong hành trình chinh phục thị trường quốc tế".

Bên cạnh nhiều sản phẩm của DN Việt đang được Central Retail Việt Nam thu mua để đưa vào hệ thống tiêu thụ tại Việt Nam cũng như xuất khẩu, hiện nay, Central Retail mong muốn hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất cà phê Việt Nam và cùng nhau đưa những sản phẩm độc nhất chinh phục thị trường quốc tế thông qua các sáng kiến R&D cụ thể.

DN cần tận dụng các lợi thế từ các FTAs mang lại

Để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, đại diện một số tập đoàn bán lẻ thế giới cho rằng, DN Việt Nam cần đáp ứng được tiêu chuẩn cao về chất lượng, tiêu chuẩn xanh theo tiêu chuẩn xu thế toàn cầu. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng của Việt Nam cũng phải đối mặt với một số thách thức về cạnh tranh với chuỗi cung ứng toàn cầu, năng lực sản phẩm, năng lực cung ứng, năng lực dịch vụ thương mại.

Để cải thiện những điểm yếu này, đại diện các nhà bán lẻ nước ngoài cho biết sẽ hợp tác với chuỗi cung ứng của Việt Nam để nâng cao năng lực tổng thể của chuỗi cung ứng thông qua hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ nguồn lực.

Ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, trong những tháng đầu năm 2024, ngành dệt may đã có sự khởi sắc trở lại nhưng vẫn chưa quay trở lại được mức đỉnh mà ngành đã đạt được trong năm 2022. Đồng thời hiện nay, ngành đang phải đối mặt với thách thức về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh

Theo ông Tùng, các DN Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với nhiều DN nước khác do chúng ta đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTAs) với nhiều thị trường lớn, vấn đề còn lại là làm sao DN Việt có thể tận dụng được các lợi thế đó.

Phó Chủ tịch Vitas Trần Như Tùng cho biết, hiện nay, đầu tư xanh không phải DN nào cũng đáp ứng được hết, do nhiều DN còn hạn chế về vốn, chính vì vậy, các DN ngành dệt may kỳ vọng có những gói vay ưu đãi để DN có thể tiếp cận vốn, đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, tự động hóa để có thể tăng hiệu suất, sản xuất xanh, sạch được nhanh hơn. Nếu làm được điều này, đó là lợi thế, khách hàng đến với chúng ta nhiều hơn.

Các nhà mua hàng quốc tế: Hàng Việt có chất lượng và tiềm năng xuất khẩu - Ảnh 3.

Các nhà mua hàng quốc tế cam kết hỗ trợ DN Việt tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Ảnh: VGP/Anh Lê

Cũng giống như ngành dệt may, hiện nay ngành đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ đã có sự phục hồi tích cực trong 5 tháng 2024, với mức tăng hơn 23,5% so với năm ngoái.

Theo bà Dương Thị Minh Tuệ, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, thích nghi thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, thời gian qua, Hawa tổ chức đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhất là các thị trường trọng điểm nhằm tận dụng các lợi thế từ các FTAs như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU. Mới đây vào tháng 3, Hawa tổ chức hội chợ HawaExpo 2024 để hỗ trợ DN tìm kiếm đối tác, qua đó, giúp 75% DN tham dự có thêm đơn hàng mới.

Bà Dương Thị Minh Tuệ nhấn mạnh, chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế'' (Viet Nam International Sourcing 2024) với sự tham gia của hàng trăm nhà mua hàng lớn trên khắp thế giới được kỳ vọng giúp các DN ngành gỗ và nội thất tiếp tục có thêm nhiều đơn hàng và đối tác mới.

Theo Bộ Công Thương, trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt hơn 681 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 354,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 326,4 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 xuất siêu 28,3 tỷ USD. Trong năm 2023 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu ước đạt 156,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường có hiệp định thương mại (FTA) đều có sự phục hồi tích cực. Các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA cùng hàng loạt FTA song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, thực thi trước đó đã tạo ra mạng lưới thị trường rộng lớn, trở thành động lực cho các DN, ngành hàng của Việt Nam mạnh dạn bước ra thế giới.

Lê Anh

Top