Các tỉnh phía Nam gia tăng ca tử vong vì bệnh dại

07/10/2022 6:32 PM

(Chinhphu.vn) - Trong 9 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận 40 ca tử vong do bệnh dại, riêng các tỉnh phía Nam đã có 17 ca, trong đó Bến Tre 12 ca, Kiên Giang 5 ca. Điều này rất đáng lo ngại vì trước đây các ổ bệnh dại trên động vật thường xuất hiện ở khu vực phía Bắc.

Các tỉnh phía Nam gia tăng ca tử vong vì bệnh dại - Ảnh 1.

Bệnh dại ở người hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu chúng ta biết cách xử trí ngay từ ban đầu

Theo BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Viện Pasteur TPHCM, trong giai đoạn từ 2011-2021, cả nước có 977 người tử vong do bệnh dại. Khu vực phát sinh ổ bệnh dại trên động vật chủ yếu xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc, trong đó Nghệ An nhiều năm liền có ca tử vong đứng đầu cả nước. Những năm gần đây, các ổ dịch trên động vật gia tăng ở khu vực Tây Nguyên. Riêng 9 tháng đầu năm nay đã phát sinh nhiều ổ dịch dại trên động vật ở khu vực phía Nam như Bến Tre, Kiên Giang.

Mặc dù TPHCM chưa ghi nhận ca tử vong nào liên quan đến bệnh dại, tuy nhiên, BS Tuấn vẫn lo ngại nguy cơ hình thành ổ bệnh dại trên động vật vì người dân còn có thói quen thả rông chó, mèo nơi công cộng. Do vậy, khi bị chó, mèo cắn, hoặc liếm vào vết thương, dù là vật nuôi trong nhà thì người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý.

BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn cũng cho hay, cứ 100% ca tử vong chưa tiêm phòng bệnh dại, 70% trong số đó từng điều trị theo dân gian truyền miệng sau khi bị chó, mèo cắn, cào. Phổ biến nhất là đến thầy lang lấy nọc, đắp thuốc nam, rạch hút máu từ vết thương. Việc này càng làm phát tán virus dại trầm trọng hơn ở vết thương của người bị phơi nhiễm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi năm ghi nhận khoảng 60.000 người tử vong vì căn bệnh này và chủ yếu xảy ra ở các nước thuộc vùng nhiệt đới. Hiện chưa có một loại thuốc nào có thể chưa được bệnh dại. Khi triệu chứng xuất hiện, người nhiễm virus dại gần như tử vong.

Trước sự gia tăng các ca tử vong vì bệnh dại, Bộ Y tế đã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh dại.

Bộ Y tế phân tích nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do dại trên người chủ yếu là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng vaccine. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.

Theo báo cáo của cơ quan chuyên ngành thú y, từ đầu năm 2022 đến nay, tỉ lệ tiêm vaccine phòng dại chỉ đạt khoảng 40% tổng đàn chó, mèo. Trong khi đó, để ngăn chặn bệnh dại lây sang người cần đạt tỉ lệ tiêm phòng trên động vật ít nhất 70% trong 2 năm liên tiếp.

Do đó, nguy cơ bùng phát bệnh dại trên người tại các khu vực nói trên và lây lan sang các khu vực khác là rất lớn.

Băng Tâm

Top