Cần có chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo đội ngũ trí thức trong bối cảnh mới

24/02/2023 2:18 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 24/2, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Thành ủy TPHCM và ĐHQG TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới".

Cần có chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo đội ngũ trí thức trong bối cảnh mới - Ảnh 1.

Các đại biểu chủ trì Hội thảo - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Ông Lại Xuân Môn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN; ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM; ông Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM tham dự Hội thảo.

Theo ông Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", đội ngũ trí thức đã tăng nhanh về số lượng; nhiều trí thức có trình độ cao, năng động sáng tạo, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực KHCN, số cán bộ nghiên cứu trên vạn dân còn thấp so với các nước trong khu vực. Thống kê từ Bộ KH&CN cho thấy con số này chỉ đạt khoảng 15,6 cán bộ nghiên cứu/vạn dân, đặc biệt là số cán bộ nghiên cứu có trình độ tiến sĩ còn rất thấp, tổng số chỉ là gần 30.000 người.

Công tác đào tạo khối ngành KHCN chưa gắn nhiều với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chưa bền vững. Cụ thể, số lượng nhập học không đồng đều giữa các nhóm ngành, có xu hướng giảm, nhất là ở trình độ sau đại học.

Cần có chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo đội ngũ trí thức trong bối cảnh mới - Ảnh 2.

Ông Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Thống kê từ Bộ GD&ĐT cho thấy số lượng nghiên cứu sinh các nhóm ngành này liên tục giảm trong 3 năm gần đây: Năm 2019 là 1.379 nghiên cứu sinh (NCS) thì năm 2021 chỉ còn 1.010 NCS.

Ở bậc đại học, số lượng thí sinh nhập học ngành CNTT liên tục tăng, từ 46,173 sinh viên năm 2019 lên 56,260 sinh viên năm 2022, đạt 100% chỉ tiêu; trong khi các ngành khoa học tự nhiên, khoa học sự sống thì số lượng sinh viên nhập học, chỉ đạt hơn 50% chỉ tiêu. Cá biệt, có một số nhóm ngành khoa học không tuyển sinh được như ngành Hải dương học, Địa chất. Số sinh viên nhập học của các nhóm ngành này chỉ đạt chưa đến 30% tổng số sinh viên nhập học.

Ngoài ra, tỉ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học tính trên GDP là rất thấp, chỉ đạt 0,25-0,27%, trong khi tỉ lệ này ở các nước trong khu vực là 0,6-1%.

Ông Quân cho biết thêm, khảo sát gần 20,000 sinh viên (SV) đại ĐHQG TPHCM cho thấy có 10,21% SV xuất sắc; 5,79% SV khá và 7,71% SV trung bình muốn đi làm cho các cơ quan nhà nước. Khảo sát cũng nghi nhận có khoảng 15,6% SV của ĐHQG TPHCM muốn được làm việc cho các cơ quan trung ương tại Hà Nội trong khi tỉ lệ muốn ở lại TPHCM là 44,8%.

Còn theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, TPHCM luôn ý thức sự phát triển của Thành phố dựa trên nền tảng tri thức, trong đó đội ngũ trí thức đóng vai trò quan trọng quyết định cho sự phát triển của Thành phố, giúp Thành phố giữ vững vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ của cả nước.

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 27, Thành phố đã đạt được một số thành tựu, tuy nhiên, vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng của mình.

Trong thời gian qua, Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, HĐND Thành phố cũng có nghị quyết để thu hút các trí thức đến làm việc tại các khu công nghệ cao, khu công nghệ sinh học, trung tâm nông nghiệp công nghệ cao… cùng với ban hành các cơ chế, chính sách về tiền lương, điều kiện ăn ở, đi lại nhưng sau một thời gian thực hiện, Thành phố mới chỉ thu hút được 20 chuyên gia, trí thức.

Cần có chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo đội ngũ trí thức trong bối cảnh mới - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Ngoài ra, ông Mãi cho rằng, trí thức đóng góp cho Thành phố không chỉ trong khoa học công nghệ mà còn trên lĩnh vực văn học nghệ thuật. Hiện chính sách của Thành phố chưa thực sự động viên được đội ngũ trí thức này, bởi vậy, Thành phố đang nghiên cứu để xây dựng chính sách cho đội ngũ này.

Ông Mãi khẳng định, thời gian tới, Thành phố sẽ tập hợp đội ngũ trí thức trong và ngoài nước thông qua cơ chế đặt hàng nhiệm vụ; ngoài ra có chính sách động viên bằng cơ chế đào tạo, thu nhập tăng thêm, nhà ở và các quyền lợi khách về đề bạt, bổ nhiệm, tham gia sâu hơn vào các chương trình của Thành phố. Tuy nhiên, để hoàn thiện chính sách cho đội ngũ trí thức cũng cần cơ chế tháo gỡ từ Trung ương để Thành phố có thể triển khai thuận lợi trong thời gian tới.

Cần có chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo đội ngũ trí thức trong bối cảnh mới - Ảnh 4.

Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Phát biểu định hướng Hội thảo, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học từ thực tiễn hoạt động của mình, tập trung thảo luận và làm rõ một số kết quả nổi bật đã được đề cập trong dự thảo báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 27 và báo cáo kết quả thăm dò dư luận về xây dựng đội ngũ trí thức của Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.

Trong đó, tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế, việc chưa có những chính sách đột phá để phát huy tối đa năng lực để đội ngũ trí thức; đầu tư còn giàn trải, chưa tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm, khâu then chốt; chính sách thu hút các nguồn lực để đầu tư, thu hút đội ngũ trí thức chưa sát với tình hình thực tiễn, chưa đủ mạnh… Nội dung, phương thức hoạt động của liên hiệp hội gồm trí thức chậm được kiện toàn, đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu, tình hình thực tiễn, chưa thực sự tạo ra diễn đàn để thu hút đội ngũ trí thức tham gia hoạt động và cống hiến cho Đảng, đất nước và một số bài học kinh nghiệm sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết.

Vũ Phong

Top