TPHCM luôn xác định phát triển phải dựa trên nền tảng tri thức
(Chinhphu.vn) - Chiều 21/2, Đoàn công tác Trung ương do Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị dẫn đầu có buổi làm việc với Thành ủy TPHCM để khảo sát 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ tri thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Về phía TPHCM, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức tham dự buổi khảo sát.
Theo báo cáo của Thành ủy TPHCM, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27, nhận thức khoa học về xây dựng đội ngũ trí thức của Thành phố đã có sự thay đổi căn bản, chú trọng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng hội nhập quốc tế. Nhiều chủ trương, chính sách, mô hình và cách làm mới được nghiên cứu, tổ chức thực hiện thí điểm, tạo động lực để phát triển có hiệu quả và bền vững.
Thành phố đã từng bước hoàn thiện môi trường, điều kiện hoạt động của trí thức; thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức. Quy chế thu hút chuyên gia thực hiện đạt hiệu quả bước đầu. Đội ngũ trí thức tăng khá nhanh về số lượng và chất lượng, từng bước phát huy vai trò của mình trên các lĩnh vực đời sống xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị quyết tại Thành phố vẫn còn nhiều hạn chế. Chính sách thu hút phát triển nguồn nhân lực từ đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học tuy được quan tâm, triển khai thực hiện nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả như mong đợi. Số lượng chuyên gia, nhà khoa học đã và đang làm việc có số lượng rất hạn chế và mới chỉ tập trung vào một số ngành nghiên cứu trên phạm vi hẹp.
Ngoài ra, chính sách ưu đãi về thu nhập được thực hiện với mức cao hơn nhiều lần so với tiền lương bình quân của công chức, viên chức. Tuy nhiên, so với các thành phần ngoài khu vực công, mức ưu đãi đang áp dụng cho các trường hợp là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài vẫn chưa đủ sức cạnh tranh và giữ chân chuyên gia ở lại làm việc ổn định, lâu dài.
Kinh nghiệm quản lý, tổ chức, điều hành hoạt động các cơ sở nghiên cứu khoa học chất lượng cao của thành phố còn hạn chế; nhiều vấn đề mới phát sinh đòi hỏi phải thường xuyên đổi mới, hoàn thiện chính sách cũng như đầu tư nguồn lực về tài chính và con người mới có thể đảm trách nhiệm vụ. Công tác nghiên cứu khoa học đòi hỏi nhiều nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất (trang thiết bị, phòng thí nghiệm, hệ thống thông tin, dữ liệu khoa học...), trong khi điều kiện của thành phố và tại từng đơn vị thí điểm chưa theo kịp yêu cầu.
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài có hạn chế trong kết nối thông tin với các đơn vị quản lý nhà nước cũng như nhu cầu thực tế áp dụng khoa học và công nghệ trong quản lý, phát triển kinh tế của thành phố. Một số chuyên gia sau khi được thu hút và làm việc lâu năm chưa có cơ hội được trình bày tâm tư, nguyện vọng và đề xuất, hiến kế về những chính sách, chiến lược tổng thể liên quan đến đãi ngộ và phát triển nhân tài cho các ngành, lĩnh vực của Thành phố.
Chính sách trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao hiện chưa đủ sức hấp dẫn thu hút tài năng trẻ được đào tạo bài bản trong và ngoài nước; chế độ chính sách chưa tạo được môi trường tốt thu hút học viên phục vụ lâu dài…
Có chế độ hỗ trợ trí thức bên cạnh chính sách tiền lương và nhà ở
Phát biểu tại buổi khảo sát, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, Thành phố luôn xác định sự phát triển của mình phải dựa trên nền tảng tri thức, trong đó lực lượng trí thức đóng vai trò quan trọng. Điều này đã được thể hiện rất rõ ngay sau Giải phóng. Lực lượng trí thức đã hiện diện trên tất cả lĩnh vực như KHCN, văn học nghệ thuật, kinh tế, văn hóa, xã hội, trong công tác hành pháp, tư pháp. Kể cả việc hình thành các chủ trương, chính sách của Đảng bộ Thành phố từ các nghị quyết của Trung ương cũng có sự góp sức của đội ngũ trí thức.
"Có thể khẳng định, cấp ủy, chính quyền Thành phố luôn xác định đúng vai trò và phát huy đội ngũ trí thức, ngược lại, đội ngũ trí thức cũng nhận thức được trách nhiệm của mình và đóng góp rất tích cực để xây dựng và phát triển Thành phố. TPHCM được như ngày hôm nay có phần đóng góp quan trọng của đội ngũ trí thức", ông Mãi khẳng định.
Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền Thành phố cũng thừa nhận, so với tiềm năng của TPHCM thì thời gian qua, lãnh đạo Thành phố chưa làm thật tốt việc kết nối và phát huy giá trị của các trí thức. Đây là một trong những hạn chế của việc thực hiện Nghị quyết 27 trên địa bàn và trong thời gian tới cần phải khắc phục.
Theo đó, ông Mãi cho biết Thành phố sẽ tập trung xây dựng, phát huy đội ngũ tri thức trên nền tảng triển khai các mục tiêu phát triển của Thành phố. Cụ thể, sẽ đề ra những chương trình đột phá thông qua các chương trình, các đề án như bài toán lớn và huy động đội ngũ trí thức tham gia giải bài toán lớn này. Ngoài ra, có các hình thức tôn vinh trí thức hay các chế độ có liên quan đến việc hỗ trợ để các trí thức có thể tham gia nhiều hơn vào các hoạt động khoa học bên cạnh chính sách về tiền lương và nhà ở.
Phát biểu kết luận cuộc giám sát, Trung tướng Trịnh văn Quyết đánh giá, qua nghiên cứu báo cáo cũng như ý kiến của đại biểu, có thể nhận thấy TPHCM đã triển khai Nghị quyết 27 rất quyết liệt, cụ thể. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những điểm tồn tại, hạn chế. Những vấn đề này không chỉ có TPHCM gặp phải mà là vấn đề chung của các địa phương trên cả nước.
Đối với những kiến nghị đề xuất, đoàn công tác sẽ tiếp thu để cụ thể hóa, tổng hợp trong báo cáo chung trình Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết.
Vũ Phong