Cần một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sát với thực tiễn

18/01/2022 3:16 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 18/1, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Sở Công Thương TPHCM tổ chức hội thảo “Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại trong bối cảnh COVID-19”.

Tăng cường tạo thuận lợi thương mại hỗ trợ DN xuất khẩu - Ảnh 1.

Hội thảo “Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại trong bối cảnh COVID-19. Ảnh: VGP/Lê Anh

Theo đánh giá của Sở Công Thương TPHCM, do tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) Thành phố năm 2021 chỉ đạt 44,9 tỷ USD, tăng 1% so với năm trước. Hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Thành phố đều có kim ngạch giảm như: Trung Quốc giảm 8,7%, Hoa Kỳ giảm 2,3%, Nhật Bản giảm 14,7% và EU giảm 0,8%...

Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, trong thời gian qua ngành công thương Thành phố đã nỗ lực tổ chức triển khai thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp như: Tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu năm 2021;  chương trình kết nối Ngân hàng và doanh nghiệp để hỗ trợ cho doanh nghiệp vay tín dụng với mức lãi suất ưu đãi nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; Triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể về Đề án Phát triển ngành Logistics trên địa bàn Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;  Phê duyệt Đề án phát triển xuất khẩu trên địa bàn Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…

Đặc biệt, đề án phát triển xuất khẩu trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu bình quân 9,5%/năm trong giai đoạn 2021-2025 và 9%/năm trong giai đoạn 2026-2030. Kim ngạch xuất khẩu của Thành phố đến năm 2025 ước đạt 70 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 108 tỷ USD.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam cho biết, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của các doanh nghiệp tại TPHCM. USAID thông qua dự án USAID TFP luôn xem TPHCM là đối tác chiến lược trong các hoạt động tạo thuận lợi thương mại. Thời gian qua, dự án USAID TFP đã triển khai các báo cáo "Cải thiện hoạt động thương mại và logistics tại cảng Cát Lái và khu vực lân cận tại TPHCM", tổ chức các hoạt động đào tạo liên quan đến xuất xứ hàng hóa trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết. Các hoạt động này có nét tương đồng với các giải pháp của "Đề án phát triển xuất khẩu trên địa bàn Thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Bà Ann Marie Yastishock cho biết, trong thời gian tới, Dự án USAID TFP tiếp tục phối hợp cùng Sở Công Thương TPHCM sẽ có những hoạt động đóng góp vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong thương mại quốc tế. Cụ thể, USAID thông qua Dự án USAID TFP mong muốn được tiếp tục hỗ trợ TPHCM triển khai các sáng kiến tạo thuận lợi thương mại ở cấp địa phương nhằm mang lại các lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như nâng cao năng lực cho cơ quan hải quan và các sở ban ngành

Cần một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sát với thực tiễn

Tại hội thảo, theo nhận định của đại diện các hiệp hội DN Thành phố, hiện nay công tác kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn Thành phố đang được triển khai tốt nhưng hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp vẫn còn gặp những khó khăn trong quá trình phục hồi. Các vấn đề về nhân công, tài xế, kho bãi, giá cước vận tải biển tăng cao, tình trạng thiếu hụt container, thiết bị bốc dỡ và tàu chuyên chở vẫn đang khiến các chuỗi cung ứng đối mặt áp lực lớn. Đặc biệt, các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Thành phố nói riêng, Việt Nam nói chung đang có xu hướng tăng cường áp dụng nhiều pháp để phòng chống dịch, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.

Ở góc độ vĩ mô, Hội Lương thực, thực phẩm Thành phố, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ kiến nghị Chính phủ sớm ban hành một chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế với các chính sách được thiết kế khoa học, sát với nhu cầu, điều kiện của các DN, có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và DN xây dựng phương án phục hồi và phát triển năm 2022 và những năm tới.

Về giải pháp căn cơ, lâu dài, theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM, cần phải tổ chức sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, các ngành công nghiệp hỗ trợ khác. Phát triển chuỗi dịch vụ logistics, hệ thống kết nối dữ liệu, thương mại điện tử đáp ứng nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn, quy định của nước nhập khẩu. Đảm bảo các chuỗi sản xuất nông nghiệp, cung ứng hàng xuất khẩu đủ mạnh, thích ứng, không bị đứt gãy.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Lựa chọn một số mặt hàng tiềm năng để thiết kế và thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại riêng cho các mặt hàng này vào các thị trường có nhu cầu phù hợp.

Đẩy mạnh việc tham gia và thực hiện các thủ tục về thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, như tăng cường ký kết các thỏa thuận hợp tác  hoặc công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam và các nước đối tác có ký hiệp định thương mại (FTA) với Việt Nam.

Lê Anh

Top