Cần xây dựng đề án số hóa các số liệu thống kê
(Chinhphu.vn) - Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Cục Thống kê cần chủ động xây dựng đề án số hóa các số liệu thống kê. Hiện nay, các tổ chức quốc tế rất quan tâm đến số hóa và rất nhiều tổ chức quốc tế đến với TPHCM mong muốn được tham gia hỗ trợ tài chính, hỗ trợ năng lực, đội ngũ để làm công tác số hóa.
Chiều 15/6, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2021. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Thành phố chủ trì Hội nghị.
Báo cáo Tổng kết Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên địa bàn Thành phố, ông Trần Phước Tường, Phó Trưởng Ban Thường trực, Phó Cục trưởng Cục Thống kê cho biết, thực hiện Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức tổng điều tra kinh tế năm 2021, đây là cuộc điều tra có quy mô lớn, có tính chất phức tạp, phạm vi điều tra rộng, có liên quan đến nhiều đối tượng, đặc biệt càng phức tạp đối với thành phố lớn như TPHCM với số lượng cơ sở kinh tế chiếm hơn 30% số lượng của cả nước, vậy nên công tác chuẩn bị được thực hiện chu đáo.
Cục Thống kê Thành phố đã tham mưu cho UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3558/QĐ-UBND ngày 29/9/2020 về việc thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 Thành phố.
Theo đó, Ban Chỉ đạo Thành phố gồm 20 thành viên do ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng ban; 01 đồng chí lãnh đạo Cục Thống kê Thành phố làm Phó Trưởng Ban Thường trực; 01 đồng chí lãnh đạo Sở Nội vụ làm Phó Trưởng Ban.
Căn cứ Phương án Tổng điều tra của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Thành phố đã xây dựng các kế hoạch phân công các nhóm công tác tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021; kế hoạch tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên địa bàn Thành phố; kế hoạch phân công giám sát tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021; kế hoạch công tác tuyên truyền trong tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 trên địa bàn; kế hoạch điều tra doanh nghiệp năm 2021; kế hoạch điều tra cơ sở hành chính năm 2021 trên địa bàn; kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021; kế hoạch điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể năm 2021.
Với sự chỉ đạo sát sao của ban chỉ đạo các cấp, sự nỗ lực của tất cả các giám sát viên, điều tra viên đã góp phần hoàn thành tốt việc thu thập thông tin, kết quả đạt được: Tổng số doanh nghiệp là 216.170 đơn vị, tăng 26,2 % so với năm 2016; Tổng số hợp tác xã là 458 đơn vị, tăng 16,5 % so với năm 2016; Tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể là 387.406 cơ sở, giảm 14,5 % so với năm 2016; Tổng số đơn vị sự nghiệp, hiệp hội là 3.147 đơn vị, giảm 32,7% so với năm 2016; Tổng số cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng là 2.381 cơ sở, tăng 3,7% so với năm 2016.
Lập quy trình hóa từ cơ sở số hóa
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan, Trưởng Ban Chỉ đạo gửi lời cảm ơn các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, ban chỉ đạo các quận, huyện và TP. Thủ Đức đã có nhiều nỗ lực và rất vất vả để vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.
"Trong 6 kỳ tổng điều tra thì kỳ tổng điều tra thứ 6 này đối với TPHCM được thực hiện trong hoàn cảnh rất đặc biệt. Chúng ta vừa làm vừa chống dịch để bảo vệ sức khỏe của người dân Thành phố, để bảo vệ sức khỏe của nền sản xuất của Thành phố; để làm tốt công tác an sinh xã hội, làm sao mọi người dân Thành phố trong hoàn cảnh dịch bệnh vẫn sống tốt, sống khỏe, vẫn tiếp tục chuẩn bị cho những phương án sau dịch", Phó Chủ tịch UBND Thành phố bày tỏ.
Theo ông Võ Văn Hoan, tổng điều tra kinh tế và điều tra các đơn vị hành chính sự nghiệp là hoạt động rất có ý nghĩa. Chúng ta có những tài liệu, những văn kiện rất dài nhưng nếu không có những con số thống kê và không có biện pháp so sánh với những kỳ thống kê trước đây thì chắc chắn không thể định hình được xu thế phát triển, những vấn đề vướng mắc gặp phải, những khuyết điểm, những nguyên nhân và không thể xây dựng được những giải pháp để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Thành phố.
Thành tựu phát triển kinh tế-xã hội Thành phố được nhìn lại thông qua những con số thống kê, đây là những con số biết nói, những có số biểu cảm nếu chúng ta biết cách khai thác và sử dụng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Thành phố khẳng định và cho biết thêm, công việc có thể đã hoàn thành nhưng khai thác và sử dụng nó còn quan trọng hơn bao giờ hết. Cục Thống kê cần huy động lực lượng những chuyên gia để cùng thảo luận những con số thống kê, cùng đối chiếu, so sánh với các kỳ thống kế trước, để từ đó đưa ra những mô hình phát triển của Thành phố trong tương lai.
Ông Võ Văn Hoan cũng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo chăm chút từng việc một, từng lĩnh vực một, từng nội dung, tập trung nghiên cứu sâu hơn, giúp cho các địa phương có đánh giá sơ bộ về định hướng phát triển, đưa ra những khuyến nghị, giải pháp, cách thức vượt qua khó khăn để phát triển trong thời gian tới.
"Tôi rất mong các đồng chí ở Cục Thống kê Thành phố có kế hoạch tham mưu UBND Thành phố để triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau khi chúng ta làm công tác tổng điều tra và có được báo cáo phân tích đầy đủ về các số liệu thống kê, trong đó có nhiệm vụ của Cục Thống kê, có nhiệm vụ của các cơ quan như Sở Nội vụ, Sở KH&ĐT, các địa phương, cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện, càng kỹ lưỡng càng tốt để mỗi người trong chúng ta đều lấy nó làm thước đo, làm cơ sở tự tin, khẳng định mình, là cơ sở để chúng ta quyết tâm đưa ra các giải pháp để thực hiện.
Nếu không làm những việc này, dù có số liệu thống kê tốt mà các ngành, các cấp không chuyển đổi, không có hành động cụ thể thì số liệu thống kê không có giá trị.
Khi đó chúng ta lãng phí về mặt thời gian, vật chất và lãng phí vì đã tốn quá nhiều sức cho công tác điều tra", ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Một việc rất quan trọng nữa, theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Cục Thống kê cần chủ động xây dựng đề án số hóa các số liệu thống kê. Hiện nay, các tổ chức quốc tế rất quan tâm đến số hóa và rất nhiều tổ chức quốc tế đến với TPHCM mong muốn được tham gia hỗ trợ tài chính, hỗ trợ năng lực, đội ngũ để làm công tác số hóa.
Ông Võ Văn Hoan bày tỏ mong muốn các ngành của Thành phố, đặc biệt là 4 ngành trong khối đô thị sẽ số hóa trước, ngoài ra Cục Thống kê cũng tham gia, để Thành phố có dữ liệu lớn và trên cơ sở số hóa đó, sẽ lập quy trình hóa bởi quy trình hóa là cơ sở để triển khai việc tổ chức, khai thác và vận hành có hiệu quả các số liệu mà Thành phố đang có.
Anh Thơ