Cập nhật xu hướng tiêu dùng và ứng dụng công nghệ số để xây dựng thương hiệu

07/01/2023 9:41 AM

(Chinhphu.vn) - Xây dựng thương hiệu đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây do chuyển đổi số. Với sự cập nhật công nghệ liên tục trong ngành quảng cáo, doanh nghiệp phải nhanh chóng tìm hiểu, nắm bắt và áp dụng những chiến thuật mới để không bị bỏ lại phía sau.

Cập nhật xu hướng tiêu dùng và ứng dụng công nghệ số để xây dựng thương hiệu  - Ảnh 1.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM chia sẻ về việc xây dựng thương hiệu cho các DN. Ảnh: VGP/Mỹ Phương

Đây là nhận định được nhiều chuyên gia đưa ra tại hội thảo "xây dựng thương hiệu trường tồn", do Sở Công Thương TPHCM phối hợp cùng Viện Kinh doanh quốc tế (ISB) thuộc Đại học Kinh tế TPHCM tổ chức ngày 6/1.

Kết quả khảo sát của NielsenIQ Việt Nam gần đây cho thấy, thói quen tiếp cận các kênh truyền thông đã thay đổi. Tại Việt Nam, Facebook, Zalo và Youtube là 3 kênh truyền thông phổ biến nhất với tất cả nhóm tuổi.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, trong thời điểm khó khăn, việc tiếp cận gần gũi và thấu hiểu khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt những cơ hội phát triển. Cùng đó, bám sát thị trường, linh hoạt và thích nghi là các yếu tố then chốt để thương hiệu trường tồn.

Đi sâu vào vấn đề thương hiệu của DN, các chuyên gia cũng cho rằng, xây dựng thương hiệu chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Đặc biệt, làm sao để người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn và yêu thích thương hiệu luôn là một bài toán phức tạp.

Thực tế cho thấy, một thương hiệu tốt là thương hiệu có độ nhận diện rộng rãi, nhưng hiện nay chỉ dừng lại ở nhận biết thôi là chưa đủ. Đồng thời, mức cao hơn của thương hiệu có nhận biết tốt là thương hiệu được yêu mến.

Chia sẻ về vấn để này, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho rằng, một trong những vấn đề hiện nay là doanh nghiệp (DN) Việt phải cạnh tranh với những thương hiệu toàn cầu với cả trăm năm kinh nghiệm và danh tiếng.

Đối với các DN Việt Nam, việc phát triển thương hiệu cần có mục tiêu và sứ mệnh rõ ràng. Đồng thời, thương hiệu được xây dựng không nên chỉ vì lợi nhuận doanh nghiệp mà còn hướng đến lợi ích cộng đồng. Sự phát triển theo hướng bền vững này sẽ tỷ lệ thuận với sự phát triển của xã hội, nên vô hình chung, người tiêu dùng nói riêng và xã hội nói chung sẽ yêu mến, ủng hộ thương hiệu.

Những thương hiệu nhỏ hay mới xuất hiện cần có sứ mệnh cụ thể để nhanh chóng giành được thiện cảm từ người tiêu dùng, hay từng bước tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. "Đặc biệt, đối với thương hiệu đã phát triển vững mạnh nhiều năm trong nước thì phải sẵn sàng để vươn mình ra thị trường quốc tế. Đưa thương hiệu Việt phát triển toàn cầu sẽ giúp ích trong việc nâng cấp hình ảnh Việt Nam trên thị trường quốc tế" ông Vũ nhấn mạnh

Theo bà Đặng Thuý Hà, Giám đốc nghiên cứu hành vi khách hàng, NielsenIQ Việt Nam, những lợi thế khi sở hữu thương hiệu mạnh là có thể tăng doanh số (thị phần), khả năng gia tăng hiệu quả truyền thông bởi các quảng cáo của họ được ghi nhớ tốt hơn.

Hơn thế nữa, thương hiệu mạnh có nhiều khách hàng trung thành, ít bị tác động từ những hoạt động marketing của đối thủ; có thể đặt mức giá cao hơn đối thủ do có lợi nhuận cao hơn. Thương hiệu mạnh sẽ có sự hợp tác và hỗ trợ tốt hơn từ mạng lưới đại lý, đối tác, có thể giới thiệu nhiều sản phẩm hơn...

Cập nhật xu hướng tiêu dùng và ứng dụng công nghệ số để xây dựng thương hiệu  - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trao giải “ Thương hiệu Vàng TPHCM” lần 3 cho 45 DN. Ảnh: VGP/ MP

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và tổ chức trong nước cũng như quốc tế, dự báo năm 2023, nền kinh tế toàn cầu có thể nhiều thách thức hơn năm 2022, do đó, các DN Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng với những thương hiệu phát triển bền vững thì DN Việt Nam nói chung và DN tại TPHCM nói riêng sẽ tiếp tục nỗ lực bứt phá trong năm mới, tận dụng cơ hội, " biến nguy thành cơ"

Từ trăn trở, mong muốn có những thương hiệu Thành phố lớn mạnh, trở thành thương hiệu quốc gia, thương hiệu được biết đến trên thị trường quốc tế được khai sinh từ TPHCM - Trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước; Giải thưởng "Thương hiệu Vàng TPHCM" được Thành phố phát động lần đầu tiên từ năm 2020. Đến nay, qua 03 lần tổ chức, Thành phố đã có được những thương hiệu uy tín, tiêu biểu từ các lĩnh vực, ngành nghề đại diện cho 04 ngành công nghiệp trọng yếu và 09 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố.

Tại buổi Lễ trao giải Thương hiệu Vàng TPHCM lần 3 diễn ra vào tối ngày 6/1, TPHCM đã tôn vinh 45 thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp đạt giải thưởng "Thương hiệu Vàng TPHCM" với những hoạt động kinh doanh nổi bật và có nhiều nỗ lực trong xây dựng và phát triển thương hiệu quy tụ hơn 36.000 lao động và doanh thu đạt khoảng hơn 333.000 tỷ đồng cùng nhiều đóng góp trong hoạt động an sinh xã hội của Thành phố.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh: Giải thưởng đồng thời là minh chứng cho những nỗ lực của doanh nghiệp dưới sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền thành phố và cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng thương hiệu mạnh của thành phố, góp phần vào quá trình xây dựng hình ảnh của một trung tâm kinh tế năng động, khẳng định uy tín và tạo bước tiến mới cho quá trình mở rộng sang thị trường quốc tế của thành phố.

Lê Anh

Top