Chỉ điều chỉnh biện pháp phòng, chống khi ngăn được COVID-19 lây lan

25/07/2021 3:00 PM

(Chinhphu.vn) - Thông tin này được Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi nêu tại cuộc họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch và phòng chống COVID-19 trên địa bàn, sáng 25/7.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM phát biểu tại họp báo. Ảnh: VGP/Băng Tâm

Tại cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi cho biết đến nay TPHCM đã trải qua 55 ngày giãn cách xã hội theo các cấp độ, gồm: Chỉ thị 15 của Thủ tướng đến Chỉ thị 10 của Thành phố, Chỉ thị 16 của Thủ tướng và nay là siết chặt Chỉ thị 16.

Theo ông Mãi, tình hình diễn biến phức tạp, khó lường có nguyên nhân từ việc người dân không thực hiện nghiêm việc giãn cách và việc kiểm soát của cơ quan chức năng. Hiện nay ở một số địa bàn còn diễn ra việc tiếp xúc, giao lưu với nhau.

Do vậy, thời gian tới TPHCM sẽ siết chặt các quy định giãn cách xã hội. Người dân tuyệt đối ở nhà, chỉ ra ngoài khi có công việc thiết yếu. UBND Thành phố sẽ có văn bản hướng dẫn quy định về nhóm người với các nhiệm vụ khác nhau được ra đường.

"Ngày mai (26/7), UBND TPHCM sẽ có văn bản quy định đối tượng, nhiệm vụ, thời gian việc di chuyển ngoài đường. Cũng có thể sẽ giới hạn ở khung giờ nhất định nào đó. Ví dụ sau 18h thì những hoạt động nào không được thực hiện. Đây là những biện pháp TPHCM sẽ triển khai thời gian tới", ông Phan Văn Mãi nói.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi, khi việc ra đường bị giới hạn, Thành phố sẽ tăng cường cung ứng hàng hóa, hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn. Chính quyền cũng sẽ xử lý tốt hơn các tình huống y tế khẩn cấp mà người dân yêu cầu. Điều này đã có sự thảo luận, phân công, tăng cường nhân lực để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của người dân.

"Việc siết chặt Chỉ thị 16 được thực hiện đến ngày 1/8, nhưng có thể có độ trễ 1-2 tuần để các biện pháp đủ thời gian phát huy tác dụng. Khi nào ngăn được sự lây lan và phát tán của dịch bệnh, Thành phố mới tuyên bố kết thúc hoặc điều chỉnh cấp độ thực hiện các biện pháp", ông Mãi nói và cho biết Thành phố đã tính tới tình huống xấu hơn là khởi động phương án số 3 đã dự liệu.

Trước đó, TPHCM đã đưa ra 3 phương án sau khi hết thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16. Trong đó phương án thứ 3 là tình huống xấu nhất khi dịch bệnh gia tăng mạnh mẽ, mất kiểm soát. Lúc này TPHCM sẽ có phương án quyết liệt về phong toả, thậm chí phải sử dụng thêm những biện pháp mạnh khác.

Trước đó, tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cũng nhận định thời gian qua đã triển khai biện pháp đồng bộ nhưng vẫn chưa đủ sức kiểm soát dịch bệnh trước những diễn biến phức tạp, lây lan nhanh của biến chủng Delta.

Do đó, cần triển khai các biện pháp mạnh hơn, nghiêm hơn nữa, trong đó cần siết chặt kỷ cương, kêu gọi người dân cùng chung tay tuân thủ các biện pháp phòng dịch.

Thông tin về việc Thành phố cho Tập đoàn Vingroup mượn 5.000 liều vaccine, Phó Chủ tịch UBND TPJCM Dương Anh Đức cho biết Tập đoàn Vingroup huy động lực lượng lớn hỗ trợ Thành phố trong công tác chống dịch. Tập đoàn cũng là đơn vị tài trợ kinh phí cho cả nước và Thành phố, bao gồm cả kinh phí hỗ trợ quỹ mua vaccine COVID-19.

Tại TPHCM, Tập đoàn Vingroup đã tài trợ hơn 2.000 máy thở chức năng cao, là thiết bị mà các bệnh viện ở Thành phố đang cần. Theo ông Đức, nhiều lực lượng của Tập đoàn Vingroup có tiêu chuẩn tiêm vaccine nhưng do điều kiện chưa sẵn sàng nên đề nghị hỗ trợ 5.000 liều để tiêm khẩn cấp cho lực lượng đang tham gia trực tiếp tại Thành phố trong tất cả các khâu như logictics, xét nghiệm.

Ông Đức cũng thông tin thêm, Vingroup ngoài hỗ trợ trang thiết bị y tế còn hỗ trợ đội ngũ nhân viên y tế, sinh phẩm, máy móc xét nghiệm với công suất hàng chục ngàn test đơn cho Thành phố.

Từ nhu cầu đó, Thành phố hỗ trợ Tập đoàn Vingroup mượn vaccine trước để tiêm cho các lực lượng này. “Chúng tôi nghĩ rằng đây là việc hợp tình, hợp lý và phục vụ trực tiếp cho công tác phòng chống dịch của Thành phố”, ông Đức nói.

Băng Tâm
Top