Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 của TPHCM tăng 0,4%

03/08/2022 7:40 PM

(Chinhphu.vn) - Cục Thống kê TPHCM vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022. Theo đó, CPI tháng 7 tăng 0,4% so với tháng trước. Nhìn chung, giá các mặt hàng vẫn ở xu hướng tăng nhưng tốc độ chậm lại.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 của TPHCM tăng 0,4% - Ảnh 1.

CPI tháng 7 tăng 0,4% so với tháng 6 - Ảnh: VGP/Lê Anh

Theo kết quả công bố, có 9/11 nhóm tăng so với tháng trước, tăng cao nhất là nhóm bưu chính viễn thông (+1,83%), kế đến là nhóm văn hóa - giải trí - du lịch (+1,74%).

Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,13%. Trong đó, nhóm lương thực tăng 0,12%; nhóm thực phẩm tăng 1,17%% trong đó thịt gia súc tăng 1,78%, trứng các loại tăng 1,59%, thịt gia cầm tăng 1,58%. Nhìn chung, giá các mặt hàng vẫn ở xu hướng tăng nhưng tốc độ chậm lại; riêng dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng cao hơn mức tăng tháng trước, ở mức 1,25%.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,65%. Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 0,28%, chủ yếu tập trung giá dịch vụ sữa chữa nhà tăng 1,69%, vật liệu bảo dưỡng nhà tăng 0,13%, nước sinh hoạt tăng 1,08%. Riêng giá nhóm gas và các loại chất đốt giảm 1,44%.

Đặc biệt nhóm giao thông giảm 2,83%, chủ yếu do nhóm nhiên liệu giảm 7,31% sau ba lần điều chỉnh giảm giá xăng trong tháng 7.

Theo Sở Công Thương TPHCM, hoạt động thương mại dịch vụ tháng 7 trên địa bàn duy trì ổn định, nối tiếp đà phục hồi từ đầu năm, không biến động nhiều so với tháng trước. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt khoảng 100.320 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 139,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 42,2%). Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 656.119 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.

Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại các hệ thống phân phối và các cơ sở sản xuất kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp và tiểu thương tại các chợ chịu tác động của dịch bệnh, triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình Bình ổn thị trường năm 2022, tổ chức kết nối doanh nghiệp phân phối của Thành phố với nguồn hàng tại các địa phương nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, ổn định thị trường.

Ghi nhận thực tế tại thị trường TPHCM , giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đang có tín hiệu "hạ nhiệt" ở một số nhóm mặt hàng hoặc có giá bán bình ổn thông qua chương trình khuyến mãi, giảm giá tại các hệ thống phân phối, siêu thị trên địa bàn Thành phố.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Vận hành chuỗi Co.opmart, diễn biến giảm giá xăng dầu liên tục trong hơn 1 tháng qua đã góp phần giúp nhà phân phối kìm hãm được đà tăng giá hàng hóa. Tuy nhiên, do doanh nghiệp phải nhập, trữ nguyên liệu từ nhiều tháng trước nên khó có thể giảm giá ngay theo nhịp điệu giảm giá xăng. Ông Thắng cho biết, ngay khi Thủ tướng có công điện chỉ đạo về việc kiểm soát giá hàng hóa sau khi giá xăng dầu giảm, Coopmart đã gửi văn bản đề nghị nhà cung cấp tính toán lại chi phí để có mức giá phù hợp hơn.

Lê Anh

Top