Chiến dịch Mậu Thân 1968: Các anh nằm xuống cho vẹn tròn Tổ quốc hôm nay

06/01/2023 9:44 AM

(Chinhphu.vn) - Những chàng trai cô gái biệt động Sài Gòn năm xưa đã bước vào tuổi xưa nay hiếm nhưng kí ức của những ngày tháng ấy - cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968 luôn ở đó trong tim họ.

Chiến dịch Mậu Thân 1968: Các anh nằm xuống cho vẹn tròn Tổ quốc hôm nay - Ảnh 1.

Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu (giữa) cùng hai chiến sĩ biệt động Sài Gòn: bà Vũ Thị Minh Nghĩa và ông Nguyễn Văn Thừa - Ảnh: VGP/Huy Phạm

Nhân kỉ niệm 55 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ngày 5/1 tại đường sách TPHCM đã diễn ra buổi gặp gỡ trò chuyện cùng ba nhân chứng lịch sử: Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu cùng hai chiến sĩ biệt động Sài Gòn: Bà Vũ Thị Minh Nghĩa và ông Nguyễn Văn Thừa. 

Anh hùng lực lượng vũ trang, Đại tá Nguyễn Văn Tàu (biệt danh Tư Cang) năm nay đã 95 tuổi. 55 năm về trước, Tư Cang là cái tên khét tiếng của tình báo miền Nam Việt Nam, gây nên nỗi ám ảnh với Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hoà, khiến họ ráo riết săn lùng. Tuy nhiên, hồ sơ về ông chỉ vẻn vẹn mơ hồ vài dòng chữ, không hình ảnh, không địa chỉ, không người thân.

Bước đi của người lính tình báo năm nào đã không còn nhanh nhẹn, nhưng sự minh mẫn, ánh mắt ấy vẫn sáng ngời khi nhớ về những kí ức của 55 năm về trước. "Nghị quyết Quang Trung ra đời vào giữa năm 1967 đề ra 3 mục tiêu: một là nếu ngon lấy Sài Gòn luôn, hai là đánh tiêu hao sinh lực địch, ba là đánh sập ý chí xâm lược của Mỹ", ông Tư Cang nói ngắn gọn.

Ngày 30 Tết, được cấp trên kêu lên nhận chỉ thị, ông chạy xe Honda về tới Trảng Bàng thì thấy Mỹ giăng xe tăng ra rồi. "Tôi xuống xe hỏi có cam kết hai bên 3 ngày bình yên để nhân dân đón Tết kia mà. Lính Mỹ nói ngoài kia tụi nó đánh Huế rồi, trong này phải chuẩn bị. Tôi giật mình, tại sao trong lại đánh trước? Nếu mất yếu tố bất ngờ làm sao đánh? Nhưng đó là trận đòn đau với Mỹ", Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu nhớ lại.

Vị Đại tá tình báo nói rằng ông may mắn còn được về nhà, được gặp lại vợ con dù thời gian ấy có dài đằng đẵng nhưng còn bao nhiêu đồng đội ông đã vĩnh viễn nằm lại nơi rừng xanh, nơi hầm sâu, góc phố, rừng thẳm… chưa được về bên gia đình. Những trận đánh hi sinh cả một trung đoàn, không còn một người…

Câu chuyện người phụ nữ duy nhất còn sống trong chiến dịch Mậu Thân 1968 - người được giao nhiệm vụ giữ chắc súng, giả làm thường dân chạy loạn trở về báo cáo chỉ huy "trung đoàn 31 đã hoàn thành nhiệm vụ" khiến nhiều người có mặt rơi nước mắt. 

Chiến đấu đến viên đạn cuối cùng

Trận đánh Dinh Độc Lập vào rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân 1968 là kí ức không thể nào quên với nữ biệt động Sài Gòn Chính Nghĩa, tên thật là Vũ Thị Minh Nghĩa.

Bà là một trong 15 chiến sĩ biệt động đi trên 3 xe tải nhỏ và 2 xe máy tiến vào cổng sau Dinh Độc Lập, trong 15 người chỉ có một người phụ nữ duy nhất là Chính Nghĩa. "Trước khi hành quân, chúng tôi đều tuyên thệ sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng dù phải hi sinh", bà Chính Nghĩa bồi hồi nhớ lại.

Không có sự tiếp viện, bị địch truy sát, đói khát suốt một ngày nhưng những chiến sĩ biệt động Sài Gòn vẫn quyết liệt chống trả, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của quân đội Mỹ.

Chiến dịch Mậu Thân 1968: Các anh nằm xuống cho vẹn tròn Tổ quốc hôm nay - Ảnh 3.

Người dân xúc động khi nhìn lại những hình ảnh, câu chuyện tại đường sách TPHCM về cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Ảnh: VGP/Huy Phạm

Thực tế Mậu Thân đợt 1, các điểm không có sự tiếp viện vì quân chủ lực không vào được Thành phố. Tới sáng mùng 3 Tết, không còn vũ khí trong tay, bị địch truy sát, tất cả mọi người đều bị thương.

"Khi đội trưởng bị thương, trong tay tôi không còn 1 viên thuốc cầm máu, không còn 1 cuộn băng, tôi dùng khăn rằn băng lại cho anh nhưng anh bảo vết thương anh nặng, để khăn rằn lại băng cho anh em. Anh nói, anh không cùng các em đi trọn con đường được, nhưng các em cố gắng bám trận địa chờ lực lượng tiếp viện. Sau đó anh gục xuống trên vai tôi…" nữ biệt động nghẹn ngào nhớ lại. 

Chiến dịch Mậu Thân 1968: Các anh nằm xuống cho vẹn tròn Tổ quốc hôm nay - Ảnh 5.

Đông đảo những người lính có mặt tại đường sách 5/1 dự lễ kỷ niệm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Ảnh: VGP/Huy Phạm

Cùng dự buổi kỷ niệm, ông Nguyễn Văn Thừa trầm ngâm nhớ lại ngày tham gia lực lượng biệt động thành ông mới ngoài 20 tuổi. Bắt đầu tham gia 1/1968, qua quá trình rèn luyện ông mới chính thức được sắp xếp vào lực lượng chuẩn bị cho Tổng tiến công Tết Mậu Thân đợt 2. Ông nhận lệnh cùng các đồng chí vào khu vực nhà nghèo để ém quân. Ngôi nhà nhỏ ém gần 20 người có đầy đủ vũ khí.

"Đêm 5/5 là đêm ám ảnh. Đêm ấy pháo sáng rực trời. bộ đội chủ lực đã hoàn thành nhiệm vụ, tôi và hai đồng đội hướng dẫn bộ đội ra ngoài vùng ven để về đơn vị. Cũng đêm đó, tôi vĩnh viễn mất 2 người bạn chiến đấu. Họ không chỉ là bạn, họ còn là người thân của tôi. Một người tới nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt", chiến sĩ biệt động lặng người.

Chiến tranh đã đi qua, Bắc Nam đã nối liền một dải, nhắc lại quá khứ để không quên lịch sử, nguồn cội, để nhắc nhớ thế hệ hôm nay và mai sau rằng hàng triệu cha anh đã nằm xuống để đổi lấy độc lập, vẹn tròn cho Tổ quốc hôm nay.

Huy Phạm

Top