Chính sách tiền tệ chặt chẽ nhưng phải linh hoạt và đúng trọng tâm

12/01/2023 1:40 PM

(Chinhphu.vn) - "Chúng tôi hiểu là phải kiểm soát dòng tiền để hạn chế lạm phát nhưng tiền phải 'chạy' được vào đúng nơi cần. Chính sách tiền tệ chặt chẽ nhưng cũng phải linh hoạt và đúng trọng tâm", Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.

Chính sách tiền tệ chặt chẽ nhưng phải linh hoạt và đúng trọng tâm - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Sáng 12/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh TPHCM tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cảm ơn ngành ngân hàng Thành phố đã luôn đồng hành, chia sẻ, tư vấn để giúp cho hoạt động phục hồi của Thành phố đạt kết quả tốt. Trong đó, sự kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp diễn ra rất tích cực và hiệu quả. "Nếu không có sự đồng hành của ngành ngân hàng để đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh thì sự phục hồi và phát triển của TPHCM thời gian vừa qua sẽ không thể đạt được kết quả như thế", người đứng đầu chính quyền Thành phố khẳng định.

Đối với việc triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng Thành phố trong năm mới, ông Mãi cũng nêu ra một số yêu cầu, kiến nghị.

Theo ông, TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước nên nguồn vốn để sản xuất kinh doanh là rất quan trọng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, để kiểm chế lạm phát và thắt chặt kỷ cương, hạn chế sai phạm, chính sách tiền tệ trở nên quá thắt chặt.

"Chúng tôi hiểu là phải kiểm soát dòng tiền để hạn chế lạm phát nhưng tiền phải 'chạy' được vào đúng nơi cần. Chính sách tiền tệ chặt chẽ nhưng cũng phải linh hoạt và đúng trọng tâm", Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh và đề nghị, NHNN, các ngân hàng thương mại có định hướng để các ngân hàng trên địa bàn Thành phố tập trung nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh, giúp TPHCM tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế.

Chính sách tiền tệ chặt chẽ nhưng phải linh hoạt và đúng trọng tâm - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Ngoài sản xuất kinh doanh, ông Mãi cho rằng, cũng cần tập trung tín dụng cho tiêu dùng, mà đối tượng ở đây là công nhân và sinh viên. Việc hỗ trợ nhu cầu tín dụng tiêu dùng cho 2 đối tượng này là cách để đảm bảo về 'an sinh' và cả về 'an ninh' bởi nếu giải quyết được nhu cầu này một cách căn cơ thì sẽ hạn chế được hoạt động của tín dụng 'đen'.

Một vấn đề quan trọng không kém nữa, theo người đứng đầu UBND Thành phố, đó là NHNN, đặc biệt là hệ thống ngân hàng trên địa bàn tham gia, góp sức để phát huy trung tâm tài chính hiện hữu.

"Chúng ta nói nhiều về trung tâm tài chính quốc tế nhưng việc đó còn cần một thời gian nữa, nên củng cố, phát huy trung tâm tài chính hiện hữu là việc chúng ta cần phải làm. TPHCM xin được nhận thí điểm về những cơ chế, mô hình mới trong phát triển ngành ngân hàng, trước hết là để phát huy trung tâm tài chính hiện hữu và sau đó là xây dựng nền tảng để phát triển trung tâm tài chính quốc tế", ông Mãi nói.

Ngoài ra, ông Mãi cũng đề nghị NHNN có cơ chế tư vấn về tài chính, tiền tệ cho lãnh đạo Thành phố. Ví dụ, có thể thành lập một hội đồng gồm các chuyên gia, các nhà quản lý để kịp thời cung cấp thông tin, tư vấn cho lãnh đạo Thành phố để kịp thời phản ứng với các vấn đề đang xảy ra và cũng là đóng góp cho Trung ương.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố đồng thời kiến nghị NHNN phối hợp thường xuyên với Thành phố trong việc theo dõi, tạo điều kiện cho hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn; kiến nghị NHNN có ý kiến với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để xử lý bài bản vấn đề liên quan đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)… Ông Mãi khẳng định UBND Thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngân hàng trên địa bàn cũng như phối hợp với NHNN trong xử lý các vấn đề có liên quan.

Anh Thơ

Top