Chủ tịch nước dự kỷ niệm 40 năm thành lập Đại học Kinh tế TPHCM
(Chinhphu.vn) - Sáng 27/10, Đại học Kinh tế TPHCM tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 40 năm thành lập (1976-2016). Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới dự.
Chủ tịch nưChủ tịch nước Trần Đại Quang tặng bức tranh cho trường ĐH Kinh tế TPHCM |
Sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975), Đại học Luật khoa Sài Gòn thuộc Viện Đại học Sài Gòn được tiếp quản, sau đó tái thành lập vào tháng 11/1975 với nhiệm vụ tiếp tục đào tạo sinh viên đang học tại các trường thuộc khối ngành luật, kinh tế và quản trị kinh doanh ở miền Nam để thực hiện mục tiêu đào tạo cán bộ có trình độ đại học trong công cuộc xây dựng và phục hồi nền kinh tế.
Ngày 27/10/1976, Đại học Kinh tế TPHCM chính thức được thành lập.
Suốt chặng đường 40 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, giảng viên, công nhân viên, học viên và sinh viên của Trường đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng Đại học Kinh tế TPHCM trở thành một trong những trung tâm đào tạo chất lượng cao về các lĩnh vực kinh tế, quản trị kinh doanh và luật học. Đến nay, Trường đã đào tạo được trên 217.000 cử nhân kinh tế, 10.000 thạc sĩ và 350 tiến sĩ.
Chúc mừng và biểu dương những kết quả, thành tích xuất sắc mà Đại học Kinh tế TPHCM đạt được trong 40 năm qua, Chủ tịch nước nêu rõ Trường cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị Nhà trường cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập, đổi mới công tác tuyển sinh, công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập.
Nhà trường cần mở rộng quy mô đào tạo gắn liền với nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học nhằm cung cấp cho nước nhà các chuyên gia hoạch định chính sách, các nhà quản lý kinh tế, quản trị kinh doanh từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, Nhà trường cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học theo hướng hàn lâm và công bố quốc tế, xây dựng Đại học Kinh tế TPHCM thành một trung tâm nghiên cứu khoa học về kinh tế, quản trị kinh doanh, luật học có chất lượng cao mang tầm khu vực và thế giới.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu Nhà trường cần đặc biệt quan tâm, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý; xây dựng và thực hiện chiến lược quy hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý; mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế với các trường đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch nước nhấn mạnh Đại học Kinh tế TPHCM cần chú trọng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tăng cường huy động đội ngũ các nhà khoa học, các chuyên gia phân tích, nghiên cứu và hoạch định chính sách ở trong và ngoài nước, tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học về những vấn đề cấp bách trong phát triển kinh tế-xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, phục vụ cho sự phát triển của TPHCM, các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và cộng đồng doanh nghiệp. Tập trung đi sâu, phân tích và làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn của tư duy đổi mới với phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, từ đó đề xuất với Đảng, Nhà nước những quan điểm, giải pháp có tính đột phá để đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.
Trong công tác xây dựng Đảng, Chủ tịch nước đề nghị Nhà trường tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đưa nội dung này trở thành việc làm thường xuyên của mỗi tập thể, cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên.
*Nhân dịp này, Đại học Kinh tế TPHCM vinh dự đón nhận Cờ Thi đua của Chính phủ, Cờ Truyền thống của UBND TPHCM trao tặng.
(theo TTXVN)