Chủ tịch UBND TPHCM: Tinh thần là đầu tư PPP phải nhanh hơn đầu tư công
(Chinhphu.vn) - Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh điều này khi trả lời chất vấn các đại biểu HĐND TPHCM khóa X tại ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 13, diễn ra chiều 7/12.
Theo đại biểu Lê Minh Đức, qua báo cáo của UBND Thành phố thì việc triển khai 4 Chương trình phát triển TPHCM gặp nhiều khó khăn và chưa đạt kết quả như kỳ vọng.
Ngoài ra, việc kêu gọi đầu tư các dự án theo phương thức đối tác công-tư tại Thành phố cũng chưa đạt kết quả như mong muốn.
Trả lời vấn đề này, ông Phan Văn Mãi cho biết khi chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ lần thứ XI, Thành phố đặt nhiều mục tiêu, kỳ vọng nên đề ra 4 chương trình trọng điểm với 49 đề án.
Tuy nhiên, khi sơ kết giữa nhiệm kỳ, Thành phố nhìn lại thấy mục tiêu hơi cao so với thực lực, tức là năng lực và khả năng thực hiện cũng như chưa lường hết được những diễn biến, như dịch bệnh COVID-19 hay tác động của kinh tế thế giới.
Còn về nguồn lực, Thành phố xác định dùng cả đầu tư công và thu hút nguồn lực xã hội nhưng chưa chuẩn bị được quy hoạch và cơ chế chính sách nên khó thu hút đầu tư. Vì vậy, trong 2 năm còn lại, Chủ tịch Thành phố cho biết sẽ xác định trọng tâm, trong điểm để hoàn thành các chỉ tiêu với kết quả cao nhất.
Về danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) lĩnh vực văn hóa thể thao, giáo dục, y tế, ông Mãi thừa nhận Thành phố quan tâm hình thức PPP nhưng việc chuẩn bị thì như đầu tư công, chưa rà soát quy hoạch, điều kiện pháp lý nên khi nhà đầu tư tìm hiểu thấy mất nhiều thời gian. Vừa qua, Thành phố đã lên danh mục 197 thu hút đầu tư nhưng chưa đạt kết quả.
Vì vậy, Thường trực UBND TPHCM đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, những dự án nào có thể điều chỉnh đất đai, quy hoạch thì giữ lại và xúc tiến kêu gọi đầu tư.
Đối với danh mục 41 dự án lần này, Thành phố đã rút kinh nghiệm, tính toán nhu cầu, rà soát quy hoạch và vận dụng cơ chế theo Nghị quyết 98/2023 để tăng tính khả thi.
Sau khi HĐND TPHCM thông qua, UBND Thành phố sẽ nghiên cứu, ban hành quy trình, bộ hồ sơ thủ tục để thực hiện nhanh gọn hơn đầu tư công, trong đó tập trung những dự án có thể làm ngay để có kết quả, tránh kéo dài gặp vướng mắc pháp lý. Tinh thần là đầu tư PPP phải nhanh hơn đầu tư công.
10 dự án nhà ở xã hội triển khai trong năm 2024
Đại biểu Lê Thị Kim Thúy, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, đặt câu hỏi về công tác phát triển nhà ở. Cụ thể, theo công bố khảo sát nhu cầu nhà ở đối với 96.000 người thì 51.000 người có nhu cầu thuê nhà, 29.000 người mua nhà. Điều đó có nghĩa phần lớn người dân có nhu cầu thuê nhà, vậy TPHCM đã có giải pháp gì để người lao động có thu nhập thấp thuê được nhà ở?
Trả lời ý kiến này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết TPHCM nhận diện được nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn. Những người có thu nhập thấp muốn thuê nhà vài triệu đồng mỗi tháng để cân đối thu nhập.
Thành phố đã xác định nhu cầu này và phát triển nhà ở xã hội, nhà cho thuê. Nhưng thực tế, Thành phố gặp khó ở nhiều điểm như điều kiện ràng buộc để mua nhà ở xã hội, cơ chế chính sách chưa đủ thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này, trong khi không thể dùng hoàn toàn ngân sách để phát triển.
Hiện, mỗi tuần Thành phố đều tổ chức họp, lắng nghe, tháp gỡ từng dự án. Trong năm 2024, nếu tập trung tháo gỡ nhanh thì sẽ có 10 dự án được triển khai.
Đại biểu Phạm Đăng Khoa đặt vấn đề Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng (Quận 3) cả chục năm qua đang bỏ trống và làm cách nào để tránh lãng phí.
Theo ông Phan Văn Mãi, qua rà soát, dự án có thể áp dụng điều khoản dự án BT (xây dựng - chuyển giao) chuyển tiếp.
Tuy nhiên, có ý kiến đặt câu hỏi tại thời điểm này mà làm trung tâm thể dục thể thao ở một khu vực đô thị như vậy có phù hợp nữa không. Vì vậy, Thành phố sẽ rà soát, đánh giá và báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy phương án sử dụng khu đất này vào cuối tháng 12.
Cũng theo Chủ tịch UBND TPHCM, trên địa bàn Quận 1, Quận 3 có nhiều vị trí đang trong tình trạng dở dang, bỏ trống như Thương xá Tax và một số vị trí trên đường Lê Duẩn. Các dự án này gặp vướng mắc pháp lý nên phải rà soát lại.
Vừa rồi, Thành phố đã vận dụng theo Kết luận 14 của Bộ Chính trị để lập phương án sử dụng một số vị trí để khai thác tạm thời.
Không phải đoạn đường nào có vỉa hè cũng khai thác
Về vấn đề đại biểu quan tâm là quản lý sử dụng lòng lề đường, ông Mãi cho hay trong thời gian qua, các địa phương trên địa bàn có nhiều nỗ lực thực hiện việc này. Quan điểm của Thành phố là tổ chức để làm sao xác định các tuyến đường vừa bảo đảm sinh kế cho người dân, vừa bảo đảm an ninh trật tự và mỹ quan.
Hiện qua rà soát, Thành phố có hơn 700 km đường đô thị có vỉa hè rộng. Tuy nhiên, Thành phố sẽ chọn lựa những đoạn đường có nhu cầu để khai thác cho phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm điều chỉnh chứ không phải đoạn đường nào có vỉa hè cũng có thể khai thác.
Đối với vấn đề giải ngân đầu tư công, người đứng đầu chính quyền Thành phố cho biết, dù rất kỳ vọng nhưng năm nay, Thành phố vẫn ở trong tình thế rất vất vả xoay trở, ứng phó chứ chưa có sự chủ động. Lý do là bởi các dự án Thành phố triển khai gần như là các dự án chuyển tiếp. Đặc điểm pháp lý hồ sơ của các dự án này cần phải cập nhật, khiến Thành phố bị động về mặt thời gian chuẩn bị.
Đối với vấn đề này, ông Mãi cho rằng có 3 vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, đó là chưa phải chủ đầu tư nào cũng tích cực sự tập trung tháo gỡ các vướng mắc.
Thứ hai là đối với vấn đề giải phóng mặt bằng, nếu có sự vào cuộc của cấp ủy, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thì sẽ đạt kết quả tốt.
Thứ ba là sự vào cuộc giải quyết của các sở, ngành và sự điều hành của Thường trực UBND Thành phố. "Chúng tôi sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh để trong quý I, II sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng và nửa năm còn lại tập trung vào xây lắp", Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định.
Đối với kế hoạch năm 2024, vấn đề đặt ra là làm sao giải ngân được 75.000 tỷ đồng? Theo ông Mãi, bên cạnh phát huy những giải pháp có hiệu quả của năm 2023 thì sau kỳ họp này, Thành phố sẽ tổ chức hội nghị đầu tư công để triển khai, phân nhóm, xác định nhiệm vụ GPMB và các vấn đề có liên quan đến chủ đầu tư để có sự chủ động.
Trước khi trả lời chất vấn cử tri, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi báo cáo tóm tắt một số nội dung về kinh tế-xã hội năm 2023.
Theo đó, trước tình hình khó khăn chung của cả nước và thế giới, TPHCM bị ảnh hưởng rất nhiều và dự báo năm sau sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, toàn hệ thống cần phải chuẩn bị tâm thế.
Năm 2023, TPHCM vừa triển khai nhiều chính sách mới, điển hình là tham mưu ban hành Nghị quyết 98, còn tập trung tháo gỡ các vướng mắc, tồn đọng. Dù chưa đạt các chỉ tiêu nghị quyết năm 2023 nhưng đó là những kết quả rất quan trọng, như Nghị quyết 98 là chính sách nền tảng cơ bản đảm bảo cho sự phát triển về sau.
Về đầu tư công, đến ngày 6/12, Thành phố đã giải ngân 35.157 tỷ đồng, đạt 51,2%. Tuy xét phần trăm là thấp, nhưng khối lượng là rất lớn. Bởi bộ máy, con người vẫn vậy nhưng khối lượng này là gấp đôi năm 2022.
Với những chỉ tiêu kinh tế xã hội chưa đạt, UBND TPHCM cũng đã nhận diện và sẽ có giải pháp khắc phục trong thời gian tới, nhất là tập trung điều hành các chỉ tiêu thu ngân sách, đảm bảo giải ngân đầu tư công đạt 95% đối với những dự án thuận lợi, không dưới 80% với những dự án lớn và tỉ lệ giải ngân không được thấp hơn so với năm 2022.
Anh Thơ