Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế đã góp phần tích cực, quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP

07/06/2012 4:00 PM

 

(HCM CityWeb) – Theo báo cáo của UBND TPHCM, nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, UBND TP đã tập trung chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các quận huyện ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình phù hợp với tình hình đặc thù của từng lĩnh vực, từng địa phương. Tính đến nay, các Sở, ngành và UBND các quận huyện đều đã xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế. TP đã khẩn trương xây dựng và ban hành các chương trình, đề án phát triển các ngành và lĩnh vực trên địa bàn, làm cơ sở để triển khai các nhiệm vụ cụ thể nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP trong từng ngành, từng lĩnh vực theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp như Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP giai đoạn 2011 - 2015; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; Chương trình phát triển, kiểm soát động vật hoang dã trên địa bàn TP giai đoạn 2011 – 2015…
Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP đã góp phần tích cực, quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP. Trong năm 2011, Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn TP năm 2011 đạt 503.227 tỷ đồng(giá thực tế),tăng 10,3% so năm 2010, cao hơn 1,75 lần so với mức tăng trưởng GDP của cả nước(5,89%). Bên cạnh đó, Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP đã góp phần thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP theo hướng tích cực, đúng theo định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IX đề ra. Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển biến theo hướng tăng dần tỷ trọng, giá trị tăng thêm các ngành thương mại, dịch vụ; giảm dần các ngành nông - lâm - ngư nghiệp để dần đưa TP trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao của cả nước. Nội bộ các ngành kinh tế cũng đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực: tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao; giảm các ngành nghề thâm dụng lao động, gây ô nhiễm môi trường, dần hình thành các loại hình dịch vụ chất lượng cao.
Cụ thể, giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ đạt 273.297 tỷ đồng, tăng 10,7%; tập trung phát triển vào 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu của TP, từng bước hình thành các trung tâm về thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế kỹ thuật cao, văn hóa, giải trí…Khu vực dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng GDP trên địa bàn TP và có xu hướng tăng dần tỷ trọng trong cơ cấu GDP (năm 2011 chiếm 54,3%, năm 2010 chiếm 53,6%).Giá trị tăng thêm của khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 224.378 tỷ đồng, tăng 9,9%, chiếm 44,6% GDP; tập trung phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học và công nghệ cao, năng suất lao động cao, hàm lượng giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghệ sinh học và công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; trong đó tỷ trọng bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo; điện tử - công nghệ thông tin; hóa chất - cao su, nhựa; chế biến tinh lương thực, thực phẩm) chiếm đến 55,9%.Giá trị tăng thêm khu vực nông lâm thủy sản đạt 5.552 tỷ đồng, tăng 6%, chiếm 1,1% GDP. Trong nội bộ từng ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản cũng có sự chuyển đổi cơ cấu theo hướng sản xuất cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị gia tăng cao.
Cơ cấu đóng góp của các thành phần kinh tế trong GDP cũng có sự chuyển dịch đáng kể theo hướng có sự phát triển mạnh và đóng góp ngày càng tăng của thành phần kinh tế ngoài nhà nước và thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, tỷ trọng trong GDP của thành phần kinh tế ngoài nhà nước đã tăng từ 49,5% năm 2010 lên 51,4% năm 2011; của thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 23,2% năm 2010 lên 23,8% năm 2011; trong khi đó tỷ trọng trong GDP của thành phần kinh tế nhà nước đã giảm từ 27,3% năm 2010 xuống còn 24,8% năm 2011, chỉ còn nắm giữ chi phối ở những ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Điều này là phù hợp với chủ trương, định hướng của TP trong thời gian qua là tập trung đẩy mạnh sự phát triển của thành phần kinh tế tư nhân nhằm phát huy được tiềm năng và nguồn vốn trong dân và tăng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển kinh tế TP, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư.
Lã Nguyên
Top