Chuyển đổi số giúp dệt may nâng cao năng lực cạnh tranh, mang lại giá trị cao hơn

28/07/2022 7:39 PM

(Chinhphu.vn) - Chuyển đổi số đang là xu hướng và là điều bắt buộc đối với doanh nghiệp sản xuất, trong đó có ngành dệt may. Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần chuẩn bị tinh thần cho sự thay đổi liên tục, lãnh đạo doanh nghiệp tiên phong trong đổi mới sáng tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động. Cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại; xây dựng và khai thác dữ liệu phục vụ cho sản xuất kinh doanh

Chuyển đổi số giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, mang lại giá trị cao hơn cho ngành dệt may - Ảnh 1.

Chuỗi Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp Dệt May - Thiết bị và nguyên phụ liệu 2022 (SaigonTex và SaigonFabric 2022) tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và tự động hóa nhằm đáp ứng xu hướng thời trang mới của thế giới - Ảnh: VGP/Lê Anh

Đây là nhận định được các chuyên gia nêu ra tại hội thảo "Giải pháp chuyển đổi số cho thách thức về nguồn nhân lực ngành dệt may" diễn ra ngày 28/7 tại TPHCM do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) tổ chức.

Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đang sử dụng hàng triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt khoảng 40 tỷ USD, thu nhập trung bình của lao động trong lĩnh vực dệt may khoảng 3.800 USD/người/năm.

Tuy nhiên, ông Tài cũng chỉ ra rằng, kim ngạch xuất khẩu dệt may dù cao nhưng giá trị gia tăng còn ở mức thấp, ngành chưa chủ động được nguyên phụ liệu, chưa đáp ứng được các công đoạn thượng nguồn chuỗi cung ứng mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Để ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững ông Lê Hoàng Tài cho rằng, trong thời gian tới, ngành dệt may cần tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký VITAS cho biết dịch COVID 19 là lực đẩy đáng kể cho doanh nghiệp dệt may trong nước tiến hành chuyển đổi số. Sự cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi ngành dệt may Việt Nam phải chuyển dịch từ sản xuất gia công truyền thống sang tự thiết kế và sản xuất thành phẩm. Với tốc độ phát triển nhanh của công nghệ thì chuyển đổi số là tất yếu, là công cụ cho các ngành sản xuất, đặc biệt là những ngành hướng tới xuất khẩu.

Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần chuẩn bị tinh thần cho sự thay đổi liên tục, lãnh đạo doanh nghiệp cần tiên phong trong đổi mới sáng tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động, cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại.

Đại diện VITAS nhấn mạnh, cần phải hiểu, số hoá là hình thức số hoá dữ liệu, số hoá quy trình và là bước đầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chuyển đổi số là bước tiếp theo và phải thay đổi toàn diện tổ chức, phương thức sản xuất, điều hành, quy trình làm việc dựa trên công nghệ số.

Chia sẻ về vấn đề chuyển đổi số trong ngành dệt may, ông Phạm Xuân Trình, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) cho biết, chuyển đổi số là một trong những vấn đề mà ngành dệt may tập trung thúc đẩy qua từng năm cùng với giải quyết năng suất, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí quản trị/vận hành... Trong đó, kỹ thuật số và tự động hóa là nền tảng chuyển đổi số, giải quyết vấn đề công nghệ và lao động cho ngành dệt may.

Đây cũng là giải pháp doanh nghiệp ngành dệt may đã chuẩn bị và theo đuổi trong thời gian dài với chiến lược bền vững. Chuyển đổi số trong ngành dệt may Việt Nam đã ứng dụng công nghệ ghi nhận toàn bộ quy trình sản xuất kinh doanh, đồng thời hiện nay đang chuyển sang giai đoạn xử lý thông tin từ sản xuất đến toàn chuỗi cung ứng đến bán lẻ, người tiêu dùng.

Cụ thể, doanh nghiệp dệt may đã và đang ứng dụng công nghệ kiểm soát trực tuyến chuỗi cung ứng, giải quyết vấn đề nội tại như hệ thống kế toán, quản lý khách hàng...

Để các DN kiểm soát trực tuyến chuỗi cung ứng, quản trị doanh nghiệp cũng như quản lý khách hàng một cách hiệu quả. Các chuyên gia nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng và khai thác dữ liệu phục vụ việc ra quyết định trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, các cơ quan quản lý, tổ chức hiệp hội cần chú trọng xây dựng hệ thống dữ liệu ngành, lĩnh vực như một cách tạo nguồn tài nguyên chung để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu khai thác. Về phía doanh nghiệp, phải có giải pháp, công cụ tìm kiếm thông tin và năng lực phân tích dữ liệu phù hợp với lĩnh vực đang hoạt động. Từ đó, đưa vận hành khai thác dữ liệu thành hoạt động tạo năng lực cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp.

Lê Anh

Top