Chuyển đổi xanh giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh

15/09/2023 8:10 AM

(Chinhphu.vn) - Người tiêu dùng toàn cầu ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Do đó, doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn xanh thông qua việc áp dụng các quy định về môi trường nghiêm ngặt hơn; đầu tư nhiều vào nghiên cứu, phát triển; nâng cao năng lực logistics…

Chuyển đổi xanh giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh  - Ảnh 1.

Các sản phẩm của DN Việt khi xuất khẩu vào thị trường EU cần đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn xanh thông qua việc áp dụng các quy định về môi trường nghiêm ngặt. Ảnh: VGP/LD

Đây là chia sẻ của ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) khi tham dự Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU ngày 14/9 do Bộ Công Thương phối hợp với UBND TPHCM tổ chức trong khuôn khổ sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế" (Viet Nam International Sourcing 2023).

Ông Jean Jacques Bouflet cho biết, trong bối cảnh biến động chuỗi cung ứng, EU đang đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn cung và lựa chọn Việt Nam như một điểm đến chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương.

Kể từ khi Hiệp định EVFTA được ký kết, các công ty từ Liên minh châu Âu (EU) đã đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam. Trong đó có thể kể đến  Tập đoàn Lego của Đan Mạch đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào một nhà máy theo hướng xanh, bền vững và thân thiện với môi trường với quy mô 44 ha tại Bình Dương. Hay tập đoàn Adidas của Đức đã hợp tác với 51 nhà cung cấp tại Việt Nam. Đây là minh chứng cho sự phát triển nhanh chóng và sâu sắc trong mối quan hệ giữa các doanh nghiệp của EU và Việt Nam.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch EuroCham Jean Jacques Bouflet cũng cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức liên quan đến chuyển đổi xanh, phát triển theo hướng bền vững.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết: Năm 2023, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn do sự sụt giảm chi tiêu tiêu dùng từ các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, trong đó có EU - do hàng dệt may không phải là hàng thiết yếu nên sụt giảm đơn hàng.

DN Việt cần xanh hóa quy trình sản xuất

Bên cạnh sự sụt giảm về đơn hàng bởi tác động của kinh tế, ông Vũ Đức Giang cho biết, trong cam kết của Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA đã đưa ra quan điểm về việc sử dụng xanh, tái chế và đây là những yêu cầu mà những nhãn hàng đòi hỏi nhà sản xuất Việt phải thích ứng.

Đối với các mặt hàng thực phẩm, theo các chuyên gia, DN nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam muốn vào hệ thống phân phối nước ngoài cần tuân thủ các yêu cầu về môi trường và chất lượng.

Chuyển đổi xanh giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh  - Ảnh 2.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, DN ngành dệt may gặp thách thức về các tiêu chuẩn xanh. Ảnh: VGP/LD

Ông Vincent Gothknecht, Trưởng đại diện Công ty I.Schroeder (Đức) cho biết, Việt Nam đang có lợi thế lớn về xuất khẩu nông sản sang thị trường EU nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Theo ông Vincent Gothknecht, hiện có khoảng 50 nhà cung ứng tại Việt Nam cung cấp các sản phẩm nông sản như vải, dứa, chanh dây và hàng thủy sản cho công ty. Chất lượng sản phẩm không còn là vấn đề với nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, điểm nghẽn mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải chủ yếu là yêu cầu về môi trường, việc giảm phát thải, trung hòa carbon… Nhiều nhà mua hàng muốn những nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của họ phải trung hòa carbon, nghĩa là phải ưu tiên sản xuất xanh. Do đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam không đạt được tiêu chuẩn này sẽ mất cơ hội xuất khẩu hàng hóa đi thị trường quốc tế.

Để giải quyết những khó khăn về "tiêu chuẩn xanh", ông Jean Jacques Bouflet cho rằng, DN Việt Nam cần đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn xanh thông qua việc áp dụng các quy định về môi trường nghiêm ngặt hơn; đầu tư nhiều vào nghiên cứu, phát triển và cải tiến hạ tầng; nâng cao năng lực logistics - đào tạo nguồn nhân lực.

Về phía EuroCham, ông Jean Jacques Bouflet cho biết, EuroCham cam kết đóng góp vào việc khai thác tiềm năng của EVFTA bằng cách triển khai các chiến dịch nâng cao nhận thức về lợi ích của hiệp định. Đồng thời tổ chức các hội thảo giúp thúc đẩy mối liên kết trực tiếp giữa các nhà cung cấp Việt Nam và người tiêu dùng đến từ châu Âu.

Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, EU là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN.

Theo bà Hiền, với ưu thế về vốn và công nghệ, cùng những ưu tiên của EU về chuyển đổi "xanh và số", việc hợp tác và đầu tư với các DN EU sẽ hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi mô hình sản xuất xanh, tuần hoàn, giúp hàng hóa Việt Nam có ưu thế về chất lượng, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của EU và cũng phù hợp với xu thế phát triển bền vững hiện nay.

Lê Anh

Top