Chuyến tàu chở 'khí thiên nhiên hóa lỏng' đầu tiên về Việt Nam vào ngày 10/7
(Chinhphu.vn) - Dự kiến, sáng 10/7, chuyến tàu nhập khẩu LNG (Liquefied Natural Gas) - "khí thiên nhiên hóa lỏng" đầu tiên về Việt Nam - sẽ cập bến Kho cảng Thị Vải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ông Trần Nhật Huy, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) - Chỉ huy trưởng phụ trách chiến dịch đón nhận tàu, cho biết đó là tàu Maran Gas Achilles (quốc tịch Hy Lạp, dung tích chứa khoảng 174.000 m3) mang gần 70.000 tấn LNG từ cảng Bontang - Indonesia.
Các lực lượng như cảng vụ hàng hải, biên phòng, hoa tiêu, hải quan cũng tham gia vào kế hoạch đón tàu.
Ông Huy cho biết thêm, hiện toàn bộ hệ thống, thiết bị, công nghệ của PV Gas từ cầu cảng, bồn lạnh… tại dự án LNG đều đã sẵn sàng. Công ty cũng đã hoàn thiện hệ thống về mặt cơ khí, thực hiện việc tiền chạy thử. Ngoài ra, tất cả các phương án ứng cứu khẩn cấp hay chuẩn bị cho sự cố tràn dầu từ khu vực mặt nước tới trong bờ đều đã được lực lượng chức năng diễn tập, chuẩn bị.
Tính đến thời điểm này, Kho cảng LNG Thị Vải là tổ hợp LNG đầu tiên có quy mô lớn, hiện đại nhất trong nước. Theo ông Phạm Văn Phong, Tổng Giám đốc PV Gas, công nghệ làm kho chứa LNG có độ phức tạp tương đương với nhà máy điện hạt nhân. Quá trình đầu tư vào hạ tầng LNG rất tốn kém, ngoài ra, không phải bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể xây dựng được bởi ngoài chi phí thì cần thêm kinh nghiệm.
Kho LNG Thị Vải có công suất của giai đoạn đầu là 1 triệu tấn/năm, sau đó mở rộng lên 3 - 6 triệu tấn/năm; có khả năng tiếp nhận được tàu LNG trọng tải lên đến 100.000 tấn.
Việc nhập khẩu, kinh doanh LNG trong năm 2023 xác lập vị trí quan trọng trong quá trình chuyển dịch dài hạn sang điện khí LNG của PV Gas, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong của PV Gas trong việc thực hiện các chủ trương, chiến lược quốc gia về an ninh năng lượng.
Khí thiên nhiên hóa lỏng (Liquefied Natural Gas - LNG) khi đốt cháy tạo ra ít hơn 40% lượng khí thải CO2 so với than đá và ít hơn 30% so với dầu mỏ; không thải ra muội, bụi và chỉ sinh ra một lượng không đáng kể khí SO2. Điều này khiến nó trở thành nhiên liệu hóa thạch sạch nhất.
Với lợi thế nêu trên, LNG chính là một giải pháp môi trường có khả năng thay thế các năng lượng truyền thống đáng sử dụng trong nước bao gồm than, dầu FO, DO, xăng... và bổ sung cho nguồn khí nội địa đang khai thác hiện đã bước vào giai đoạn suy giảm.
Tại Việt Nam, Quy hoạch điện VIII được Chính phủ thông qua mới đây cũng đã định hướng phát triển các dự án nhà máy điện dùng nhiên liệu truyền thống chuyển sang sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) với quy mô rất lớn, từ 0% năm 2020 lên xấp xỉ 22.400 MW trong năm 2030, chiếm gần 14,9% tổng quy mô nguồn năm 2030.
Anh Thơ