Cơ chế ưu đãi phát triển khu công nghệ cao không còn hấp dẫn

30/03/2022 6:08 PM

(Chinhphu.vn) - Sau gần 20 năm, Khu Công nghệ cao TPHCM được đánh giá có sự phát triển tốt và sôi động hơn so các khu công nghệ cao khác trên cả nước. Tuy nhiên thực tế phát triển đang bộc lộ những bất cập về cơ chế, chính sách ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của các khu công nghệ cao.

Cơ chế ưu đãi phát triển khu công nghệ cao không còn hấp dẫn - Ảnh 1.

Khu Công nghệ cao TPHCM dẫn đầu về thu hút đầu tư so với các khu công nghệ cao khác trên cả nước - Ảnh: VGP/Băng Tâm

Trong 3 khu công nghệ cao (CNC) do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập thì Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) hiện có 100 dự án đầu tư (14 dự án FDI và 86 dự án trong nước) với tổng vốn đầu tư 95.100 tỷ đồng. Khu Công nghệ cao TPHCM thu hút 165 dự án (53 dự án FDI và 112 dự án trong nước) với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 251.000 tỷ đồng (tương đương 11 tỷ USD). Khu Công nghệ cao Đà Nẵng có 24 dự án còn hiệu lực hoạt động, với tổng vốn đầu tư khoảng 18.000 tỷ đồng.

Với Khu CNC TPHCM, mặc dù được đánh giá là thành công hơn so với các Khu CNC khác ở trong nước, thu hút được nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Intel, Samsung, Microsoft… nhưng tại đây đang bộc lộ những bất cập về cơ chế, chính sách ảnh hưởng đến môi trường đầu tư

Hiện sản phẩm của Khu CNC TPHCM đang chiếm hơn 60% nhóm ngành sản phẩm công nghệ cao của Thành phố. Giá trị xuất khẩu lũy kế đến năm 2021 là trên 100 tỷ USD. Riêng năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng giá trị xuất khẩu của Khu CNC cũng đạt mức 22 tỷ USD.

Ngoài ra, năng suất lao động bình quân trong Khu CNC TPHCM cũng cao gấp gần 17 lần bình quân cả nước.

Tại hội thảo "Mô hình, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển khu công nghệ cao của Việt Nam" tổ chức tại TPHCM mới đây, Trưởng Ban quản lý Khu CNC TPHCM Nguyễn Anh Thi nêu ra nhiều lý do để có được những kết quả trên.

Đầu tiên, theo ông Thi là quyết tâm của cả hệ thống chính trị Thành phố, trong đó có sự phân cấp, phân quyền của Trung ương cho địa phương trong quản lý nhà nước với Khu CNC. 

Thứ hai là sự tập trung đầu tư của Thành phố dành cho Khu CNC.

Thứ ba là sự linh hoạt trong thu hút đầu tư. Ông Thi nêu ví dụ, về nguyên tắc hoạt động thu hút đầu tư phải bám sát quy hoạch nhưng có giai đoạn TPHCM đã điều chỉnh quy hoạch rất nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư Samsung.

Thứ tư là cơ chế Một cửa tại chỗ đã tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông Thi cho rằng, các luật chuyên ngành ra đời đã phá vỡ những ưu thế của cơ chế Một cửa tại chỗ, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Khu CNC Thành phố và các Khu CNC khác.

Và cuối cùng là chính sách đãi ngộ đặc thù cho nhân sự của Ban quản lý khu CNC TPHCM.

Như vậy, dù được đánh giá là thành công nhất cả nước nhưng thực tế phát triển Khu CNC TPHCM đang bộc lộ những bật cập về cơ chế, chính sách ưu đãi không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Đây cũng là tình trạng chung của các khu CNC trên cả nước.

Luật Công nghệ cao năm 2008 đã thể chế hóa các chính sách lớn về ứng dụng và phát triển công nghệ cao ở nước ta. Tập trung nguồn lực xây dựng và phát triển các khu CNC, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, thu hút các doanh nghiệp lớn về công nghệ cao trên thế giới, đảm đương vai trò đầu tàu về phát triển công nghệ cao, tạo hiệu ứng lan toả… Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho rằng, đến thời điểm này, nhiều ưu đãi không còn khuyến khích sự phát triển của CNC.

Còn theo ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, điểm yếu đang cản trở sự phát triển của các khu CNC đó là chưa hình thành được hệ sinh thái KH&CN nói chung và CNC nói riêng. Trong đó, ông nhấn mạnh 3 yếu tố: Phòng thí nghiệm, đơn vị sản xuất, trung tâm khởi nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp là 3 cấu phần để tạo một hệ sinh thái. Bên cạnh đó, yếu tố phát triển hạ tầng liên kết tạo ra hệ sinh thái, cơ chế mềm để kết nối… cũng đóng vai trò quan trọng

"Vấn đề đặt ra không chỉ là kinh phí hoạt động của các phòng thí nghiệm ở Khu CNC mà là các dịch vụ liên quan như: chỗ ở cho chuyên gia, cơ sở hạ tầng về công nghệ, các dịch vụ hỗ trợ liên quan để kết quả nghiên cứu đưa ra sản xuất, dùng thử, đưa ra thị trường và đăng ký sở hữu trí tuệ... Đây là hệ sinh thái dịch vụ giúp cho phòng thí nghiệm hoạt động, nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất sản phẩm đưa ra thị trường", ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, muốn tháo gỡ vấn đề pháp lý để thúc đẩy phát triển các Khu CNC thì phải sửa đổi nhiều Luật, từ quy hoạch, chiến lược, phân cấp, phân quyền, cơ chế đặc thù đột phá… Do vậy, Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng Bộ KH&CN cần sớm tiến hành nghiên cứu, trình Quốc hội sớm nhất nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Khu CNC.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, một trong những vấn đề thực tiễn đang đặt ra là việc thu hút nguồn lực từ xã hội để đầu tư hạ tầng cho các khu CNC quốc gia. Điều này bởi ngân sách nhà nước không thể đáp ứng nhu cầu vốn để phát triển các khu CNC, cần thiết phải thu hút nguồn lực từ xã hội. Mặt khác, Nhà nước chỉ cần quản lý tiêu chí xác định các dự án đầu tư vào các khu CNC để bảo đảm mục tiêu khuyến khích phát triển CNC và chống thất thoát các ưu đãi.

Song song với đó, cần thiết phải thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển tại các khu CNC để các khu CNC không chỉ là nơi sản xuất CNC, mà còn là nơi nghiên cứu, ươm tạo CNC.

Băng Tâm

Top