Cơ hội cho DN dệt may tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu
(Chinhphu.vn) - Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt và may - Thiết bị, nguyên phụ liệu và vải (SaigonTex & SaigonFabric 2024) sẽ diễn ra từ ngày 10-13/4 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), TPHCM, thu hút hơn 1.000 nhà triển lãm quốc tế và Việt Nam tham dự. Triển lãm được kỳ vọng tạo “sân chơi” để các nhà sản xuất nước ngoài xây dựng liên kết chuỗi với các doanh nghiệp trong nước.
SaigonTex & SaigonFabric 2024 là triển lãm lớn nhất tại Việt Nam về công nghiệp dệt may, nguyên phụ liệu và vải. Có hơn 1.000 nhà mua hàn quốc tế và Việt Nam tham dự triển lãm với quy mô trưng bày gần 30.000 m2. Triển lãm tập trung giới thiệu về máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, nguyên liệu dệt và vải vóc… với các thương hiệu lớn.
SaigonTex & SaigonFabric 2024 năm nay quy tụ các nhà triển lãm đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Bỉ, Trung Quốc, Đức, Hong Kong, Ấn Độ, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Hà Lan, Pakistan, Bồ Đào Nha, Singapore, Thụy Sĩ...
Bên cạnh đó, triển lãm còn có chương trình giới thiệu sản phẩm (PPP) kết hợp trưng bày tĩnh và trình diễn catwalk. Hoạt động này lần đầu tiên được tổ chức để giới thiệu sản phẩm thời trang một cách sống động, ứng dụng công nghệ mới nhất được cung cấp từ các nhà triển lãm Việt Nam và quốc tế. Song song với đó là hoạt động kết nối Doanh nghiệp do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) chủ trì tổ chức kết nối các nhà triển lãm và người mua hàng với nhau.
Cơ hội cho DN dệt may tham gia sâu vào chuỗi cung ứng
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho rằng, SaigonTex có tác động lớn đến các doanh nghiệp cũng như toàn ngành dệt may của Việt Nam.
Theo đó, SaigonTex sẽ mang đến thị trường Việt Nam những nhà sản xuất dệt may trên toàn cầu để cho các nhãn hàng lựa chọn. Bởi hiện nay, các nhà sản xuất đang sản xuất rất đa dạng các dòng sản phẩm, do đó, chỉ có hội chợ và triển lãm lớn thì họ mới chưng ra được các sản phẩm có thế mạnh của mỗi nước, mỗi nhà sản xuất.
Từ triển lãm này, các nhà sản xuất thiết bị, công nghệ trên toàn cầu có cơ hội để trình bày các công nghệ quản trị số, tự động hóa dây chuyền sản xuất vào thị trường Việt Nam để các doanh nghiệp trong nước được lựa chọn, đàm phán và mua các thiết bị công nghệ đó một cách tốt nhất và phù hợp với xu thế và khả năng tài chính của từng đơn vị.
Bên cạnh đó, SaigonTex sẽ là cơ hội để kêu gọi đầu tư của các nhà sản xuất dệt may toàn cầu đầu tư vào Việt Nam. Kể cả những nhà sản xuất thiết bị phục vụ cho ngành công nghiệp dệt may. Đây cũng chính là sân chơi quan trọng nhằm kết nối các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư phát triển vào thị trường Việt Nam.
Ngành dệt may trước cơ hội lớn trong năm 2024
Chia sẻ về triển vọng của ngành dệt may trong thời gian tới, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho rằng, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn cho sự phát triển.Trong năm 2023, toàn ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu đạt 40 tỷ USD, giảm hơn 9% so với năm 2022. Tuy nhiên, diễn biến của thị trường đã thay đổi rất nhanh. Bước sang năm 2024, riêng trong 2 tháng đầu năm, toàn ngành đã xuất khẩu được khoảng 6,2 tỷ USD, tăng trên 10% so với cùng kỳ. Dự kiến cả quý I năm nay, xuất khẩu dệt may sẽ đạt khoảng gần 10 tỷ USD.
Ông Giang cho biết, năm nay 2024 sẽ là năm phục hồi của ngành dệt may Việt Nam. Dựa vào 3 yếu tố là đơn hàng tồn kho của nhà mua hàng đã giảm; nhu cầu của người tiêu dùng đang hồi phục, kéo theo sức mua tăng; sự phục hồi nền kinh tế của các quốc gia.
Ông Giang, chia sẻ: Thời gian gần đây, thị trường dệt may đang "ấm dần" lên khi có nhiều tập đoàn bán lẻ trong khối thành viên FTA mà Việt Nam tham gia như: Canada, Australia, châu Âu… đã tìm đến Việt Nam để tìm kiếm chuỗi cung ứng có giá thành cạnh tranh.
"Những tín hiệu này cho thấy một xu thế là hiệu ứng thị trường dệt may toàn cầu đã khởi sắc và ấm lên. Trong đó, ngành Dệt may Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội trên thế giới, bởi chúng ta là một nước mở cửa toàn diện", ông Giang nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang, muốn tận dụng được tốt cơ hội thị trường thì các DN ngành dệt may Việt Nam cần hướng đến xu thế xanh hóa cũng như xu thế phát triển quản trị số bền vững và minh bạch để đáp ứng nhu cầu từ các đơn hàng. Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của ngành dệt may Việt Nam.
Theo ông Giang, trong quá trình thực hiện đầu tư chuyển đổi xanh, có 2 khó khăn lớn mà các doanh nghiệp gặp phải. Trong đó, khó khăn lớn nhất là hiện nay có nhiều tổ chức đánh giá đưa ra các tiêu chuẩn khác nhau, không thống nhất. Mỗi nhãn hàng đặt ra một yêu cầu khác nhau gây khó khăn trong việc thực hiện của các doanh nghiệp. Khó khăn thứ hai là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng tài chính cho việc đầu tư còn hạn chế.
Lê Anh