Cơ hội cho DN ngành dệt may Việt Nam mở rộng kết nối giao thương

27/07/2022 3:39 PM

(Chinhphu.vn) - Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may - thiết bị và nguyên phụ liệu 2022 (SaigonTex & SaigonFabric 2022) là một trong những sự kiện nhằm kích thích sự phục hồi và phát triển bền vững của ngành dệt may trước những khó khăn, thách thức đang diễn ra trên thế giới.

Cơ hội cho DN ngành dệt may Việt Nam mở rộng kết nối giao thương - Ảnh 1.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) nhận định, triển lãm năm nay giúp DN đáp ứng được yêu cầu mới nhất của ngành thời trang thế giới - Ảnh: VGP/Lê Anh

SaigonTex & SaigonFabric 2022) khai mạc sáng 27/7 tại TPHCM thu hút sự tham dự của hơn 278 đơn vị triển lãm đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Pakistan, Singapore, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, và Việt Nam.

SaigonTex & SaigonFabric là triển lãm ngành dệt/may, vải và phụ liệu đạt tiêu chuẩn UFI (Hiệp hội Toàn cầu về ngành triển lãm) tại Việt Nam trong những năm qua. Đây cũng là cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước gặp gỡ, tìm kiếm đối tác, đẩy mạnh giao thương, quảng bá thương hiệu, và mở rộng thị trường. Các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế sẽ cùng mang đến triển lãm các sản phẩm, máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu để giới thiệu cho thị trường dệt may tại Việt Nam.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), triển lãm năm nay có nhiều yếu tố nổi bật làm nên sức hút của sự kiện.

Cơ hội cho DN ngành dệt may Việt Nam mở rộng kết nối giao thương - Ảnh 2.

Các thiết bị, máy móc tự động hóa được trưng bày tại triển lãm - Ảnh: VGP/Lê Anh

Theo đó, các doanh nghiệp trong ngành dệt may rất mong đợi triển lãm lần này sau 2 năm bị gián đoạn do dịch COVID-19. Các công ty quốc tế trên toàn cầu vẫn rất cố gắng mang các sản phẩm, thiết bị của họ đến giới thiệu tại triển lãm lần này trong bối cảnh một số nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, vẫn đang đóng cửa.

Điểm nổi bật được ông Vũ Đức Giang nói đến là triển lãm năm nay sẽ trưng bày các thiết bị, máy móc tự động hóa trong đóng gói khâu cuối, giúp doanh nghiệp giảm chi phí nhân lực, và là cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp vào quá trình quản trị và chuyển đổi số vì tự động hóa sẽ là xu hướng phát triển bền vững trong tương lai. Triển lãm cũng có sự góp mặt của hàng trăm gian hàng cung cấp nguyên phụ liệu trong ngành dệt may, giúp doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu mới nhất của ngành thời trang thế giới.

Cơ hội cho DN ngành dệt may Việt Nam mở rộng kết nối giao thương - Ảnh 3.

SaigonTex & SaigonFabric là cơ hội cho DN ngành dệt may Việt Nam mở rộng kết nối giao thương - Ảnh: VGP/Lê Anh

Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang cho rằng, triển lãm 2022 là cơ hội để đánh giá lại tình hình dệt may của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn ra trên toàn cầu, áp lực về sự cạnh tranh và sức mua trên thế giới giảm.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), cho biết dệt may là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước, không chỉ đóng vai trò là ngành sản xuất công nghiệp mang lại giá trị xuất khẩu cao, đứng thứ ba cả nước, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn người lao động

Hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đang sử dụng khoảng 2,5 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt khoảng 40 tỷ USD, thu nhập trung bình của lao động trong lĩnh vực dệt may khoảng 3.800 USD/người/năm.

Cơ hội cho DN ngành dệt may Việt Nam mở rộng kết nối giao thương - Ảnh 4.

SaigonTex & SaigonFabric tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và tự động hóa nhằm đáp ứng xu hướng thời trang mới của thế giới - Ảnh: VGP/Lê Anh

Tuy nhiên, ông Tài cũng chỉ ra rằng, kim ngạch xuất khẩu dệt may dù cao nhưng giá trị gia tăng còn ở mức thấp, ngành chưa chủ động được nguyên phụ liệu, chưa đáp ứng được các công đoạn thượng nguồn chuỗi cung ứng mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Bên cạnh đó, năng suất lao động cũng thấp hơn các nước trong khu vực, trình độ công nghệ ở mức trung bình khá.

Để ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững, ông Lê Hoàng Tài cho rằng, trong thời gian tới, ngành dệt may cần tăng cường phát triển theo chiều sâu, thay vì chiều rộng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.

Lê Anh

Top