Cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng

02/10/2024 2:29 PM

(Chinhphu.vn) - Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 và Triển lãm quốc tế về máy công cụ, giải pháp gia công kim loại diễn ra từ ngày 2 - 4/10 tại Trung tâm Hội nghị và triển lãm Sài Gòn (SECC), TPHCM sẽ giới thiệu đa dạng máy móc công cụ, sáng chế và công nghệ tiên tiến nhất cho ngành công nghiệp hỗ trợ.

Cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan và các đại biểu tham quan một gian hàng. Ảnh: VGP/AL

Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 (Supporting Industry Show 2024) và Triển lãm quốc tế về máy công cụ, giải pháp gia công kim loại (Metalex Vietnam 2024) đồng thời là cầu nối giúp các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể nâng cao năng lực sản xuất và từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Năm nay, sự kiện thu hút hơn 200 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, đem đến những công nghệ và giải pháp tiên tiến trong lĩnh vực cơ khí, gia công chính xác và tự động hóa.

Ngoài việc kết nối, triển lãm còn có các hoạt động hội thảo, diễn đàn chia sẻ kiến thức về xu hướng mới nhất trong ngành công nghiệp, đào tạo kỹ năng quản lý và áp dụng công nghệ. Đây là những bước chuẩn bị thiết yếu để Việt Nam không chỉ trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, mà còn nâng tầm vị thế của mình trên bản đồ công nghiệp khu vực và quốc tế.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, triển lãm công nghiệp hỗ trợ và Metalex Việt Nam là diễn đàn chuyên nghiệp để các doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu công nghệ và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.

Theo ông Hoan, đối với ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, tuy đã có những bước tiến tích cực trong những năm gần đây, tỷ lệ nội địa hóa vẫn còn chưa đạt kỳ vọng trong khi nhu cầu của các tập đoàn đa quốc gia về nguồn cung ứng nội địa ngày càng gia tăng, đặc biệt trong các lĩnh vực đòi hỏi trình độ công nghệ cao như hàng không, điện tử và ô tô. Vì thế, việc liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, nâng cao năng lực sản xuất và từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

TPHCM là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước. Thành phố đã và đang nỗ lực tạo ra một môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mũi nhọn, trong đó có ngành công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chính xác.

Cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng- Ảnh 2.

Một gian hàng của DN Việt Nam tại Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ 2024. Ảnh: VGP/AL

Ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TPHCM cũng khẳng định, Metalex Vietnam 2024 là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật bản gặp gỡ, kết nối và giới thiệu những giải pháp, công nghệ tiên tiến nhằm đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và sản xuất bền vững.

Thống kê từ Jetro, tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam năm 2023 được mở rộng là 41.9%, tăng 4.6 điểm so với năm trước đó. Về triển vọng nội địa hóa trong tương lai, 43,2% doanh nghiệp Nhật Bản phản hồi sẽ "mở rộng" tại Việt Nam, cao hơn nhiều so với mức trung bình 28.8% của khu vực ASEAN.

Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ (Supporting Industry Show) là triển lãm dựa trên sáng kiến chung Nhật Bản - Việt Nam được thiết lập từ năm 2003 theo thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Nhật Bản và Việt Nam nhằm cải thiện môi trường đầu tư Việt Nam và Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) liên quan đến hợp tác ngành công nghiệp hỗ trợ.

Triển lãm không chỉ tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản gặp gỡ thúc đẩy hợp tác, mà còn đóng vai trò là cầu nối giúp nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trên thị trường toàn cầu nói chung, Nhật Bản nói riêng.

Anh Lê

Top