Cử tri kiến nghị nhanh chóng giải quyết các dự án 'treo' kéo dài
(Chinhphu.vn) - Do dự án kênh Hy Vọng bị "treo" nên khoảng 200 hộ dân sống ven kênh này bị ảnh hưởng, mùa nắng bốc mùi hôi thối, mất vệ sinh; mùa mưa thì nước tràn lên, mang theo những ô nhiễm cho dân dọc hai bên bờ kênh.
Chiều 10/7, Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đơn vị 5 gồm ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; ông Trần Anh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý đổi mới doanh nghiệp TPHCM, có buổi tiếp xúc với cử tri quận Tân Bình, sau Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri Phạm Trung Tuyến và Hoàng Công Sự nêu ý kiến liên quan đến dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa. Đây là dự án quan trọng của Thành phố, kết nối trực tiếp với nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo cử tri, có 68 hộ dân ảnh hưởng bị giải tỏa trắng và một phần do dự án này. Người dân sẵn sàng di dời, giải tỏa để góp phần sớm giải tỏa ách tắc giao thông hiện nay. Tuy nhiên, đến giờ này, dù dự án đang được thi công dồn dập nhưng người dân vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo nào về việc di dời, giải tỏa, đền bù.
Đặc biệt, 9 hộ dân trên đường C12 hiện nằm hoàn toàn trên một ốc đảo bởi xung quanh đều đã được thi công. Vì vậy, cử tri thắc mắc vì sao một dự án trọng điểm như vậy và hiện đang được thi công khẩn trương mà những người dân nằm trong diện phải giải tỏa một phần và giải tỏa trắng thì vẫn chưa nhận được thông báo về việc di dời, giải tỏa, đền bù.
"Chúng tôi hiện tại ngoài bị tra tấn bởi tiếng ồn, khói bụi còn bị ảnh hưởng về mặt tinh thần khi bị người khác cho là không chịu giải tỏa để dự án được thi công", cử tri Hoàng Công Sự nói.
Còn cử tri Trần Ngọc Cường thì cho biết, trên địa bàn có dự án kênh Hy Vọng. "Nghe tên thì rất hay nhưng thực tế đến giờ này là thất vọng bởi vì kênh này là kênh thoát nước chính của sân bay Tân Sơn Nhất, cứ đến mùa mưa là nước ngập và tràn ra", cử tri này nói.
Ngoài ra, do dự án "treo" nên khoảng 200 hộ dân sống ven kênh này bị ảnh hưởng, mùa nắng bốc mùi hôi thối, mất vệ sinh, mùa mưa thì nước tràn lên, mang theo những ô nhiễm cho dân dọc hai bên bờ kênh. Người dân ở đây chủ yếu là thuê nhà trọ để ở cho nên công tác quản lý địa bàn cũng khó khăn. Cử tri này cho biết người dân rất mong dự án được thực hiện, thậm chí chấp nhận cả việc hiến đất.
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đề nghị các ĐBQH tiếp nhận ý kiến và có kiểm tra, giám sát, tác động để lãnh đạo TPHCM giải quyết quyết liệt việc thực hiện những dự án này.
Sớm phê duyệt chủ trương thực hiện dự án kênh Hy Vọng
Trả lời cử tri, bà Lê Thị Thu Sương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Tân Bình cho biết, đối với dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, có 85 trường hợp bị ảnh hưởng, 67 hộ dân và một tổ chức có hỗ trợ và bồi thường về đất, 17 trường hợp là đơn vị, tổ chức không được bồi thường và hỗ trợ về đất.
Hiện nay, UBND quận, hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án đã hoàn thiện dự thảo chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với 68 trường hợp trên. Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố cũng đang phối hợp với UBND quận lập, trình thẩm duyệt và phê duyệt đồ án quy hoạch tổng mặt bằng 1/500 của khu đất tái định cư để làm cơ sở ban hành quyết định thu hồi đất và quyết định bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho 67 hộ dân và một tổ chức nói trên.
Cũng theo bà Sương, đối với 17 trường hợp không được bồi thường và hỗ trợ về đất, UBND quận cũng đã ban hành các quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ; đã thực hiện bàn giao mặt bằng với tổng diện tích thu hồi là 130.305,44 m2. UBND quận cũng đã lập thủ tục bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố để triển khai dự án.
Với dự án kênh Hy Vọng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Tân Bình cho hay, HĐND TPHCM đã thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 05 về bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn ngân sách địa phương từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn.
Ngày 1/7/2022, UBND TPHCM đã có quyết định giao về nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trong đó Sở Xây dựng được giao nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cải tạo kênh Hy Vọng. Hiện các sở, ngành thành phố cũng đang thực hiện các thủ tục để phê duyệt chủ trương thực hiện dự án.
Thay mặt Tổ ĐBQH, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, đối với các dự án treo người dân phản ánh, Quốc hội có hẳn chuyên đề về giám sát về quy hoạch. Quốc hội cũng ban hành một chương trình tổng thể quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành.
Riêng địa bàn TPHCM, tính đến năm 2022 có khoảng 300 dự án treo. HĐND TPHCM cũng đã ban hành nghị quyết để xử lý về các dự án treo và đã có hơn 1.400 dự án đã bị xử lý, thu hồi.
Trong tổng số hơn 1.400 dự án bị xử lý thì có 402 dự án đã hoàn thành việc xử lý, thu hồi và vẫn còn 741 dự án đang thi hành, 302 dự án vẫn đang báo cáo trên giấy và đang rà soát.
Ông Đức bày tỏ, trên cơ sở ý kiến cử tri, chính quyền TPHCM cũng đã rất quyết liệt nhưng việc này vướng rất nhiều thứ.
Ông Đức đề nghị lãnh đạo quận Tân Bình gửi báo cáo cho Tổ ĐBQH, Đoàn ĐBQH TPHCM về các dự án đang được quy hoạch trên địa bàn quận, những dự án nào rơi vào tình trạng treo và cần phải được đánh giá, xem xét, kiến nghị HĐND thành phố xem xét thu hồi để Đoàn ĐBQH có kiến nghị.
Anh Thơ