Cử tri quan tâm đến việc lập lại trật tự vỉa hè, an toàn thực phẩm

05/07/2017 8:03 PM

(Chinhphu.vn) - Tại buổi thảo luận tại hội trường, các đại biểu tham gia kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM khóa IX đã nêu nhiều vấn đề cử tri quan tâm liên quan đến việc lập lại trật tự vỉa hè và an toàn thực phẩm. Chủ tịch HĐND: Lãnh đạo cần giải trình những vấn đề cử tri đặt ra

Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TPHCM trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND. Ảnh: VGP/Minh Phương

Không có chuyện lập lại trật tự vỉa hè để thu phí

Ngày 5/7, kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM khóa IX tiếp tục diễn ra ngày làm việc thứ 2 với phiên thảo luận tại hội trường. Phát biểu tại đây, đại biểu Diệp Hồng Di cho rằng biện pháp lập lại trật tự lòng lề đường như hiện nay chưa hiệu quả. Theo bà Di, nếu tổ chức cao điểm ra quân chấn chỉnh trật tự vỉa hè như vừa qua thì chưa phải giải pháp lâu dài bởi người dân đều có cách đối phó, thậm chí là có hành vi manh động, chống người thi hành công vụ.

“Chúng ta chưa có giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng mua bán hàng rong. Đi dọc đường vẫn thấy xe bán thuốc lá, thùng nước, khẩu trang… đẩy ra sát lòng đường. Địa bàn giáp ranh thì người bán hàng rong thường di chuyển từ phường nay sang phường khác nhằm tránh né lực lượng chức năng, việc này dễ gây ra tai nạn giao thông”, bà Di nói.

Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm thì thành phố đã tốn nhiều công sức để lập lại trật tự vỉa hè nhưng nay lại để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm. Việc này khiến người dân nghi ngờ về chủ trương lập trật tự vỉa hè của thành phố. Vừa qua thành phố đề xuất mức phí thuê vỉa hè từng địa bàn cũng khiến dư luận xôn xao.

Trả lời trước cử tri thành phố, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cho biết, vừa qua khi triển khai chương trình lập lại trật tự lòng lề đường, có báo nói là ra quân dẹp vỉa hè, hay giành lại vỉa hè… Đó chỉ là cách nói. Còn mục tiêu của thành phố là lập lại trật tự lòng lề đường. Ông Khoa cũng bác bỏ thông tin không chính xác về việc thành phố lập lại trật tự vỉa hè là để thu phí.

Theo ông Khoa, việc lập lại trật tự lòng lề đường là công việc mà chính quyền thành phố đã làm từ lâu nay nhằm xây dựng thành phố văn minh, không phải bây giờ mới làm. Còn việc đóng phí sử dụng vỉa hè thì các nước đều làm chứ không riêng gì thành phố và việc này đã có từ xưa.

Theo phó chủ tịch UBND TPHCM điều này đảm bảo công bằng, vì người sử dụng vỉa hè thu lợi từ đó thì phải có nghĩa vụ nộp lại 1 phần lợi để quản lý, bảo dưỡng lòng lề đường…

Ông Khoa khẳng định: “UBND TPHCM không hề có ý định dẹp lòng lề đường để thu phí. Còn vừa qua, Sở Giao thông vận tải có trình bảng giá thuê chỉ là trình lại vì nội dung này đã có từ mấy năm trước. Nhưng sau đó đồng chí Chủ tịch UBND yêu cầu là chưa xem xét, vì nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là lập lại trật tự lòng lề đường”.

Có kết quả xét nghiệm, thực phẩm bẩn đã vào bụng người dân

Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho biết trong thời gian tới đơn vị này sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát cũng như xử phạt nghiêm đối với những người buôn bán thực phẩm bẩn.

Theo người đứng đầu Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM thì hiện ban đang trong quá trình kiện toàn nhân sự, hoàn chỉnh thủ tục hành chính để tiến hành chức năng nhiệm vụ được phân công.

“Hiện có 59 thủ tục để cấp các loại giấy từ các bộ, 47 loại thủ tục được ủy quyền cho địa phương cấp liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm. Chính vì vậy các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm có cảm giác đang bị “bủa vây” bởi các thủ tục khác nhau”, bà Lan nêu.

Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, thời gian tới sẽ thành lập 8 đội thanh tra thường trực tại các quận, huyện, 3 đội thường trực ở các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức. Các đội thanh tra sẽ kết hợp với quận huyện thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm.

“Các đội này vào ban ngày sẽ kiểm tra, ban đêm sẽ kiểm dịch. Thành viên các đội thanh tra sẽ được giám sát chặt, nếu cần thiết sẽ luân phiên thay đổi địa bàn làm việc để tránh phát sinh tiêu cực”, bà Lan khẳng định và cho biết theo bộ luật hình sự sửa đổi, các hành vi dùng chất cấm trong sản xuất gây hại đến nhiều người có thể nhận mức án cao nhất là chung thân.

Theo trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM trước đây nếu lấy thực phẩm tươi sống kiểm nghiệm thì ba ngày mới có kết quả. Nếu kết quả dương tính thì thực phẩm bẩn đã vào bụng người dân. Vì vậy, Ban quản lý An toàn thực phẩm đã trang bị cho các đội thanh tra phòng xét nghiệm nhanh, nếu kết quả dương tính thì ngưng lô hàng đó lại để gửi đi xét nghiệm sâu. 

Minh Phương

Top