Đạo diễn, NSƯT Lê Dân đã “Sống lại ở quê hương”
(Chinhphu.vn) - Sống lại ở quê hương chính là tên một bộ phim truyện mà Đạo diễn, nghệ sĩ NSƯT Lê Dân đã làm lúc sinh thời, vào năm 2003. Đạo diễn, NSƯT Lê Dân qua đời
![]() |
Đạo diễn Lê Dân dự LHP Cannes 2010. Ảnh tư liệu. |
“Sống lại sau khi đã chết - chính là sự phục sinh cho cái mới bắt đầu”.
Khi ấy, với vai vừa trò biên kịch kiêm đạo diễn, ông đã say sưa cắt nghĩa, giải thích cho nhà sản xuất khi chọn đặt cho phim cái tên này.
Đạo diễn Lê Dân sinh năm 1928, từng là du học sinh theo học ngành luật tại Pháp từ năm 1946. Bởi thế, trong cốt cách của mình, ông đã sống và làm việc bằng tác phong nghiêm cẩn, nền nếp và mọi việc lớn, nhỏ luôn được sắp đặt ngăn nắp, gọn gàng, theo thứ tự, lớp lang của một trí thức được đào tạo bài bản. Có lẽ, nếu cứ theo nghề này, thì tên tuổi, địa vị của luật gia Lê Hữu Phước (là tên thật của ông) lại đã khác hẳn với bây giờ.
Nhưng, nghệ thuật điện ảnh đã thôi thúc, dẫn dắt ông chuyển ngành để theo học Điện ảnh Paris từ năm 1950 và trở về Sài Gòn để trở thành một đạo diễn với nghệ danh Lê Dân của hàng loạt những bộ phim truyện Điện ảnh Sài Gòn giai đoạn 1954 -1975 mang tư tưởng tiến bộ xã hội, nhân văn, thể hiện tấm lòng nhân ái khi phản ánh hiện thực tại các đô thị, nông thôn miền Nam thời đó, như: Hồi chuông Thiên Mụ (1957), Loan mắt nhung (1970),Tình Lan và Điệp (1971), Trước giờ giới nghiêm, Nhà tôi (1972), Xóm tôi, Trường tôi (1974)… và để rồi hơn 60 năm gắn bó trọn đời cho Điện ảnh Việt Nam với biết bao thăng trầm với những: Con mèo nhung (1981), Pho tượng (1982 – Giải đặc biệt LHP Việt Nam lần thứ 6, năm 1983), Xương Rồng đen (1991 – Giải Bông Sen Bạc LHP Việt Nam lần thứ 10, năm1993 và Giải A Hội Điện ảnh Việt Nam, năm 1994), Ông cố vấn (1994), Người con gái đất đỏ (1995), Mặt trận không tiếng súng (2000), Sống lại ở quê hương (2003), Những bức thư từ Sơn Mỹ (2010)…
Giới nghiên cứu, học thuật cũng không quên nhắc nhớ những cuốn sách Nghệ thuật diễn xuất, Nghệ thuật viết kịch bản điện ảnh và truyền hình, Ngôn ngữ điện ảnh… mà ông là tác giả. Trong đội ngũ những người làm điện ảnh, truyền hình, có nhiều người từng là học trò của thày Lê Dân.
Cùng với nhiều đạo diễn khác, ông không chỉ được coi là “người thày mát tay” làm nên những nhân vật phim truyện gắn liền với sự rạng rỡ của những diễn viên nổi tiếng như: Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng, Túy Hồng, Băng Châu, Huỳnh Thanh Trà, Diễm My, Việt Trinh, Thanh Thúy…, mà còn là người âm thầm mở đường, hướng nghiệp, động viên, khích lệ nhiều người đến với nghề điện ảnh ngay từ buổi đầu chập chững như: Gia Vũ, Duy Ngọc, Quang Đạt…
Do quá nhiều áp lực vất vả ngày đêm, nên có nhiều đoàn phim vẫn còn cảnh mắng, chửi nặng nhẹ với nhau. Nhưng ở đoàn phim của đạo diễn NSƯT Lê Dân, hầu như điều đó không thể có. Nhân cách trí thức nơi ông đã tác động tích cực, tạo nên không khí tôn trọng, cư xử có văn hóa giữa những người cộng sự.
Trong đoàn làm phim của ông, thường có một nội quy chặt chẽ bất thành văn - đó là, không một ai, vì bất cứ một lý do gì, được nói lớn tiếngvới nhau. Ông cặn kẽ dặn dò: “Mấy em coi, trên hiện trường cảnh quay, chỉ có đạo diễn được quyền hô to khi ra hiệu lệnh bấm máy và cắt máy. Vậy mà anh cũng có muốn dùng quyền đó đâu. Nên yêu cầu ai cũng nói nhỏ nhẹ, vừa đủ nghe để hiểu nhau rồi làm cho tốt. Nếu ai cần nói to như cãi nhau, thì đi chỗ khác”... Nhờ không khí ấm áp chân tình ấy, đoàn phim của ông vẫn đảm bảo tiến độ, lịch trình quay đâu ra đấy.
Người “nâng khăn sửa túi” cho đạo diễn Lê Dân lúc sinh thời là thiếu nữ mà ông yêu và yêu ông từ năm 18 tuổi, rồi trở thành người vợ để trọn đời gắn bó với nhau. Nhiều anh chị đoàn làm phim từng được chứng kiến cảnh vị đạo diễn lão thành khi đã ngoài 80 tuổi, vẫn ra hiện trường cảnh quay với niềm yêu điện ảnh say mê; vẫn hiền hòa, hạnh phúc bên vợ - người bạn đời thủy chung vẫn từng phút, từng giờ theo sát, chăm sóc ông trên từng cây số. Có lần, trong cảnh quay khuya kéo dài tới mờ sáng, ông vẫn âu yếm đưa tay vuốt nhẹ mái tóc vợ, rồi hóm hỉnh, nhỏ nhẹ động viên: “Yêu đạo diễn cực không Em? Ai bảo yêu làm chi cho khổ”…
Vâng. Ai bảo yêu làm chi cho khổ? Yêu điện ảnh. Yêu người bạn đời và yêu cuộc đời cho đến khi nhắm mắt, ông đã nếm trải biết bao vui, buồn, sướng, khổ… cùng cả thất bại lẫn thành công, danh tiếng. Sau 4 năm cô quạnh kể từ ngày vợ mất, giờ đây, Đạo diễn, nghệ sĩ NSƯT Lê Dân đã vĩnh biệt “cõi tạm” đi vào “chốn thiên thu” để gặp lại, để sống mãi với tình yêu của mình như chính ông từng chiêm nghiệm:“Sống lại sau khi đã chết - chính là sự phục sinh cho cái mới bắt đầu”.
Dù tiếc thương vô hạn, nhưng lòng vẫn nhủ thầm: Sự ra đi mãi mãi chính là chuyến trở về nguồn cội và đó - chính là sự đoàn tụ viên mãn của Tình Yêu.
Đỗ Lệnh Hùng Tú