Đầu tư cho công nghệ để duy trì tăng trưởng ngành bán lẻ

21/08/2023 9:22 AM

(Chinhphu.vn) - Đầu tư cho công nghệ và thay đổi mô hình đầu tư kịp thời đã giúp Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) duy trì được đà tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Đầu tư cho công nghệ để duy trì tăng trưởng ngành bán lẻ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR). Ảnh: VGP/Minh Thi

Tại Diễn đàn Kinh doanh lần thứ 11 (Business Forum 2023) – sự kiện thường niên do Forbes Việt Nam tổ chức vừa qua tại TPHCM, Diễn đàn Kinh doanh lần thứ 11 (Business Forum 2023) – sự kiện thường niên do Forbes Việt Nam tổ chức tại TPHCM, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho biết, đổi mới mô hình tăng trưởng là bài toán lớn mang tính thời sự hiện nay. 

Ở góc độ doanh nghiệp, đó là bài toán huy động và phân bổ nguồn lực hợp lý, kinh doanh hiệu quả và bền vững, đón bắt được các xu hướng công nghệ mới và các mô hình kinh doanh thay đổi. Ở góc độ tế vĩ mô, là việc chuyển đổi cách thức tăng trưởng từ khai thác tài nguyên sẵn có sang tăng trưởng theo chiều sâu với hàm lượng chất xám cao.

"Đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số là những đầu tư 'không hối tiếc' song song với thay đổi mô hình đầu tư không chỉ giúp các doanh nghiệp nói chung và Saigon Co.op nói riêng vượt qua khủng hoảng mà tạo đà cho tăng trưởng giai đoạn lâu dài vè sau. 

Mỗi doanh nghiệp tham gia vào thương mại điện tử, số hóa cần phải có sự lựa chọn về lối đi riêng phù hợp của mình dựa trên thế mạnh của mình, áp dụng nhanh chóng để theo kịp sự thay đổi và cập nhật liên tục của công nghệ hiện đại", ông Nguyễn Anh Đức nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Saigon Co.op là một đơn vị kinh tế đặc thù và Saigon Co.op vẫn tăng trưởng nửa đầu năm và thị trường chỉ giảm tốc chứ không khủng hoảng. Trong vòng 2 năm qua và đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2023 nền kinh tế cũng như thị trường gặp phải những khó khăn ở những quốc gia có mối quan hệ giao thương rất mật thiết với Việt Nam, đặc biệt có ảnh hưởng trực diện rất lớn với ngành bán lẻ. 

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố khó khăn khách quan đó, thì tại Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền địa phương liên tục ban hành nhiều nghị quyết, thông tư, nghị định cùng vực dậy nền kinh tế. Nắm bắt kịp thời và linh hoạt những chỉ đạo đó, Saigon Co.op đã đưa ra những giải pháp phù hợp.

Đầu tư cho công nghệ để duy trì tăng trưởng ngành bán lẻ - Ảnh 2.

Saigon Co.op đã cải tổ hiệu suất bên trong, tận dụng nguồn lực sẵn có để ,duy trì được đà tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế khó khăn - Ảnh - VGP/Minh Thi

Saigon Co.op đã tập trung tăng trưởng theo chiều sâu, hy sinh những điểm bán, mặt hàng, dịch vụ chưa thật sự hiệu quả tốt. Nhờ vậy, giữ tốc độ tăng trưởng trong sáu tháng đầu năm tương đối khả quan. 

Đồng thời, Saigon Co.op cũng phải cải tổ hiệu suất bên trong, tiết kiệm theo phương châm "Do more with less" (Làm nhiều hơn với ít công hơn) – tận dụng nguồn lực sẵn có, xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững vàng, vượt qua những giai đoạn khó khăn, tạo sự tăng trưởng theo chiều sâu và thực hiện nghiên cứu sâu để tận dụng những lợi ích của các chính sách hỗ trợ gần đây nhằm tạo cú hích cho các sản phẩm, ngành hàng và địa bàn kinh doanh.

Ông Nguyễn Anh Đức cho rằng Saigon Co.op luôn trong tâm thái lạc quan, chủ động và sẵn sàng đón nhận các chính sách trong nước như tăng tốc đầu tư công, giảm thuế VAT, thông qua Nghị quyết 98 cho TPHCM. 

Hiện tại Saigon Co.op áp dụng chính sách 3+5 đó là 3 tháng Saigon Co.op kiên trì làm theo những mục tiêu đã đề ra, 5 việc chuẩn bị cho dự báo sẽ có một tốc độ tăng trưởng có thể thấp hơn, nhưng tốc độ tăng trưởng thấp hơn không có nghĩa là không hiệu quả hơn, đó là:

Thứ nhất, triển khai kế hoạch cụ thể dựa trên các chính sách ban hành trong nước, kể cả những khía cạnh có định hướng toàn cầu, tận dụng những góc độ đó dựa trên thế mạnh của doanh nghiệp.

Thứ hai, liên kết, chia sẻ, cởi mở với cộng đồng doanh nghiệp, hưởng ứng, vận dụng để thực hiện công tác kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn….

Thứ ba, chọn lọc những thế mạnh, có sự tập trung mũi nhọn, không dàn trải trong hoạt động.

Thứ tư, xác định lại xu hướng, thói quen của người tiêu dùng, lắng nghe tiếng nói khách hàng.

Thứ năm, chủ động tuyệt đối trong vấn đề quản trị rủi ro trong tình hình hiện nay.

Minh Thi

Top