Đầu tư vào khu chế xuất, khu công nghiệp ở TPHCM tăng mạnh
(Chinhphu.vn) - Trong quý I/2021, thu hút đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX- KCN) TPHCM đạt 224,61 triệu USD, tăng 66,34% so với cùng kỳ năm trước.
HEPZA họp báo thông tin tình hình hoạt động Quý I. Ảnh: VGP/Băng Tâm |
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM, thông tin, trong quý I/2021, tổng vốn thu hút đầu tư kể cả cấp mới và điều chỉnh đạt 224,61 triệu USD, trong khi kế hoạch cả năm là 500 triệu USD. Kết quả này đã tăng 66,34% so với cùng kỳ 2020.
Cụ thể, thu hút đầu tư FDI đạt 119,21 triệu USD, tăng gần 81% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 3 dự án cấp mới thuộc lĩnh vực hạ tầng, nhà xưởng cho thuê tại KCN Tân Phú Trung và Linh Trung với số vốn đầu tư đăng ký là 122,21 triệu USD, tăng gấp 22,23 lần so với năm trước và 1 dự án tăng vốn điều chỉnh tăng 1 triệu USD.
Song song với đó, thu hút đầu tư trong nước tiếp tục tăng cao và ổn định với tổng vốn đầu tư đạt trên 2.437 tỷ đồng (tương đương 105,4 triệu USD), tăng gần 53% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 9 dự án mới với vốn đầu tư đăng ký trên 2.000 tỷ đồng, tăng 58,69% và 4 dự án điều chỉnh tăng vốn với gần 418 tỷ đồng, tăng khoảng 29% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Hưng, khó khăn nhất hiện nay của HEPZA là vấn đề quỹ đất ngày càng thu hẹp. Sau nhiều lần chủ động mời lãnh đạo Thành phố làm việc và đưa ra những kiến nghị tháo gỡ, lãnh đạo HEPZA hy vọng cuối năm 2021 sẽ có thêm quỹ đất sạch mới. Trước mắt HEPZA tiến hành song song hoàn thiện thủ tục pháp lý hình thành khu mới và giải quyết những vướng mắc với quỹ đất còn lại để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Năm 2021, HEPZA cũng đặt trọng tâm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu đầu tư trong khu chế xuất, khu công nghiệp, thu hút đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng khoa học-công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số.
Nhất là ngành cơ khí phát triển theo hướng tự động hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngành công nghệ thông tin như thiết bị điện tử, thông tin, phần mềm, vi mạch, robot...
Đồng thời, phát triển công nghiệp thời trang ngành dệt may, da giày, công nghiệp thiết kế; khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp; trong đó, chú trọng vào việc xây dựng nhà xưởng tiêu chuẩn và nhà xưởng cao tầng nhằm đáp ứng việc thu hút đầu tư trong bối cảnh quỹ đất khu công nghiệp ngày càng hạn hẹp.
Hiện các khu công nghiệp hiện hữu đang hoạt động dần lấp đầy, một số khu công nghiệp đang hoạt động gặp khó khăn trong lĩnh vực đất đai liên quan đến xác định đơn giá thuê đất với nhà nước, giao đất, cho thuê đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng… sẽ ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình thu hút đầu tư của HEPZA trong thời gian tới.
Băng Tâm