Đẩy mạnh hợp tác đầu tư giữa Hiệp hội DN Nhật Bản tại TPHCM với Hiệp hội DN Thành phố

30/11/2022 1:57 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 30/11 tại TPHCM đã diễn ra “Hội nghị bàn tròn Nhật Bản tại TPHCM”. Đây là hoạt động thường niên do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cùng với các sở, ban, ngành Thành phố và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM (JCCH) phối hợp tổ chức.

Đẩy mạnh hợp tác đầu tư giữa Hiệp hội DN Nhật Bản tại TPHCM với Hiệp hội DN Thành phố - Ảnh 1.

Hội nghị bàn tròn Nhật Bản tại TPHCM là hoạt động thường niên nhằm giải đáp những thắc mắc, kiến nghị từ phía các DN Nhật Bản với chính quyền TPHCM. Ảnh: VGP/Lê Anh

Nhiều vấn đề kiến nghị của DN được tháo gỡ

Trong những năm qua, Nhật Bản luôn là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của TPHCM về thương mại và đầu tư. Tính lũy kế cho đến hết tháng 11 năm 2022, Nhật Bản có 1.568 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt 5,5 tỷ USD; đứng vị trí thứ 03/117 nước về tổng vốn đầu tư các dự án còn hiệu lực trên địa bàn Thành phố. Hiện nay, các nhà đầu tư Nhật Bản đang tập trung đầu tư vào các ngành như: công nghiệp chế biến, chế tạo,  bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ, Xây dựng.

Phát biểu tại hội nghị, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC cho biết, trước khi hội nghị chính thức diễn ra, trong hai ngày 16 và 21/11, ITPC đã phối hợp 12 Sở ngành Thành phố và JCCH tổ chức bốn phiên họp để giải quyết các vướng mắc, kiến nghị từ các DN Nhật Bản, trong đó, lĩnh vực thuế bao gồm các nội dung, như: thanh tra thuế chuyển giá; về việc đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế VAT. Về lĩnh vực Hải quan bao gồm 06 nội dung, như: gia công vận tải trong kho ngoại quan; kiểm tra vận hành của máy móc, thiết bị nhập khẩu; kiến nghị về việc nhập khẩu hóa chất. Trong lĩnh vực Môi trường - Đời sống với các kiến nghị như bố trí các phương tiện di chuyển an toàn từ sân bay đến nội thành và ngược lại; kiến nghị cải thiện về mặt vệ sinh – môi trường đô thị; các giải pháp về tình hình giao thông của Thành phố.

Lĩnh vực Pháp luật - Lao động với các kiến nghị về xem xét lại giới hạn trần về số giờ làm thêm và giải thích về quy định về giấy phép lao động và "di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp" trong pháp luật Lao động…Bà Vân cho biết, qua quá trình làm việc, các cơ quan chính quyền Thành phố đã giải đáp 23 câu hỏi, vấn đề lớn của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản nêu ra.

Ông Nakagawa Motohisa, Phó Chủ tịch JCCH kiêm Trưởng ban môi trường kinh doanh đánh giá cao nỗ lực của chính quyền Thành phố và cho biết, qua quá trình làm việc với các sở, ngành Thành phố, nhiều vấn đề, nội dung mà các DN Nhật Bản kiến nghị đã được giải quyết hoàn toàn, còn một số vấn đề đã và đang tiếp tục được gỡ vướng, giải quyết từng phần hoặc đề xuất với chính quyền Thành phố kiến nghị các bộ, ngành giải quyết như vấn đề liên quan đến bảo hiểm, làm thêm giờ, giấy phép lao động…

Đẩy mạnh hợp tác đầu tư giữa Hiệp hội DN Nhật Bản tại TPHCM với Hiệp hội DN Thành phố - Ảnh 2.

Ông Nakagawa Motohisa, Phó Chủ tịch JCCH kiêm Trưởng ban môi trường kinh doanh cho biết nhiều kiến nghị của DN Nhật Bản đã được sở, ngành Thành phố tháo gỡ và hướng dẫn kịp thời. Ảnh: VGP/Lê Anh

Ưu tiên các ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học - công nghệ

Thông tin tới các DN Nhật Bản tại hội nghị, ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, cho biết trong 09 tháng năm 2022,tình hình phục hồi và phát triển kinh tế Thành phố đã đạt được nhiều kết quả hết sức tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm ước tăng 9,71% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 804.728 tỷ đồng, tăng 25,9% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 19,6% so với cùng kỳ, trong đó bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 24,4% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt gần 36 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ.

Ông Chánh cho biết, để thu hút đầu tư, bên cạnh việc áp dụng các chính sách của Trung ương, TPHCM đã chủ động thực hiện các biện pháp cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi hơn nữa cho các Nhà đầu tư lựa chọn Thành phố là điểm đến của các dự án đầu tư; cụ thể: Thành phố đã cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục đăng ký đầu tư so với tổng thời gian theo luật định.

Ông Watanabe Nobuhiro, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM đánh giá cao nỗ lực hồi phục và phát triển kinh tế TPHCM một cách mạnh mẽ. Đồng thời ông cho biết, Việt Nam ngày càng quan trọng đối với các DN FDI khi phát triển và đa dạng các chuỗi cung ứng, thu hút được nhiều DN, tập đoàn lớn đến đầu tư.

Ông Watanabe Nobuhiro cho rằng, sự phục hồi và phát triển của TPHCM là động lực cho sự phát triển của Việt Nam. Các DN Nhật bản mong muốn đầu tư mạnh mẽ hơn nữa tại Việt Nam nói chung và TPHCM  nói riêng. Đồng thời sẵn sàng hợp tác tích cực với các DN Việt Nam để cùng phát huy thế mạnh của hai bên, giúp DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị.

Đẩy mạnh hợp tác đầu tư giữa Hiệp hội DN Nhật Bản tại TPHCM với Hiệp hội DN Thành phố - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan khẳng định, TPHCM đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư. Ảnh: VGP/Lê Anh

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan khẳng định, TPHCM đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, về nguồn nhân lực, về môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch của doanh nghiệp. Không chỉ tại Hội nghị Bàn tròn Doanh nghiệp Nhật Bản ngày hôm nay, những thắc mắc, câu hỏi tiếp theo của các doanh nghiệp, nhà đầu tư liên quan đến môi trường đầu tư – kinh doanh, sẽ được được chính quyền Thành phố lắng nghe, giải quyết trong thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết một cách sớm nhất. 

Ông Võ Văn Hoan cũng mong muốn đẩy mạnh hơn nữa hợp tác đầu tư giữa Hiệp hội DN Nhật Bản tại TPHCM với Hiệp hội DN Thành phố. Theo đó, hai hiệp hội sẽ thường xuyên trao đổi hợp tác chuyên sâu cùng một vấn đề mà 2 bên quan tâm. Đồng thời, JCCH hỗ trợ và hợp tác với các DN TPHCM để có thể mở rộng các hoạt động đầu tư tại Nhật Bản.

Chia sẻ về lĩnh vực thu hút đầu tử của TPHCM, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Đào Minh Chánh cho biết, TPHCM ưu tiên kêu gọi hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực: Thương mại điện tử, logistic, hàng tiêu dùng và bán lẻ; các hoạt động thiết kế, sản xuất, xuất khẩu tham gia vào chuỗi cung ứng trong và ngoài nước, phát triển ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Thành phố cũng ưu tiên các ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao (cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su, chế biến tinh lương thực, thực phẩm) dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số, nhất là ngành cơ khí theo hướng tự động hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngành công nghệ thông tin (thiết bị điện tử, thông tin, phần mềm, vi mạch, robot,...); công nghiệp điện tử, công nghiệp an toàn, an ninh mạng; công nghiệp Internet Vạn vật (IoT) và thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

Lê Anh

Top