Đẩy mạnh hợp tác đầu tư giữa TPHCM với các tỉnh Tây Nguyên
(Chinhphu.vn) - Tăng cường hợp tác đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên tham gia ‘‘Tick xanh trách nhiệm’’ nhằm cung ứng sản phẩm chất lượng cao của địa phương cho các hệ thống phân phối hiện đại, qua đó tạo động lực mới cho sự hợp tác phát triển của TPHCM và của vùng Tây Nguyên.
Ngày 3/1, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), UBND TPHCM phối hợp với UBND các Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo TPHCM, lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên và cộng đồng doanh nghiệp về hợp tác đầu tư.
Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện hội nghị tổng kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2024 và triển khai kế hoạch hợp tác năm 2025.
Hội nghị tập trung thảo luận về chính sách thu hút đầu tư, lĩnh vực thế mạnh của các địa phương; đầu tư cho hệ thống phân phối: Liên quan đến hoạt động và nhu cầu đầu tư của các đơn vị phân phối tại vùng Tây Nguyên; đề xuất, kiến nghị đối với địa phương về các chính sách hỗ trợ đầu tư; phát triển vùng nguyên liệu nhằm phát triển vùng nguyên liệu bền vững, an toàn tại Tây Nguyên.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, khẳng định vùng Tây Nguyên có nhiều tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, khí hậu, du lịch, nông nghiệp, khoáng sản, di sản văn hóa… Ông S mong muốn các doanh nghiệp TPHCM tiếp tục quan tâm đến các tỉnh Tây Nguyên, cùng nhau khai thác các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội thông qua các chương trình hợp tác.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết tại Bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM và các tỉnh vùng Tây nguyên ký kết vào tháng 12/2022, có 5 lĩnh vực hợp tác phát triển gồm: Du lịch; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; y tế, giáo dục; nông nghiệp. Đến nay, quá trình hợp tác giữa các địa phương đã đạt được một số kết quả khả quan.
Riêng trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, hồi tháng 4/2024, TPHCM và 5 tỉnh Tây Nguyên công bố 558 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực: hạ tầng giao thông, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất chế biến, du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ, logistics, y tế…
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, cho biết, thời gian qua sự hợp tác rộng mở của các doanh nghiệp là minh chứng rõ ràng nhất trong hợp tác giữa TPHCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên. Đồng thời mong muốn doanh nghiệp, các địa phương tìm ra hướng đi mới, cách tiếp cận và tư duy hợp tác mới, từ đó dẫn đến hành động mới, tạo ra các kết quả hoạt động hợp tác hiệu quả hơn. Qua đó góp phần tạo ra động lực mới cho sự phát triển của TPHCM và của vùng Tây Nguyên, đóng góp vào bước phát triển mới của đất nước.
Trước đó, ngày 2/1, đã diễn ra hội nghị triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa giữa TPHCM và 5 tỉnh Tây Nguyên. Tại chương trình, TPHCM, các tỉnh Tây Nguyên và 8 nhà bán lẻ đã ký kết thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa. Trong đó, các tỉnh Tây Nguyên có trách nhiệm thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia ''Tick xanh trách nhiệm'', cung ứng sản phẩm chất lượng cao của địa phương mình cho các hệ thống phân phối.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết vào tháng 3/2024, Lãnh đạo TPHCM đã phát động Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa (gọi tắt là chương trình "Tick xanh trách nhiệm"). Đây là quyết tâm xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, bền vững của lãnh đạo TPHCM nhằm định hướng sản xuất an toàn, bền vững thông qua tín hiệu thị trường trên nguyên tắc tự nguyện, minh bạch và trung thực; tạo cơ hội cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ, phát triển thị trường, nâng cao sức cạnh tranh trước những nhà sản xuất chạy theo lợi nhuận bất chấp quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.
Anh Lê