Đẩy mạnh kết nối cung cầu chuỗi cung ứng dệt may để nâng cao giá trị

29/07/2022 7:19 PM

(Chinhphu.vn) - Ngành dệt may cần đa dạng nguồn cung cấp nguyên liệu; tăng cường kết nối, sáng tạo giữa các doanh nghiệp (DN) trong nước để đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu nhằm tăng tính chủ động trước những diễn biến khó lường của tình hình thế giới.

Tăng cường kết nối chuỗi cung ứng

Chiều 29/7, Hội thảo kết nối cung cầu chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam sau đại dịch trong khuôn khổ "Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp dệt may – thiết bị và nguyên phụ liệu" do Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức tại TPHCM thu hút nhiều chuyên gia, doanh nghiệp (DN) ngành dệt may tham gia.

Đẩy mạnh kết nối cung cầu chuỗi cung ứng dệt may để nâng cao giá trị - Ảnh 1.

Hội thảo kết nối cung cầu chuỗi cung ứng dệt may - Ảnh: VGP/Lê Anh

Tại hội thảo, nhiều DN dệt may trong nước đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của mình, đồng thời bày tỏ mong muốn được kết nối, hợp tác với các DN trong ngành để cùng nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn hàng của đối tác.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho biết năm 2022, các DN dệt may từng bước phục hồi và có sự tăng trưởng ấn tượng sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt khoảng 18,65 tỷ USD, tăng 21,6 % so với cùng kỳ năm 2021. Theo số liệu của Bộ Công Thương, Việt Nam đang đứng vị trí thứ 3 trong tốp các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất triên thế giới, chiếm 6,4% thị phần toàn cầu, sau Trung Quốc chiếm 31,6% và châu Âu 27,9. Ở chiều ngược lại, 3 thị trường có nhu cầu nhập khẩu dệt may lớn nhất toàn cầu và cũng là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là EU chiếm 34,1% thị phần toàn cầu, tiếp theo là Hoa Kỳ chiếm 16,8% và Nhật Bản chiếm 5,3%.

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM Nguyễn Xuân Hồng cho biết, ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức.

Đáng lo ngại là tiêu dùng tại một số thị trường suy giảm do lạm phát tăng cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ, EU; diễn biến phức tạp của xung đột Nga – Ukraine khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm dệt may Việt Nam.

Cùng với đó là ảnh hưởng do biến động tỉ giá trong hoạt động xuất nhập khẩu, tình trạng thiếu lao động sau đại dịch hay các yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi, yêu cầu xanh hóa dệt may từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới cũng là vấn đề các DN đang đối mặt.

Đồng quan điểm nêu trên, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, một trong những DN xuất khẩu lớn trong ngành dệt may cũng dự báo tình hình sắp tới sẽ còn nhiều khó khăn đối với DN dệt may.

Theo ông Việt, xuất khẩu dệt may vào EU, Mỹ đang có xu hướng giảm, tới đây thị trường Nhật cũng sẽ giảm mua và dự báo giảm mạnh vào quý I/2023. Hiện có DN đang phải cắt giảm sản xuất còn 5 buổi/tuần.

Để ngành dệt may vượt qua giai đoạn khó khăn sắp tới, ông Phạm Văn Việt cho rằng, DN chỉ có cách kiểm soát chi phí; tiếp tục đầu tư nâng cấp máy móc, công nghệ; nghiên cứu kỹ tiêu chuẩn của nhãn hàng, nhu cầu thị trường. Ngoài ra, cần đa dạng nguồn cung cấp nguyên liệu; tăng cường kết nối, sáng tạo giữa các DN trong nước để đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu trong nước để tăng tính chủ động, giảm lệ thuộc vào nguyên liệu của một vài thị trường, có như vậy, DN ngành may mặc mới nâng cao được giá trị xuất khẩu.

Chủ động hơn trong ứng phó với phòng vệ thương mại

Bên cạnh giải pháp đẩy mạnh kết nối cung cầu chuỗi cung ứng dệt may để nâng cao giá trị, theo các chuyên gia, DN ngành dệt may cần chủ động hơn trong ứng phó với phòng vệ thương mại

Thực tế cho thấy, với việc hội nhập sâu rộng, Việt Nam đang tham gia và thực thi 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với khoảng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Những ảnh hưởng từ việc gia tăng bảo hộ ngành sản xuất nội địa của các quốc gia nhập khẩu, cũng như tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan trong các FTA Việt Nam tham gia, sẽ làm gia tăng nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

Ông Phùng Gia Đức, Phó trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Bộ Công Thương cho biết, hàng hoá xuất khẩu Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, trong đó với lĩnh vực dệt may, da giày chiếm hơn 22 vụ

Theo ông Phùng Gia Đức, để tránh nguy cơ bị áp thuế phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần cập nhật thông tin từ đối tác nhập khẩu về tình hình thị trường, đặc biệt là các động thái khởi xướng vụ việc phòng vệ thương mại. Song song với đó, chuẩn hóa, minh bạch hệ thống quản trị, lưu trữ giấy tờ, tài liệu, kiểm soát lượng và giá xuất khẩu, sẵn sàng các đầu mối trợ giúp khi có vụ việc diễn ra.

Bên cạnh đó, doanh nghiêp nên có bộ phận pháp chế, luật sư có chuyên môn về phòng vệ thương mại để tư vấn kịp thời và khi có vụ việc diễn ra, phải tham gia hợp tác đầy đủ và toàn diện để tự chứng minh và giảm thiểu thiệt hại nếu bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Lê Anh

Top