Đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp trong môi trường giáo dục

15/03/2022 8:02 PM

(Chinhphu.vn) - Việc tăng cường ký kết hợp tác giữa “hai nhà” (nhà trường và nhà tuyển dụng) đã và đang tạo ra tác động tích cực mà người hưởng lợi nhiều nhất chính là sinh viên tại nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TPHCM.

Đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp trong môi trường giáo dục - Ảnh 1.

Sinh viên Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn đến thực hành tại một doanh nghiệp ở TPHCM - Ảnh: VGP/Khởi Minh

80% sinh viên sau thực tập được doanh nghiệp giữ lại

Đến thời điểm hiện tại, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn đã có được mạng lưới kết nối với gần 500 doanh nghiệp nhằm tạo môi trường tiếp cận phù hợp nhất cho người học theo từng chuyên ngành. Thời gian qua, nhà trường đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để xây dựng mối liên kết này, trong đó xoáy sâu vào trọng tâm cùng doanh nghiệp định hướng nghề nghiệp giúp sinh viên có sự chuẩn bị cần thiết để nắm bắt cơ hội khi gia nhập thị trường lao động. Cùng với đó, ban giám hiệu nhà trường và các khoa còn chủ động lấy ý kiến đánh giá của doanh nghiệp về chương trình đào tạo cũng như chất lượng làm việc của sinh viên, kịp thời điều chỉnh phương hướng đào tạo phù hợp với nhu cầu ngày càng nâng cao từ phía nhà tuyển dụng. Việc tổ chức cho sinh viên đi thực tập, kiến tập và tuyển dụng làm việc sau khi sinh viên tốt nghiệp được đẩy mạnh với tỷ lệ năm sau cao hơn năm trước.

Đại diện nhà trường cho biết, việc tăng cường ký kết hợp tác "hai nhà" đã thu về kết quả khả quan khi không chỉ đẩy thời gian thực hành, thực tập tại doanh nghiệp cho sinh viên lên cao nhất mà còn tạo được nguồn việc làm phong phú. Tín hiệu vui là đến nay, trên 80% sinh viên của Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn sau khi thực tập tại cơ sở đều được doanh nghiệp mời giữ lại làm việc chính thức. Tùy vị trí và doanh nghiệp thực tập mà sinh viên có chế độ đãi ngộ khác nhau nhưng hầu hết khối ngành Kỹ thuật - Công nghệ, Công nghệ ô tô, Kinh tế, Du lịch đều có sự hỗ trợ kinh phí cho sinh viên thực tập với mức cao nhất là 250.000 đồng/người/ngày.

Tại Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM, Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng của Trường cho hay, chính sự hợp tác "hai nhà" đã giúp nhà trường có sự điều chỉnh hợp lý để trở nên nhạy bén hơn trong việc tiếp cận thị trường lao động đầy tính cạnh tranh. Mấy năm nay, mô hình "Câu lạc bộ Doanh nhân đồng hành" tại trường đã phát huy tối đa hiệu quả. Gần 50 giảng viên doanh nhân đã làm việc trực tiếp với từng khoa để đánh giá, góp ý và chung tay điều chỉnh chương trình đào tạo sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế, hạn chế tối đa tình trạng sinh viên tốt nghiệp rồi thất nghiệp. Không dừng lại ở việc chung tay điều chỉnh chương trình đào tạo, các doanh nhân, chuyên gia từ phía doanh nghiệp còn tham gia giảng dạy trực tiếp tại trường để truyền lại kinh nghiệm thực tế cho người học.

Tăng thời lượng thực hành (lên tới 70%), chủ động đưa sinh viên đến doanh nghiệp tìm hiểu môi trường, tham gia thực tập, thực hành và tạo mọi điều kiện để người học làm việc trực tiếp trong quá trình đào tạo để vừa có thêm thu nhập, vừa tăng cơ hội cọ xát thực tế là cách mà Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM đã và đang triển khai nhằm tận dụng tối đa cái "bắt tay" với nhà tuyển dụng.

"Việc học lý thuyết giờ chỉ là nền tảng cơ bản, còn lại sinh viên được thực hành tại trường và doanh nghiệp dưới sự định hướng, hỗ trợ, góp ý từ các doanh nhân, giảng viên. Chính cơ hội tiếp xúc này giúp sinh viên nhận ra những thiếu sót của bản thân và điều chỉnh kịp thời, ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu do doanh nghiệp đặt ra. Ở mối liên kết này, nhà trường được lợi khi không thất thoát nguồn sinh viên đầu ra, sinh viên thì học đủ kiến thức, kỹ năng, làm đúng chuyên môn, còn doanh nghiệp sẽ sàng lọc trực tiếp nguồn nhân lực để tuyển dụng theo nhu cầu", ông Lý phân tích thêm.

Đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp trong môi trường giáo dục - Ảnh 2.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM thời gian qua đã ký kết hợp tác với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp để gia tăng cơ hội cọ xát thực tế của sinh viên - Ảnh: VGP/Khởi Minh

Cái bắt tay hiệu quả

Còn với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM, hoạt động hợp tác với doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên theo nhu cầu thực tế đã được thực hiện từ nhiều năm nay thông qua các nội dung chính như hợp tác thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội địa phương, đưa sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp, doanh nghiệp hiến tặng học bổng và cơ sở vật chất… Trong đó, các hoạt động trao tặng học bổng khuyến học cho sinh viên và tuyển dụng được nhiều đối tác thực hiện thường xuyên. Điều khiến nhà trường an tâm là phía doanh nghiệp có phản hồi tích cực với những sinh viên tham gia thực tập, thử việc từ kênh liên kết "hai nhà".

Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp nhà trường cho biết, các doanh nghiệp ký kết hợp tác với trường chủ yếu tập trung ở các mảng truyền thông, dịch vụ du lịch, bán lẻ, nông nghiệp, dịch vụ văn hóa, bất động sản…và đa phần là các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn toàn cầu hay các hiệp hội nghề nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có nhiều đóng góp thiết thực trong việc định hướng, hỗ trợ và tạo môi trường thực hành, thực tập cho sinh viên. Trường hiện đang triển khai chương trình "Đối tác dài lâu" nhằm tạo mạng lưới 100+ doanh nghiệp trong và ngoài nước có các hoạt động hợp tác cùng phát triển. Đây là kế hoạch lớn và đang được ráo riết triển khai thực hiện.

"Học kỳ doanh nghiệp" là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất tại Trường Đại học Gia Định trong mấy năm trở lại đây. Đại diện nhà trường cho biết, chính mối quan hệ hợp tác với gần 1.000 doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước đã giúp sinh viên có hàng ngàn cơ hội trải nghiệm, cọ xát môi trường thực tế và bổ sung các kỹ năng, kiến thức cần thiết. Ngay từ năm thứ nhất, sinh viên đã được nhà trường bố trí tham gia "Học kỳ doanh nghiệp" để tìm hiểu sâu hơn về ngành nghề, từng bước làm quen với những kiến thức chuyên môn. Bước sang năm thứ hai, sinh viên được đi kiến tập, thực tập ngay tại doanh nghiệp. Tới năm thứ ba, các bạn bước sâu hơn vào "Học kỳ doanh nghiệp", đi thực tập, trải nghiệm thực tế hoặc vào làm việc trực tiếp tại các tập đoàn, công ty nếu nhà tuyển dụng có nhu cầu.

Theo Tiến sĩ Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Truyền thông Đại học Gia Định, hoạt động ký kết hợp tác "hai nhà" bao giờ cũng tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm nhằm giúp đầu ra của sinh viên không "vênh" so với nhu cầu của nhà tuyển dụng. Như vậy, sinh viên chẳng mất thời gian "chờ" và doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí đào tạo lại: "Mối quan hệ này tạo điều kiện kiến tập, thực tập và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, thậm chí nhiều em còn được nhận vào doanh nghiệp làm việc ngay khi còn học.

Khi ký kết hợp tác với doanh nghiệp, nhà trường không chỉ đưa các em sinh viên đến cơ sở thực tập, thực hành mà còn có thể mời các giảng viên là doanh nhân về tham gia giảng dạy theo triết lý chọn lọc ứng dụng. Từ chương trình "Học kỳ doanh nghiệp", tự thân nhiều sinh viên đã biết điểm yếu của mình ở đâu, cần bổ sung thêm những gì mới đáp ứng được yêu cầu do nhà tuyển dụng đặt ra. Do vậy, ngay từ năm hai, năm ba, các em đã chủ động thích nghi với môi trường mới, chủ động tiếp nhận kiến thức, kỹ năng để nhận về sự đánh giá cao từ các doanh nghiệp"./.

Khởi Minh

Top