Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 40% GRDP của TPHCM
(Chinhphu.vn) - Đến năm 2030, dự kiến TPHCM thuộc nhóm 2 địa phương dẫn đầu về chính quyền số, kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 9%.
Ảnh minh họa - Internet |
Tập trung số hóa dữ liệu
TPHCM triển khai đề án Đô thị thông minh từ cuối năm 2017, đến nay, Thành phố đã đạt một số kết quả và tạo nên sự khác biệt so với các tỉnh, thành phố khác.
Thứ nhất, Thành phố triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc trước mắt của người dân. Mục đích của đề án là có thêm phương tiện để người dân tham gia vào hoạt động quản lý của chính quyền, tham gia vào hoạt động cung cấp dịch vụ công. Trong khi đó các sở, ngành đã ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết dịch vụ công. Ví dụ như tổng đài 1022 ghi nhận, tiếp nhận những ý kiến phản ánh của người dân về trật tự đô thị, vỉa hè, giao thông. Ở cấp quận, huyện đã tăng cường các ứng dụng trực tuyến để người dân dễ dàng phản ánh kiến nghị, có thể phản ánh ngay khi thấy một cái hố ga hay một điểm đen về rác…
Thứ hai, TPHCM tập trung vào số hóa dữ liệu. Đây là sự khác biệt trong Đề án của TPHCM so với các tỉnh, thành khác. Cụ thể, Thành phố đang xây dựng kho dữ liệu dùng chung, trên cơ sở đó các sở, ngành tích hợp dữ liệu vào hệ thống và chia sẻ dữ liệu đó để tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước. Đồng thời dữ liệu dùng chung cung cấp, hình thành dịch vụ hành chính công trực tuyến và tiến tới công khai cho người dân và doanh nghiệp cùng khai thác sử dụng.
Đây là hai đặc điểm khác biệt của TPHCM khi triển khai đề án Đô thị thông minh, mục tiêu trước mắt là làm sao để người dân cảm nhận được sự thay đổi hàng ngày của Thành phố thông qua sự hoàn thiện không ngừng các dịch vụ công. Chiến lược lâu dài là hình thành kho dữ liệu để thực hiện số hóa. Đây cũng là những bước đi ban đầu, quan trọng để tiến đến quá trình chuyển đổi số của Thành phố.
Lợi ích cho cả người dân, hiệu quả cho chính quyền
Khái niệm thành phố thông minh được đánh giá thông qua những dịch vụ công mà người dân tiếp cận hàng ngày như khai báo nhân khẩu, giao thông, khám chữa bệnh…
Thành phố đẩy nhanh các ứng dụng số phục vụ người dân, trong đó nhiều ứng dụng dễ dàng cài đặt lên thiết bị di động. Hiện có 5 ứng dụng được người dân thường xuyên sử dụng: Ứng dụng tránh kẹt xe, được phát triển bởi Sở GTVT, với các mục chính: Bản đồ, Cảnh báo, Camera, Phản ánh... Ứng dụng tránh đường ngập nước UDI Maps được xây dựng và phát triển bởi Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM cung cấp cho người dùng các thông tin về những khu vực đang “tụ nước” trong Thành phố.
Ứng dụng Thông tin quy hoạch TPHCM, giúp người dân tra cứu thông tin liên quan đến nhà đất từ xa, tiết kiệm thời gian và công sức đi lại. Ứng dụng SYT TPHCM nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cán bộ y tế dễ dàng tra cứu thông tin của ngành, giúp người dùng có thể tra cứu nơi khám chữa bệnh nhanh hơn. Ứng dụng thông báo sự cố để người dân báo cáo các sự cố trong lĩnh vực giao thông, chiếu sáng, thoát nước, điện lực…
Một số quận, huyện, sở, ngành cũng đưa vào triển khai nhiều ứng dụng số và bước đầu cải thiện rõ nét thời gian làm thủ tục hành chính công. Ví dụ điển hình như bệnh viện quận Bình Thạnh thực hiện quản lý hồ sơ bệnh án điện tử. Ở Quận 12, quận Bình Tân đã xây dựng kho dữ liệu liên thông các dịch vụ công cấp phường, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Trong dài hạn Thành phố hướng tới liên thông xử lý dịch vụ công toàn thành phố. Đó là lí do TPHCM tập trung xây dựng kho dữ liệu dùng chung và đến thời điểm này Thành phố đã số hóa được khoảng 60% sổ hộ tịch của toàn Thành phố, dự kiến đến tháng 6/2021 kho dữ liệu này sẽ đưa vào khai thác. Đây là cơ sở hết sức quan trọng bên cạnh cơ sở dữ liệu dân cư mà Bộ Công an đang xây dựng.
Khi đó người dân, doanh nghiệp chỉ khai báo một lần và thông tin liên thông đến các cơ quan quản lý nhà nước. Thay vì trao đổi bằng văn bản, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xác nhận thông tin của người dân qua các kênh dữ liệu, thời gian xử lý thủ tục hành chính sẽ rút ngắn.
Điều quan trọng hơn, trên cơ sở dữ liệu người dân thì các sở, ngành sẽ phát triển dữ liệu chuyên sâu và đưa ra những dự báo phục vụ công tác ban hành chính sách sát với thực tế. Ví dụ như ngành y tế đang triển khai hai dự án lớn, trong đó có dự án dữ liệu hồ sơ sức khỏe của người dân, trên cơ sở đó ngành chức năng đưa ra những dự báo liên quan đến sức khỏe sinh sản, các vấn đề giới tính... Bên cạnh đó là hồ sơ khám bệnh điện tử liên thông trong hệ thống các bệnh viện.
Với ngành giáo dục, trong đề án giáo dục thông minh, việc xây dựng dữ liệu dân cư trong độ tuổi đến trường sẽ giúp công tác quản lý đưa ra những chính sách dự báo về học sinh trong độ tuổi đến trường và nhu cầu trường lớp tương ứng.
Hướng tới chính quyền số
Như vậy, thành phố thông minh với kho dữ liệu của từng ngành, từng lĩnh vực sẽ giúp cơ quan quản lý chủ động xử lý các vấn đề của đời sống kinh tế, xã hội thay vì bị động chạy theo xử lý khủng hoảng.
Đây là nội dung quan trọng trong giai đoạn 2020-2025 Thành phố hướng đến, bên cạnh những tiện ích cho người dân khi tiếp cận các dịch vụ công thì các ngành như y tế, giáo dục sẽ có bước chuyển đổi quan trọng trong công tác quản lý của mình hướng đến môi trường số, nơi đó những cải cách phải đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ cho khách hàng của mình, đó chính là người dân.
Đến cuối năm 2020, TPHCM đã triển khai gần 1.300 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm hơn 40% tổng số dịch vụ công được cung cấp. Ứng dụng công nghệ 4.0 vào giải quyết thủ tục hành chính, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn hơn 99%.
Đến năm 2030, TPHCM đặt mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, gồm cả thiết bị di động. Ngoài ra, 100% hồ sơ công việc ở cấp thành phố, 100% hồ sơ công việc ở cấp quận và 95% hồ sơ công việc ở cấp phường được xử lý trên môi trường mạng. Trong giai đoạn này, dự kiến TPHCM thuộc nhóm 2 địa phương dẫn đầu về chính quyền số, kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 9%. Tỉ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%.
Băng Tâm