DN Ba Lan thúc đẩy hợp tác với các nhà nhập khẩu Việt Nam

09/08/2024 10:16 AM

(Chinhphu.vn) - Việt Nam và Ba Lan là đối tác thương mại quan trọng của nhau. Hàng hóa xuất khẩu có tính bổ trợ cho nhau. Riêng giá trị xuất nhập khẩu ở lĩnh vực thực phẩm của Ba Lan sang Việt Nam không ngừng tăng lên trong những năm gần đây. Các DN Ba Lan mong muốn tiếp tục thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác trực tiếp với các nhà phân phối, nhập khẩu của Việt Nam.

DN Ba Lan thúc đẩy hợp tác với các nhà nhập khẩu Việt Nam- Ảnh 1.

Các DN Ba Lan mong muốn tiếp tục thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác trực tiếp với các nhà phân phối, nhập khẩu của Việt Nam. Ảnh: VGP/Anh Lê

Ngày 8/8, Phòng Thương mại và Công nghiệp Ba Lan, Văn phòng đại diện Cơ quan đầu tư và thương mại Ba Lan tại TPHCM phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình quảng bá "Châu Âu đầy hương vị - truyền thống và chất lượng" tại TPHCM.

Chương trình quảng bá "Châu Âu đầy hương vị - truyền thống và chất lượng" là một phần trong nỗ lực xúc tiến thương mại lâu dài, giới thiệu đa dạng sản phẩm thực phẩm châu Âu đến Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy giá trị thực phẩm và lợi ích dinh dưỡng của sản phẩm đến từ châu Âu để mang đến thị trường nội địa những sản phẩm chất lượng cao với giá cả phù hợp.

Theo bà Bozena Wroblewska, Chủ tịch Trung tâm xúc tiến Phòng Thương mại và Công nghiệp Ba Lan, hiện tại, nhiều sản phẩm Ba Lan đã có mặt tại Việt Nam, nhưng Ba Lan mong muốn mang đến thị trường Việt Nam đa dạng sản phẩm hơn và chương trình quảng bá "Châu Âu đầy hương vị - truyền thống và chất lượng" là một trong những hoạt động trọng tâm.

Bà Bozena Wroblewska cho rằng, sản phẩm thực phẩm của Ba Lan và châu Âu nói chung luôn đảm bảo tuân thủ chất lượng quốc tế và tiêu chuẩn sản xuất cao. Trong khi đó, người dân Việt Nam ngày càng có thu nhập tăng cao và quan tâm đến vấn đề sức khỏe nên ưu tiên mua sắm, tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao, cũng như hàng ngoại nhập.

"Đây là cơ hội cho sản phẩm thực phẩm đạt tiêu chuẩn toàn cầu tham gia thị trường Việt Nam; trong đó doanh nghiệp Ba Lan kỳ vọng nắm bắt được cơ hội này và khai thác những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nhập khẩu sản phẩm thực phẩm vào Việt Nam", bà Bozena Wroblewska cho biết.

Đồng quan điểm trên, ông Piotr Harasimowicz, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại TPHCM cho hay Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do nên môi trường đầu tư, thương mại ngày càng hội nhập kinh tế toàn cầu, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu; trong đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU đang thúc đẩy giá trị giao thương của hai bên nói chung và nhiều quốc gia trong EU nói riêng.

Việt Nam và Ba Lan cũng là đối tác quan trọng của nhau, hàng hóa xuất khẩu có tính bổ trợ cho nhau. Riêng giá trị xuất nhập khẩu ở lĩnh vực thực phẩm của Ba Lan sang Việt Nam không ngừng tăng lên trong những năm gần đây. Các DN Ba Lan mong muốn tiếp tục thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác trực tiếp với các nhà phân phối, nhập khẩu của Việt Nam.

Trong khi đó, Ba Lan cũng là "cửa ngõ" vào các nước phương Tây và Đông Âu. Do đó, khi các DN Việt Nam đưa được hàng vào thị trường Ba Lan sẽ được tiếp cận với thị trường hơn 500 triệu người của EU.

Theo thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ba Lan năm 2023 đạt trên 2,8 tỷ USD, tăng 7% so với năm trước đó. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương gữa hai nước đạt trên 793 triệu USD (bao gồm trên 695 triệu USD xuất khẩu từ Việt Nam và 98 triệu USD xuất khầu từ Ba Lan).

Cùng với chương trình quảng bá "Châu Âu đầy hương vị - truyền thống và chất lượng," các đơn vị xúc tiến của Ba Lan còn tổ chức đoàn doanh nghiệp tham dự Triển lãm quốc tế chuyên ngành Thực phẩm - Đồ uống và Thiết bị công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm, đồ uống lần thứ 28 (Vietfood & Beverage-Propack Vietnam 2024) diễn ra từ ngày 8-10/8, tại TPHCM. Tại triển lãm, khu vực gian hàng quốc gia của Ba Lan trưng bày, giới thiệu phong phú sản phẩm thực phẩm đặc trưng có nguồn gốc xuất xứ từ Ba Lan.

Anh Lê

Top