DN cảm thấy tự tin hơn, mạnh dạn phát triển hơn
(Chinhphu.vn) - Trong những ngày qua, khi Đảng và Chính phủ đưa ra chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, tinh thần của cộng đồng doanh nghiệp (DN) rất phấn khởi và kỳ vọng rằng chủ trương này sẽ mang lại kết quả tích cực.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM. Ảnh: VGP/Lê Anh
Việc thực thi chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân phải đồng bộ
Chia sẻ tại Tọa đàm "Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân" diễn ra ngày 20/3, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM cho biết, dưới góc độ của hiệp hội ngành nghề, những ngày qua, khi Đảng và Chính phủ đưa ra chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, tinh thần của cộng đồng doanh nghiệp (DN) rất phấn khởi và kỳ vọng rằng chủ trương này sẽ mang lại kết quả tích cực. "Chúng tôi cảm thấy tự tin hơn, mạnh dạn phát triển hơn và tin rằng tương lai phía trước sẽ rất sáng sủa cho cộng đồng DN", bà Chi chia sẻ.
Tuy nhiên, theo bà Chi, để chính sách thực sự phát huy hiệu quả, DN cần cảm nhận rõ ràng sự hỗ trợ thực tế từ các cấp chính quyền, chứ không chỉ dừng lại trên giấy tờ.
Bà Chi nhấn mạnh rằng chính sách đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Việc thực thi chính sách cần được thực hiện một cách đồng bộ, đi vào thực tế sản xuất, kinh doanh và đời sống của DN.
Riêng tại TPHCM, hiện có khoảng 400.000 hộ kinh doanh cá thể, trong đó có hơn 20.000 hộ đang hoạt động rất hiệu quả và phát triển bền vững trong hàng chục năm qua. Nếu các hộ kinh doanh này được hỗ trợ, dẫn dắt và tạo điều kiện để chuyển lên thành DN, cùng với việc xây dựng các cơ chế kết nối riêng, TPHCM sẽ có được một lực lượng DN rất hùng hậu.
Đối với các địa phương khác, nơi lực lượng hộ kinh doanh cá thể không lớn mạnh như TPHCM, có thể tập trung vào việc xây dựng các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác để giảm bớt tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, đồng thời thúc đẩy sự tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.
Ông Lê Trí Thông, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM, đề xuất xây dựng các quỹ đầu tư chung giữa khu vực công và tư. Việc triển khai công - tư nên được thực hiện theo cơ chế thị trường, với các quyết định đầu tư dựa trên tính thị trường.
Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM, trong kỷ nguyên vươn mình, sự kết nối trong hệ điều hành là rất quan trọng - kết nối giữa DN và chính sách, giữa DN với DN. Cần xây dựng các doanh nghiệp dân tộc có khả năng dẫn dắt và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ hơn. Đồng thời, cần tạo ra các cơ chế để các DN này có thể chia sẻ và hợp tác nhằm hình thành một hệ sinh thái doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững.

Theo GS.TS Trần Hoàng Ngân, TPHCM cần có chính sách hỗ trợ lãi suất, kích cầu đầu tư và ưu tiên cho các lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ảnh: VGP/LA
Hỗ trợ các DN đầu ngành, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội khoá 15 cho biết, tại TPHCM, để tăng trưởng 10% thì GDP của thành phố sẽ đạt khoảng 2 triệu tỷ đồng, vốn đầu tư xã hội cần khoảng 660.000 tỷ đồng, trong đó khu vực nhân dân phải đáp ứng từ 420.000 đến 450.000 tỷ đồng. Giải pháp để huy động được nguồn vốn lớn như vậy là một bài toán không hề đơn giản.
Theo GS Ngân, doanh nhân Việt Nam có khát vọng và đam mê lớn. Vì vậy, chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế nhân dân trong thời gian tới cần quan tâm đến sự đóng góp đa dạng của doanh nghiệp - không chỉ về ngân sách nhà nước mà còn về kim ngạch xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm…
TPHCM hiện có khoảng 64 doanh nghiệp lớn trên tổng số gần 280.000 doanh nghiệp, nhưng lại đóng góp tới 44% tổng thu ngân sách. Do đó, cần có chính sách riêng cho các doanh nghiệp lớn và chính sách riêng cho các doanh nghiệp giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Về bộ máy công vụ, Thành phố cần đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng kinh tế số và xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì dân, vì doanh nghiệp.
Theo GS.TS Trần Hoàng Ngân, TPHCM cần có chính sách hỗ trợ lãi suất, kích cầu đầu tư và ưu tiên cho các lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thành phố đã thành lập các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp như Trung tâm chuyển đổi số, Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0, Trung tâm Đổi mới sáng tạo… Sắp tới, TPHCM sẽ thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế, đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp tận dụng nhằm phát triển.
GS-TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu - Đại học Quốc gia Singapore kiến nghị, TPHCM cần rà soát các điểm nghẽn trong từng ngành, từ đó tạo đột phá tương tự như khoán 10 trong lĩnh vực nông nghiệp trước đây.

Trong năm 2025, TPHCM tiếp tục đẩy mạnh các dự án đầu tư công, tạo động lực cho tăng trưởng. Ảnh: VGP/Lê Anh
Theo đó, TPHCM nên lập bản đồ cải biến các ngành công nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng đột phá, nâng cao năng suất, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Tại buổi làm việc với Sở Tài Chính mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, để TPHCM bứt phá và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, việc cải thiện môi trường đầu tư, thu hút dòng vốn mạnh mẽ, thúc đẩy đầu tư công, gỡ vướng cho các dự án và đẩy nhanh giải ngân là những nhiệm vụ cấp bách cần triển khai ngay.
Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu phải cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, trước hết là cắt giảm thủ tục hành chính. Ông đặt ra mục tiêu cụ thể: Giảm 30% số lượng hồ sơ, thời gian xử lý và chi phí thực hiện. Đây không chỉ là con số mà là cam kết với nhà đầu tư.
Lê Anh